Nhà đầu tư đang bị thử thách
(Taichinh) - Giới chuyên gia lo ngại bong bóng tài sản sẽ xuất hiện khi tín dụng Ngân hàng đổ vào chứng khoán quá nhiều.
Có quan điểm cho rằng, nhà đầu tư trên sàn chứng khoán thiếu niềm tin nên cứ “đi ra đi vào”. Bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch HĐQT REE - mã cổ phiếu của CTCP cơ điện lạnh, một trong những đơn vị lên sàn đầu tiên, sau 15 năm thị trường chứng khoán Việt Nam ra đời, cho biết, nền kinh tế đến nay còn yếu, sức cạnh tranh thấp nên dễ bị tổn thương. Trên thị trường nhiều công ty niêm yết ốm yếu, nhà đầu tư rơi vào thiếu niềm tin, khiến dòng tiền trên thị trường vốn bất ổn định lại càng trở nên bất ổn hơn.
Trong khi đó một lãnh đạo của CTCP Chứng khoán Sài Gòn - SSI thì cho rằng, việc tái cấu trúc thị trường chứng khoán thời gian qua ảnh hưởng lớn đến tâm lý của nhà đầu tư. Gần đây, nhà đầu tư án binh bất động khiến thị trường giảm điểm, thậm chí có những phiên rớt sâu.
Thừa nhận thị trường chứng khoán đang còn quá nhiều hạn chế, ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia cho biết, vốn ngắn hạn từ NH hiện chiếm tới 80% dòng tiền vào chứng khoán, gây mất cân đối trong huy động và sử dụng vốn. Điều này khiến cho nhà đầu tư cảm thấy thị trường chứng khoán chỉ là nơi kiếm tiền chứ không phải nơi giữ tiền, nên việc “chạy ra chạy vào” làm cho thị trường chứng khoán không phát triển được như kỳ vọng.
Theo tính toán của ông Ngoạn, riêng năm 2011, vốn NH chảy sang chứng khoán ở cả kênh chính thức và không chính thức đều rất cao. Riêng con đường không chính thức theo dạng liên doanh đầu tư giữa NH và công ty chứng khoán, lên đến hơn 50.000 tỷ đồng, điều này gây rủi ro rất lớn cho hệ thống tài chính NH.
Giới chuyên gia lo ngại bong bóng tài sản sẽ xuất hiện khi tín dụng NH đổ vào chứng khoán quá nhiều. TS. Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh cho rằng, nên đẩy mạnh nguồn vốn từ cổ phần hóa. Với dẫn chứng theo các quy định: Nhà nước chỉ nắm giữ 4 nhóm DN: công nghiệp quốc phòng, lĩnh vực độc quyền, công trình công cộng, một số lĩnh vực cần cho nền kinh tế. Tuy nhiên, hiện Nhà nước vẫn còn chi phối quá nhiều trong cả DN kinh doanh những lĩnh vực ngành nghề khác. Chưa kể, tiến độ cổ phần hóa thực hiện chậm lại: trong giai đoạn 2008-2011, có 117 DN được cổ phần hóa, thấp hơn nhiều so với thời gian trước đó, đến giai đoạn 2011-2013, số thực hiện được chỉ còn 99 đơn vị, năm 2014 khá hơn khi có 143 DN cổ phần hóa.
Thị trường không ổn định không chỉ tác động mạnh đến tâm lý nhà đầu tư trong nước, giới đầu tư ngoại cũng trở nên rụt rè. Điển hình trong tuần thứ ba của tháng 5, nhà đầu tư ngoại bán gần 121,42 tỷ đồng trên sàn chứng khoán TP. Hồ Chí Minh. Trong đó, những cổ phiếu bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất như: DXG, HPG , HAG và CII. Bên cạnh đó, các chuyên viên phân tích, nhận định trong điều kiện những thông tin về kết quả kinh doanh quý I/2015 của DN cũng như mùa đại hội cổ đông dần khép lại thì việc thiếu vắng những thông tin hỗ trợ đủ sức bật cũng như tâm lý khá dè dặt từ phía nhà đầu tư là rào cản rất lớn cho thị trường vào thời điểm này.
Có thể vốn ngắn hạn gây rủi ro bong bóng tài sản, nhiều DN niêm yết ốm yếu, thiếu minh bạch... là những trở ngại lớn, khiến nhà đầu tư không mấy mặn mà với thị trường chứng khoán. Để xử lý những vấn đề trên, TS. Trần Du Lịch cho rằng, cần đẩy mạnh thoái vốn, đồng thời khuyến khích DN sau khi cổ phần hóa nên niêm yết sớm để huy động vốn nhanh hơn. Theo đó, cần phải khuyến khích bằng các chính sách giảm thuế cho những đơn vị công bố thông tin minh bạch.
Chia sẻ thêm về quá trình tái cấu trúc thị trường chứng khoán, Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia - Vũ Viết Ngoạn cho rằng, đây là nhiệm vụ quan trọng, không chỉ giữ được nhà đầu tư ở lại thị trường mà còn tác động đến phát triển của cả nền kinh tế. Nếu ở châu Âu, châu Mỹ, tổng tài sản thị trường tài chính gấp 6 lần GDP thì châu Á hiện gấp 3 lần, Việt Nam chỉ khoảng 1,7 lần. Do vậy, nếu không cải cách thị trường tài chính, điển hình là thị trường vốn thì rất khó phát triển.