Duy trì và phát triển thị trường vốn Việt Nam an toàn, bền vững

Tùng Anh

Năm 2022, dù đối mặt với không ít biến động, nhưng với những giải pháp do Bộ Tài chính triển khai đã góp phần duy trì và phát triển thị trường vốn bền vững, công khai, minh bạch.

Năm 2022, TTCK Việt Nam thu hút được những nhà đầu tư có tiềm lực tài chính và chuyên môn trong lĩnh vực dịch vụ chứng khoán đến từ các quốc gia phát triển.
Năm 2022, TTCK Việt Nam thu hút được những nhà đầu tư có tiềm lực tài chính và chuyên môn trong lĩnh vực dịch vụ chứng khoán đến từ các quốc gia phát triển.

Phát triển tích cực theo hướng ổn định và bền vững

Trong năm 2022, những khó khăn của nền kinh tế thế giới và Việt Nam đã tác động đến thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam. Số liệu của Bộ Tài chính tại Hội nghị tổng kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022, triển khai nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2023 cho thấy, tính đến ngày 15/12/2022, VN-Index đạt 1.055,32 điểm, giảm 29,6% so với cuối năm 2021. Quy mô vốn hoá thị trường cổ phiếu khoảng 64,2% GDP, giảm 29,9% so với cuối năm 2021; giá trị giao dịch bình quân giảm còn khoảng 20,5 nghìn tỷ đồng/phiên, giảm 23% so với năm 2021.

Đối với thị trường trái phiếu chính phủ, tính đến cuối tháng 11/2022, thị trường có 389 mã trái phiếu niêm yết với giá trị niêm yết đạt hơn 1.651 nghìn tỷ đồng, tăng 9,3% so với năm 2021. Về quy mô giao dịch, tính chung 11 tháng năm 2022, giá trị giao dịch bình quân đạt 8.062 tỷ đồng/phiên.  

Đối với thị trường TPDN, tính đến ngày 15/12/2022, có 447 mã trái phiếu niêm yết; quy mô giao dịch bình quân đạt 7,82 nghìn tỷ đồng/phiên, giảm 31,4% so với năm 2021. Khối lượng phát hành TPDN riêng lẻ đến ngày 15/12/2022 là 332 nghìn tỷ đồng, giảm 34,76% so với cùng kỳ năm 2021 và có xu hướng giảm dần qua các quý. Hoạt động mua lại trước hạn tăng, lũy kế 11 tháng đầu năm là xấp xỉ 181 nghìn tỷ đồng, tăng 29,3% so với cả năm 2021...

Trong khi đó, thị trường bảo hiểm năm 2022 tiếp tục duy trì xu hướng tăng trưởng khả quan, với tổng doanh thu phí bảo hiểm ước tăng 15,1% so với năm 2021; tổng tài sản tăng 14,5%; đầu tư trở lại nền kinh tế tăng 12,6%.

Nhận định chung, trong năm qua, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, dù đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, thị trường vốn Việt Nam vẫn có những bước phát triển tích cực theo hướng ổn định và bền vững.

Triển khai nhiều giải pháp ổn định thị trường

Năm 2022, nhiều giải pháp ổn định thị trường vốn được triển khai, trong đó nổi bật là: Thực hiện điều chỉnh giá thanh toán cuối cùng trong ngày đáo hạn phái sinh; rút ngắn thời gian thanh toán giao dịch chứng khoán, chính thức triển khai áp dụng chu kỳ T+2 từ ngày 19/8/2022; yêu cầu doanh nghiệp niêm yết công bố thông tin khi các mã chứng khoán có dấu hiệu tăng, giảm giá trần, sàn từ 5-10 phiên; Nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật để chặn giao dịch của cổ đông nội bộ khi không công bố thông tin theo quy định...

Bên cạnh đó, công tác tái cấu trúc công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ tiếp tục được triển khai. Tính đến năm 2022, đã có 26 công ty chuyển chủ sở hữu và TTCK Việt Nam đã thu hút được những nhà đầu tư có tiềm lực tài chính và chuyên môn trong lĩnh vực dịch vụ chứng khoán đến từ các quốc gia phát triển tham gia sở hữu 100% vốn, cổ đông lớn trong công ty chứng khoán tại Việt Nam như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia...

Trong năm 2022, Bộ Tài chính cũng đã tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra, chấn chỉnh hoạt động của thị trường để kịp thời ngăn chặn hành vi vi phạm, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia thị trường, qua đó lành mạnh hoá thị trường, khơi thông dòng vốn cho nền kinh tế.

Đặc biệt, trước sai phạm của một số doanh nghiệp khiến thị trường TPDN diễn biến phức tạp, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 65/2022/NĐ-CP ngày 16/9/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 quy định về chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán TPDN ra thị trường quốc tế. Đồng thời, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp ổn định thị trường TPDN, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phát hành, đảm bảo quyền lợi nhà đầu tư trái phiếu...

Đối với thị trường bảo hiểm, nhằm góp phần hoàn thiện khung pháp lý, đảm bảo cho sự phát triển ổn định và bền vững của thị trường, trong năm 2022, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15, có hiệu lực từ ngày 01/01/2023; Nghị định số 20/2022/NĐ-CP ngày 10/3/2022 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 119/2015/NĐ-CP về bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng; Quyết định số 13/2022/QĐ-TTg ngày 09/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp; đồng thời ban hành theo thẩm quyền 03 thông tư. Bộ Tài chính hiện cũng đang khẩn trương xây dựng các nghị định và thông tư hướng dẫn thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm...

Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp bảo hiểm được thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục. Hoạt động quản lý, giám sát được tăng cường và chuẩn hóa theo các chuẩn mực quản lý, giám sát do Hiệp hội các nhà quản lý bảo hiểm quốc tế ban hành. Cơ quan quản lý, giám sát bảo hiểm của Việt Nam tham gia tích cực Diễn đàn các cơ quan quản lý bảo hiểm Đông Nam Á và Hiệp hội các nhà quản lý bảo hiểm quốc tế, qua đó chia sẻ các thông tin về quản lý, giám sát trong lĩnh vực bảo hiểm, đồng thời thông qua diễn đàn giới thiệu về hình ảnh đất nước và môi trường đầu tư của Việt Nam với bạn bè quốc tế...