Elvira Nabiullina - Người phụ nữ giải cứu kinh tế Nga
(Tài chính) Thống đốc NHTW Nga đã âm thầm ghìm cương đồng ruble, đưa đồng tiền này trở lại ổn định và đang dốc sức vực dậy nền kinh tế đang trong tình trạng suy thoái.
Nội dung nổi bật:
- Elvira Nabiullina đã có chính sách thích hợp để ổn định đồng ruble sau đợt rơi tự do cuối năm ngoái
- 31% trong số 29 chuyên gia kinh tế tham gia khảo sát của Bloomberg cho rằng so với 6 tháng trước, bà Nabiullina ngày càng khéo léo hơn trong việc xử lý khủng hoảng.
Tâm trạng hoảng sợ bao trùm không khí bên trong trụ sở NHTW Nga.
Đó là ngày 16/12 – ngày mà các nhà giao dịch tiền tệ Nga ghi nhớ bằng tên gọi “ngày thứ Ba đến tối”. Đó là ngày đồng ruble rơi tự do.
“Hãy can thiệp đi! Hãy can thiệp đi!”, một quan chức của NHTW Nga hét lên.
Thống đốc Elvira Nabiullina đang chăm chú theo dõi diễn biến của đồng ruble trên màn hình máy tính bảng. “Không”, bà nói. Nabiullina cho rằng đây không phải là thời điểm thích hợp để NHTW Nga phản ứng. Nga sẽ không chống lại thị trường nữa. Những kẻ đầu cơ cần bị dội một “gáo nước lạnh”, bà nói.
Quyết định đột ngột nhưng đầy cương quyết ấy đang đem đến tin vui cho nữ Thống đốc 51 tuổi của NHTW Nga và Tổng thống Vladimir Putin. Mặc dù đã có thời gian ngắn chao đảo vì lệnh cấm vận được phương Tây đưa ra nhằm trừng phạt Nga, đồng ruble đã ổn định trở lại. Kể từ 16/12 – khi đồng ruble thấp nhất trong lịch sử, đồng tiền này đã hồi phục 19% so với USD, mạnh nhất trong số 24 loại tiền tệ của các thị trường mới nổi.
Nga vẫn phải đối mặt với thời kỳ suy thoái do giá dầu gây nên và nhiều ngân hàng đang bị thiệt hại. Tuy nhiên, ít nhất thì cho tới thời điểm hiện tại, nền kinh tế đã quay trở lại quỹ đạo. Tuần trước, Bộ trưởng Tài chính Anton Siluanov tuyên bố giai đoạn tồi tệ nhất đã đi qua.
Nằm ở gần Quảng trường Đỏ, NHTW Nga đang hân hoan trong chiến thắng. Bà Nabiullina không còn phải phung phí dự trữ ngoại hối cho nỗ lực hỗ trợ đồng ruble. Giờ đây bà chỉ còn một nhiệm vụ là hỗ trợ nền kinh tế bị tổn hại, mặc dù nhiệm vụ này cũng khó khăn không kém.
Mặc dù NHTW Nga hoàn toàn độc lập so với chính phủ, giới quan sát nhận định Nabiullina đã nổi lên là một người rất quyết đoán và độc lập. Bà không sợ việc đơn độc. Khi nhiều quan chức chính phủ hối thúc ông Putin áp dụng các biện pháp kiểm soát, bà phản đối kịch liệt và luôn kêu gọi thả nổi đồng ruble.
Nabiullina đã giải quyết một trong những “bài toán tài chính” hóc búa nhất mà ông Putin phải đối mặt trong suốt 15 năm cầm quyền. Đầu tiên bà đột ngột nâng lãi suất từ 10,5% lên 17% chỉ sau 1 đêm, sau đó để cho thị trường tiền tệ tự điều chỉnh.
Ông Putin thường sử dụng một đường dây nóng nối tới NHTW để thảo luận các chiến lược với Nabiullina. Trước khi trở thành Thống đốc năm 2013, bà từng là Bộ trưởng Kinh tế và cố vấn cho Tổng thống. Khi chuông điện thoại reo và hiện số từ văn phòng Tổng thống, những người khác đang có mặt trong phòng làm việc của bà tự động rời đi.
Với giá dầu ổn định suốt từ tháng 1 đến nay và Nga vẫn đứng trước nguy cơ bị trừng phạt nặng hơn, giờ đây Nabiullina phải giải quyết nền kinh tế lần đầu tiên rơi vào trạng suy thoái trong suốt 6 năm qua. Với sự ủng hộ của Tổng thống Putin, bà một lần nữa khiến giới phân tích ngạc nhiên khi hạ lãi suất cơ bản xuống còn 15% hồi cuối tháng 1 và sau đó là xuống 14% trong tháng 3.
Herman Gref – người hiện đang lãnh đạo ngân hàng trực thuộc nhà nước Sberbank và từng là sếp của Nabiullina khi bà làm ở Bộ Kinh tế - nhận định hiện tất cả các ngân hàng Nga đều đang ở trong tình trạng rất khó khăn với lượng nợ xấu tăng cao.
“Bức tranh kinh tế cũng không mấy sáng sủa. Chi tiêu tiêu dùng ở Nga đang trên đà giảm mạnh nhất trong 6 năm và lạm phát hiện ở mức 16,7% - cao nhất kể từ 2002.
Về phần mình, Nabiullina đã học được nghệ thuật lãnh đạo từ Tổng thống Putin. Sau khi Tổng thống chỉ trích NHTW phản ứng quá chậm chạp hồi năm ngoái, bà ngay lập tức thay người phụ trách chính sách tiền tệ. Động thái này được nhiều chuyên gia kinh tế hoan nghênh.
Tuy nhiên, không phải ai cũng đánh giá cao những động thái vừa qua của NHTW Nga. Pavel Trunin, chuyên gia đến từ Viện nghiên cứu Gaidar ở Moscow, cho rằng trong suốt năm 2014 Nabiullina chỉ đối phó với thị trường chứ không đi trước một bước. Mặc dù thả nổi đồng ruble giúp giảm ảnh hưởng tiêu cực từ biến động của giá dầu lên nền kinh tế, động thái này được đưa ra quá trễ và chưa thành công trong việc trấn an thị trường.
Dẫu vậy, 31% trong số 29 chuyên gia kinh tế tham gia khảo sát của Bloomberg cho rằng so với 6 tháng trước, bà Nabiullina ngày càng khéo léo hơn trong việc xử lý khủng hoảng.
Và, Nabiullina vẫn là một trong số rất ít lãnh đạo tài chính phải đối mặt với các yếu tố địa chính trị. Bà cũng là người phụ nữ đầu tiên làm thống đốc NHTW trong nhóm G8. Khi ông Putin quyết định sáp nhập Crimea vào Nga, bà bắt đầu mở chiến dịch trên mạng xã hội để đánh giá kỳ vọng của nhà đầu tư đối với đồng ruble. Hơn nữa, cả bà Nabiullina và ông Putin đều không chuẩn bị cho kịch bản giá dầu rơi tự do – yếu tố nặng nề nhất tàn phá kinh tế Nga.