EU đang thiếu sự thống nhất chiến lược quân sự - chính trị
(Tài chính) Tại Hội nghị Thượng đỉnh An ninh toàn cầu (MSC) hàng năm vừa diễn ra tại Munich, lãnh đạo và bộ trưởng quốc phòng các nước cảnh báo, EU đang đối mặt với một cuộc chiến tranh ở ngay thềm nhà. Đó là, cuộc xung đột đang leo thang ở miền Đông Ukraine - chỉ cách nơi diễn ra hội nghị 3 giờ bay. Cho đến nay, công cụ quyền lực mềm của EU về hỗ trợ dân sự, ngoại giao và các lệnh trừng phạt chưa phát huy được hiệu quả trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng này.
Kể từ khi bạo lực ở miền Đông Ukraine leo thang trong tháng 1, hàng nghìn thường dân đã bị cuốn vào cuộc đấu giữa lực lượng nổi dậy đòi ly khai ở miền Đông Ukraine và quân Chính phủ Kiev. Việc đưa hàng viện trợ nhân đạo đến với dân thường tại các khu vực bị ảnh hưởng nặng xung đột vô cùng khó khăn.
Các nhà phân tích nhận định, nếu không thể ngăn chặn chết chóc và giải quyết các mâu thuẫn giữa Nga và phương Tây thì không thể bảo đảm được một tương lai hòa bình cho khu vực này. Cách đây 2 năm, một nhóm các quan chức và chuyên gia an ninh của Mỹ, Anh và Nga từng cảnh báo, sự thiếu vắng chiến lược quân sự và chính trị mới cho khu vực châu Âu - Đại Tây Dương có nguy cơ làm suy yếu sự ổn định và phá vỡ an ninh toàn cầu.
Theo Project Syncdicate, không một cấu trúc an ninh nào, dù cũ hay mới, có thể thành công nếu không có các nhà lãnh đạo cam kết và quyết tâm giải quyết những vấn đề cốt lõi. Cấu trúc an ninh hiện có của EU không hoàn thành nhiệm vụ giải quyết cuộc khủng hoảng tại miền Đông Ukraine, cũng như giúp tăng cường hợp tác an ninh khu vực.
Các thể chế được thành lập để hỗ trợ sự tương tác tích cực giữa Nga và phương Tây đã bị phá vỡ, dường như không có khả năng giải quyết những vấn đề chính trị, kinh tế và an ninh cốt lõi. Trong nhiều năm qua, EU thiếu vắng các quan hệ gần gũi giữa các nhà lãnh đạo, cũng như thiếu vắng sự liên lạc mật thiết nhằm kịp thời quản lý các cuộc khủng hoảng, do thiếu sự tin tưởng lẫn nhau.
Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) đang can dự sâu vào cuộc khủng hoảng Ukraine, nhưng lại thiếu sự ủy nhiệm chính trị để đề cập các vấn đề cốt lõi, chưa nói đến việc giải quyết các vấn đề này. Hội đồng Nga - NATO được lập ra nhằm tạo quan hệ đối tác bình đẳng, hiệu quả hơn giữa Moscow và phương Tây, nhưng lại bị đình chỉ đúng lúc tổ chức này cần phát huy vai trò nhất. Các hiệp định như hiệp ước về các lực lượng vũ trang thông thường tại châu Âu và hiệp ước về các lực lượng hạt nhân tầm trung, được thiết kế nhằm củng cố lòng tin và sự ổn định cũng bị đình chỉ hoặc có nguy cơ tạm dừng.
Việc giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay và xây dựng cấu trúc mới cho an ninh khu vực châu Âu - Đại Tây Dương đang đòi hỏi một ban lãnh đạo chính trị mạnh mẽ và tư duy chiến lược mới. Theo các chuyên gia, bước đầu tiên phải thành lập một Nhóm lãnh đạo an ninh châu Âu - Đại Tây Dương mới, gồm đại diện của các Tổng thống, Thủ tướng và Bộ trưởng Ngoại giao. Nhóm lãnh đạo này sẽ thực hiện các cuộc đối thoại cấp cao, tập trung vào việc phát triển các kiến nghị cụ thể nhằm giải quyết khủng hoảng Ukraine cũng như các vấn đề an ninh châu Âu, có lồng ghép với các vấn đề chính trị, kinh tế và an ninh.
Ban đầu, nhóm lãnh đạo này nên bao gồm đại diện của các quốc gia chủ chốt như Đức, Pháp, Italy, Ba Lan, Nga, Thụy Điển, Ukraine, Anh và Mỹ; trực tiếp được trao quyền và có liên hệ chặt chẽ với Tổng thống và Thủ tướng của các nước này. Nhằm bảo đảm quy chế thành viên rộng rãi và minh bạch khắp châu Âu , trong khuôn khổ các cấu trúc hiện có, nhóm lãnh đạo nên bao gồm cả đại diện của OSCE, Liên minh châu Âu, Liên minh Kinh tế Á - Âu, NATO… Ưu tiên của nhóm lãnh đạo là giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay. Sau đó, nhóm nên đề xuất các biện pháp cải thiện các cấu trúc hiện thời như: cải cách và trao quyền cho OSCE; thành lập Diễn đàn An ninh châu Âu - Đại Tây Dương mới, có thể đóng vai trò quan trọng trong việc thực thi các hiệp định mà Nhóm lãnh đạo đạt được.
Một cách để nhóm lãnh đạo mới có thể đóng vai trò quyết định là việc xác định những nguyên tắc minh bạch và kiềm chế lẫn nhau, nhằm tránh nguy cơ đối đầu giữa NATO và các đồng minh của Nga. Sau đó, một diễn đàn hay một thể chế mới sẽ cung cấp cấu trúc thực thi để bảo đảm các chuỗi chỉ huy quân sự trên khắp khu vực châu Âu - Đại Tây Dương chấp hành các nguyên tắc này, cũng như các kênh liên lạc đáng tin cậy luôn tồn tại, trong trường hợp xảy ra các va chạm nghiêm trọng. Cuối cùng, một cấu trúc an ninh châu Âu - Đại Tây Dương mới cần được trao quyền để hành động vượt ra ngoài các vấn đề quân sự truyền thống và can dự hơn nữa trong các vấn đề kinh tế, năng lượng hay các lĩnh vực quan trọng khác.
Rõ ràng, thời điểm thách thức hiện nay đòi hỏi hành động táo bạo từ các nhà lãnh đạo và EU nên mạnh dạn thực hiện những đề xuất mới.