EU: Kế hoạch chấn hưng nền kinh tế

Hải An

(Tài chính) Ngày 18/12/2014, lãnh đạo 28 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua Kế hoạch tái thiết nền kinh tế trong vòng 3 năm, trị giá 315 tỷ Euro do Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất. EC hy vọng kế hoạch này sẽ bổ sung từ 330 đến 410 tỷ euro vào tổng sản phẩm nội địa của EU, và có khả năng tạo thêm từ 1 dến 1,3 triệu việc làm trong vòng 3 năm.

Lãnh đạo 28 quốc gia thành viên EU đã thông qua Kế hoạch tái thiết nền kinh tế trị giá 315 tỷ Euro. Nguồn: Internet
Lãnh đạo 28 quốc gia thành viên EU đã thông qua Kế hoạch tái thiết nền kinh tế trị giá 315 tỷ Euro. Nguồn: Internet

Bất chấp các biện pháp khuyến khích chưa từng có tiền lệ mà Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đưa ra, EU vẫn đang thiếu hụt nghiêm trọng các khoản đầu tư để có thể trở lại mức độ tăng trưởng trước khủng hoảng.

Ngày 26/11/2014, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean - Claude Juncker đã trình bày trước Nghị viện châu Âu chương trình tái thiết nền kinh tế đầy tham vọng. Mục tiêu của chương trình này là huy động được 315 tỷ euro trong vòng 3 năm, để đầu tư vào các lĩnh vực chiến lược, nhằm thúc đẩy tăng trưởng và việc làm.

Kế hoạch trên sẽ dựa một phần vào ngân sách châu Âu và Ngân hàng đầu tư châu Âu. Một quỹ mới mang tên “Quỹ đầu tư chiến lược châu Âu”(FEIS), sẽ được lập ra để tài trợ cho các dự án có mức độ rủi ro cao.

Mục tiêu của Quỹ là thu hút được nhiều đầu tư tư nhân. Chủ tịch Juncker kỳ vọng kế hoạch của ông sẽ giải quyết được tình trạng thiếu hụt các khoản đầu tư (không tăng quá mạnh chi tiêu công, trong bối cảnh hầu hết các nước EU đều có thâm hụt ngân sách lớn và các khoản nợ công chồng chất).

EU sẽ chỉ góp 21 tỷ euro cho FEIS, trong đó 16 tỷ euro từ ngân sách của khối và 5 tỷ euro từ Ngân hàng đầu tư châu Âu (EIB). Việc góp vốn của EU sẽ như một hình thức bảo lãnh và qua đó, các nhà đầu tư tư nhân sẽ yên tâm góp vốn. EC dự kiến số tiền huy động được trong ba năm sẽ gấp 15 lần, tức tổng cộng 315 tỷ euro.

Ngoài ra, các chính phủ EU cũng có thể đầu tư vào quỹ và như vậy số tiền huy động cho EFSI có thể sẽ không dừng lại ở con số 315 tỷ euro.

Tiền cho kế hoạch chấn hưng sẽ đặc biệt được dùng để đồng tài trợ cho các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng chiến lược (bao gồm công nghệ số và năng lượng), giao thông, giáo dục, đào tạo nghề, nghiên cứu, cách tân, y tế công.

Bên cạnh đó, một phần của số vốn này cũng sẽ được đầu tư cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ - những doanh nghiệp ít có khả năng huy động vốn trên thị trường.

Dự án trên được EC đánh giá cao trong bối cảnh tăng trưởng các nước trong khu vực tiếp tục có những dấu hiệu giảm sút trong thời gian qua. Với quỹ đầu tư mới này, theo ước tính của EC, GDP kinh tế khu vực Eurozone có thể sẽ tăng trưởng thêm 1%/năm trong 3 năm tới.

Một số nước, đứng đầu là Đức cho rằng, số tiền này đủ để bước đầu khởi động lại kinh tế châu Âu đang ì ạch sau khủng hoảng nhưng một số nước đang đối mặt với nhiều khó khăn như Tây Ban Nha, Slovakia và Phần Lan cho rằng số tiền 315 tỷ là vẫn ít. Trong khi đó, một số nước có nền kinh tế khỏe mạnh như Anh lại không ủng hộ khi cho rằng EFSI không làm tăng ngân sách EU.

Tuy nhiên, dù sao thì Hội nghị thượng đỉnh EU cũng đã thông qua kế hoạch trên vào ngày hôm qua. Chắc chắn rằng các thị trường tài chính trong khu vực sẽ rất hoan nghênh động thái này khi mà hầu hết chính phủ các nước thành viên đang phải hạn chế chi tiêu để giảm mức nợ công.