“Chiến trường” nợ công đáng sợ nhất thế giới
Cuộc họp thâu đêm của Bộ trưởng Tài chính các quốc gia Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) kết thúc sáng 10/11 tại Brussels (Bỉ) không đạt được kết quả nào liên quan đến "món nợ" Hy Lạp.
Mong muốn có 2 tỷ euro để trang trải nợ nần của Chính phủ Hy Lạp đã tan thành mây khói. Cuộc họp thâu đêm của Bộ trưởng Tài chính các quốc gia Eurozone kết thúc sáng 10/11 (giờ Hà Nội) tại Brussels (Bỉ) không đạt được kết quả nào liên quan đến "món nợ" Hy Lạp. Ngược lại, áp lực trong thực hiện các cam kết cải cách với Liên minh Châu Âu (EU) càng đè nặng lên nền kinh tế của xứ sở các vị Thần.
Theo "tối hậu thư" mà các bộ trưởng tài chính Eurozone đưa ra, Chính phủ Hy Lạp có thêm một tuần để hoàn tất các biện pháp tài chính cũng như pháp lý trong cải cách theo đúng cam kết, nếu muốn giải ngân khoản cứu trợ 2 tỷ euro cùng các khoản cứu trợ tiếp theo để tái cấp vốn cho khu vực ngân hàng nước này đang bên bờ vực phá sản.
Sau nhiều nỗ lực cải cách của Hy Lạp cũng như các cuộc bàn thảo căng thẳng, tháng 7 vừa qua, các nhà lãnh đạo Eurozone quyết định dành cho nước này khoản hỗ trợ tổng trị giá 86 tỷ euro. Đổi lại, Athens phải tăng thuế và thúc đẩy tư nhân hóa.
Trên tinh thần thỏa thuận, một tháng sau, Hy Lạp đã nhận được 13 tỷ euro giải ngân đầu tiên. Thế nhưng, xứ sở các vị Thần đã lỡ khoản giải ngân thứ hai trị giá 2 tỷ euro trong tháng 10 vừa qua do các chủ nợ đòi Athens phải thực hiện những cải cách then chốt như từng cam kết trước khi giải ngân.
Lý do các nhà lãnh đạo Eurozone cũng như "bộ tứ" chủ nợ quốc tế - gồm: Ủy ban Châu Âu (EC), Ngân hàng trung ương Châu Âu (ECB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Cơ chế bình ổn Châu Âu (ESM) - đưa ra khi quyết định hoãn giải ngân 2 tỷ euro vì Athens quá chậm trong cải cách hệ thống ngân hàng và tài chính.
Trên thực tế, nhằm đáp ứng yêu cầu của chủ nợ, giữa tháng 7, Quốc hội Hy Lạp đã thông qua gói "thắt lưng buộc bụng" mới. Trước làn sóng phản đối chính phủ đang làm đất nước kiệt quệ vì liên tục tăng thuế và biện pháp này chỉ kéo dài thêm tình trạng suy thoái hiện nay, Thủ tướng Alexis Tsipras đã lên tiếng rằng: Đây là một trong những thỏa thuận với EU mà chính các thành viên trong Quốc hội Hy Lạp đã bỏ phiếu ủng hộ. Việc thông qua Dự luật cam kết tăng thuế, cắt giảm chi tiêu công mới bảo đảm để Hy Lạp được các chủ nợ giải ngân khoản hỗ trợ trị giá 2 tỷ euro nêu trên.
Ngay trước thềm cuộc họp của Bộ trưởng Tài chính Eurozone vừa kết thúc, đa số các nghị sĩ Quốc hội Hy Lạp (gồm 300 ghế) cũng đã thông qua dự luật hoàn thiện một đạo luật trước đó về cách tính lương hưu. Theo đó, Hy Lạp buộc phải tiết kiệm năng lượng, dỡ bỏ các trở ngại trong thương vụ bán cảng lớn nhất của nước này và chấm dứt miễn thuế với nông dân.
Thế nhưng, những nỗ lực của Hy Lạp vẫn chưa làm hài lòng các chủ nợ. Trong cuộc họp các bộ trưởng tài chính Eurozone, dù công nhận Hy Lạp đã thực hiện 80% các cam kết, đang đi đúng hướng song vẫn chưa đủ. Vướng mắc lớn nhất giữa hai bên là cách giải quyết các khoản vay mua nhà chưa trả.
Trong khi Eurozone muốn Hy Lạp giải quyết các món nợ xấu bằng cách tịch thu, phát mãi bất động sản liên quan để thu hồi tiền cho các ngân hàng thì Hy Lạp lo ngại rằng, biện pháp quá mạnh như vậy sẽ gây phản ứng lớn từ người dân.
Hy Lạp chỉ còn một tuần nữa để thực hiện cam kết với các chủ nợ để được nhận khoản hỗ trợ 2 tỷ euro. Nhưng, giới tài chính khu vực lo ngại, ngay cả gói cứu trợ tổng trị giá 86 tỷ euro được thực hiện đầy đủ cũng khó có thể cải thiện ngay cuộc sống của người dân; đồng thời bảo đảm tương lai chính trị cho Thủ tướng A.Tsipras và đảng Syriza cầm quyền.
Vì thế, Eurozone một lần nữa có thể tiếp tục mâu thuẫn do khoản nợ khó đòi từ Hy Lạp. Đặc biệt, với việc nước này tăng thuế sẽ khiến người dân thêm bất bình. Những năm tháng "thắt lưng buộc bụng" của người Hy Lạp (để có tiền trả nợ) xem ra đã quá đủ. Đa số dân chúng đất nước bên bờ Địa Trung Hải đã bị bần cùng hóa, hàng triệu người bị đẩy ra đường vì thất nghiệp, rất nhiều nhân lực tay nghề cao đã bỏ nước ra đi...
Tất cả đang biến Hy Lạp thành một "chiến trường" nợ công đáng sợ nhất thế giới; đồng thời nêu một bài học đắt giá cho các nền kinh tế được cho là thiếu minh bạch và không được giám sát bởi chính người dân.