EU và Canada vẫn quyết tâm ký kết CETA, dù Bỉ chưa sẵn sàng
Mặc dù Bỉ tuyên bố chưa sẵn sàng ký Hiệp định Thương mại và kinh tế toàn diện (CETA) Liên minh châu Âu (EU) - Canada do vấp phải sự phản đối của vùng Wallonie, nhưng hội nghị thượng đỉnh EU và Canada nhằm hoàn tất thỏa thuận này vẫn diễn ra theo đúng kế hoạch là vào ngày 27/10 tới tại Brussels (Bỉ).
Phát biểu sau cuộc điện đàm ngày 24/10 với Thủ tướng Canada Justin Trudeau, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk nêu rõ hai bên vẫn còn cơ hội cứu vãn CETA.
Ông nhấn mạnh hội nghị thượng đỉnh vẫn diễn ra và hai nhà lãnh đạo khuyến khích các bên hợp tác tìm giải pháp tháo gỡ thế bế tắc hiện nay.
Tuy nhiên, Chủ tịch Tusk tránh đề cập tới chương trình nghị sự của hội nghị, cụ thể là khả năng CETA có thể được ký kết hay các nhà lãnh đạo chỉ tiếp tục thương lượng.
Trước đó, Văn phòng của Thủ tướng Canada cũng ra thông báo cho biết các nhà lãnh đạo hai bên đã nhất trí phía EU và các quốc gia thành viên vẫn tiếp tục chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh này và CETA sẽ được ký kết theo kế hoạch.
Phát biểu với báo giới tại Ottawa sau khi trở về từ Brussels, Bộ trưởng Thương mại Canada Chrystia Freeland tuyên bố CETA chưa "chết yểu," đồng thời nhấn mạnh "hiện quả bóng đang nằm trong phần sân của EU." Bà cũng cho biết các bên đang nỗ lực tháo gỡ vướng mắc từ phía Wallonie.
Trước đó, EU đưa ra đề xuất mới và kèm theo "tối hậu thư" yêu cầu Bỉ sẽ phải đưa ra quyết định rõ ràng đối với việc ký kết CETA.
Tuy nhiên, Thủ hiến vùng Wallonie Paul Magnette đã bày tỏ sự thất vọng đối với những đề xuất mới bảo vệ các nhà đầu tư của EU, đồng thời bác bỏ "tối hậu thư" và chỉ trích việc khối này gây sức ép yêu cầu Bỉ phải thông qua thỏa thuận CETA trước đêm ngày 24/10 là phi dân chủ.
Sau cuộc họp ngắn của Ủy ban Hòa hợp gồm các bộ trưởng chủ chốt của liên bang và lãnh đạo đại diện các vùng của Bỉ trong bối cảnh thời hạn chót mà EU đưa ra, Thủ tướng Bỉ Charles Michel tuyên bố nước này chưa sẵn sàng ký CETA, đồng thời nhấn mạnh hiện còn quá sớm để tuyên bố CETA đã "chết yểu" và chính quyền vùng Wallonie cũng như ông vẫn mở cánh cửa đối thoại.
Dự kiến, CETA sẽ kết nối EU - một trong những thị trường lớn nhất thế giới gồm trên 500 triệu dân với Canada - nền kinh tế lớn thứ 10 toàn cầu.
Những người ủng hộ CETA cho rằng thỏa thuận này sẽ thúc đẩy việc làm và tăng trưởng song những người phản đổi lo ngại việc ký kết CETA sẽ khiến các tiêu chuẩn về tiêu dùng và bảo vệ môi trường tại châu Âu bị hạ thấp.
Giới phân tích cho rằng nếu CETA không được ký kết, đây sẽ là một đòn giáng mạnh vào chính sách thương mại của EU, vốn đang loay hoay trong vấn đề Brexit (Anh rời khỏi EU) và tình trạng tăng trưởng trì trệ.
Ủy viên châu Âu phụ trách thương mại, bà Cecilia Malmström, từng cho rằng nếu EU không thể ký một thỏa thuận tốt với Canada - một trong những đồng minh thân cận của khối này, thế giới sẽ đặt câu hỏi rằng liệu EU có phải là đối tác đáng tin cậy hay không.