Eurozone: Giảm phát đã “gõ cửa”?
(Tài chính) Các số liệu về lạm phát của khu vực đồng tiền chung châu Âu đang được theo rất dõi sát sao. Các chuyên gia kinh tế lo ngại khu vực này sẽ lâm vào tình trạng giảm phát.
Về lý thuyết, giảm phát được hiểu là việc mức giá chung của nền kinh tế giảm liên tục trong khoảng thời gian nhất định. Tương tự như lạm phát, giảm phát cũng được tính thông qua mức tăng/giảm tương đối của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tính bằng %. Khi lạm tỷ lệ phát giảm xuống dưới 0% và có sự giảm mức giá chung thì có nghĩa nền kinh tế đang trong tình trạng giảm phát.
Như vậy, với số liệu công bố ngày 31/3/2014 của Cơ quan thống kê Liên hiệp châu Âu (Eurostat) là tỷ lệ lạm phát của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong tháng 3/2014 ở mức 0,5% (thấp hơn 0,2% so với mức 0,7% hồi tháng 2/2014) thì Eurozone vẫn chưa rơi vào vòng xoáy giảm phát.
…Nhưng cũng đáng lo ngại
Tuy nhiên, lo ngại của các chuyên gia kinh tế về việc Eurozone sẽ rơi vào tình trạng giảm phát là có cơ sở vì con số trên thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu lạm phát đặt ra là 2% của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và tháng 3/2014 cũng đã là tháng thứ sáu liên tiếp lạm phát của khu vực ở mức “dưới ngưỡng nguy hiểm” 1%.
Nguy hiểm hơn, tình trạng giảm lạm phát này gần như không thay đổi ngay cả khi ECB đã nhận ra nguy cơ và đã có các động thái tích cực từ giữa năm 2013 như hạ và duy trì mức lãi suất siêu thấp 0,5% kể từ đầu tháng 5/2013. Lẽ ra lạm phát của khu vực phải tăng theo hiệu ứng lãi suất nhưng thực tế thì ngược lại, tỷ lệ lạm phát vẫn hướng xuống mốc 0%.
Vào ngày 7/11/2013, thậm chí, ECB đã phải ra quyết định lịch sử - giảm lãi suất cơ bản (lãi suất tái cấp vốn cho các ngân hàng) xuống mức thấp kỷ lục 0,25%, đồng thời giữ lãi suất tiền gửi ở 0%. Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, tỷ lệ lạm phát của Eurozone chưa bao giờ vượt qua 1%.
Quyết định của ECB
Lạm phát thấp sẽ đe dọa đến đà phục hồi kinh tế mong manh của Eurozone, do người dân giảm chi tiêu, chờ giá hạ thêm nữa. Lạm phát thấp cũng có nghĩa chính phủ và doanh nghiệp khó trả nợ hơn. “Lạm phát thấp chắc chắn sẽ đi cùng với tăng trưởng thấp”, David Lipton, chuyên gia kinh tế của IMF nhận định.
IMF dự báo kinh tế Eurozone sẽ phục hồi ở mức 1,2% trong năm 2014, tuy nhiên thể chế tài chính này cũng khuyến cáo ECB nên tiếp tục giữ lãi suất thấp để phòng ngừa nguy cơ giảm phát.
Ông Mario Draghi, Giám đốc ECB cho rằng, lý do chính khiến lạm phát châu Âu thấp kỷ lục là đồng Euro đã quá mạnh (Trong một năm qua, đồng Euro đã tăng 6% so với USD và 9% so với yên Nhật). Cũng theo, ông Draghi “sự mạnh lên của đồng Euro đòi hỏi những biện pháp nới lỏng tiền tệ hơn nữa”. Như vậy, nhiều khả năng ECB sẽ tung thêm kích thích cho Eurozone nếu lạm phát khu vực này tiếp tục thấp.
Bài đăng trên Tài chính & Đầu tư số 4 - 2014