FDI và góc nhìn từ nhà băng…
Khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, cũng như các hoạt động giao thương quốc tế. Nắm bắt xu thế này, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt nam (Vietcombank) đã thành lập Phòng Khách hàng FDI tại Trụ sở chính nhằm phục vụ khách hàng tốt nhất. Để hiểu rõ hơn vấn đề này, phóng viên có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Kim Oanh – Phó Tổng giám đốc Vietcombank.
Phóng viên: Việt Nam đã từng trải “thảm đỏ” để mời gọi các dự án FDI, song hậu quả là nhiều dự án chưa như mong đợi… Hiện nay, Việt Nam đã và đang siết chặt việc cấp phép, sàng lọc các dự án FDI, vậy việc sang lọc các dự án FDI ở Vietcombank được thực hiện ra sao, thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Kim Oanh: Khi thẩm định, lựa chọn dự án FDI để tài trợ, Vietcombank tập trung đánh giá một số yếu tố quan trọng như kinh nghiệm hoạt động trong ngành của công ty mẹ. Tuy dự án mới triển khai tại Việt Nam nhưng kinh nghiệm của công ty mẹ trong ngành là rất quan trọng để dự án có thể được triển khai hiệu quả trong xây dựng nhà máy, lắp đặt máy móc thiết bị, thiết kế quy trình sản xuất.
Quan hệ với các đối tác, đặc biệt là đầu ra của dự án: đối với các dự án FDI mà chủ đầu tư tự triển khai tại Việt Nam có độ rủi ro cao về thị trường đầu ra thì rất khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng của ngân hàng.
Vietcombank ưu tiên lựa chọn các dự án FDI mà Công ty mẹ đã có người mua truyền thống, ngành hàng đang trong giai đoạn phát triển tốt.
Bên cạnh đó, năng lực tài chính của chủ đầu tư, khả năng huy động đủ phần vốn tự có tham gia dự án cũng có vai trò hết sức quan trọng. Việc thẩm định được thông qua Báo cáo tài chính của công ty mẹ, thông tin xếp hạng tín dụng quốc tế, thông tin công bố (nếu là công ty niêm yết đại chúng).
Kinh nghiệm, năng lực quản lý của Ban lãnh đạo. Trong đó, nhân sự chủ chốt của dự án cần là những người có kinh nghiệm lâu năm trong ngành, từng đảm nhận các vị trí tương tự tại các quốc gia khác.
Bên cạnh đó, tính khả thi của dự án, độ nhạy, hiệu quả tài chính của dự án cũng là yếu tố để Vietcombank căn cứ vào các thông số này để tư vấn, đàm phán với khách hàng về cơ cấu tài chính tối ưu cho khách hàng, tạo điều kiện để triển khai dự án, đồng thời đảm bảo khả năng trả nợ cho ngân hàng.
Thực tế có không ít nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam “tay không bắt giặc”, hoàn toàn dựa vào nguồn vốn vay ngân hàng, vậy việc đảm bảo tỷ lệ vốn vay/vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp FDI được Vietcombank chuẩn hóa như thế nào?
Tình trạng này chủ yếu xuất hiện ở các doanh nghiệp FDI hoạt động trong lĩnh vực gia công, đến Việt Nam để tận dụng ưu đãi về thuế, chi phí đất và nhân công rẻ. Những doanh nghiệp này thường dùng vốn tự có xây dựng nhà xưởng, nhập khẩu máy móc dây chuyền giá trị không lớn nhưng nâng khống giá trị, tạo ra mức vốn góp ảo.
Do đó, trong quá trình thẩm định, Vietcombank luôn đặc biệt chú trọng đánh giá: Năng lực tài chính, nguồn gốc tiền vốn góp của chủ đầu tư; Định giá kỹ dây chuyền máy móc; Mức độ đầu tư vào Tài sản cố định, chi phí thuê đất (trả tiền hàng năm hay trả tiền một lần) để đánh giá đúng mức vốn chủ sở hữu thực sự, từ đó kiểm soát tỷ lệ vốn vay/vốn chủ sở hữu hợp lý.
Ngân hàng Nhà nước đang triển khai dự án tín dụng xanh, ở Vietcombank “tín dụng xanh” được triển khai như thế nào đối với các doanh nghiệp FDI?
Các doanh nghiệp FDI có hệ thống xử lý thải bài bản, thực hiện nghiêm túc kiểm soát thải được Vietcombank đánh giá cao bởi thực tế chi phí đầu tư vào hạng mục này rất lớn và thể hiện doanh nghiệp cam kết làm ăn lâu dài, bài bản tại Việt Nam.
Đối với các dự án thuộc danh mục “tín dụng xanh”, Vietcombank luôn dành các chính sách ưu đãi nhất về giá cũng như điều kiện tín dụng để tạo điều kiện cho việc triển khai dự án được thuận lợi, hiệu quả.
Đồng thời, Vietcombank cũng đang xúc tiến việc hợp tác với các Tổ chức tín dụng, đối tác nước ngoài để thiết kế các sản phẩm Tín dụng xanh nhằm tạo điều kiện tiếp cận tín dụng cho các doanh nghiệp/dự án thuộc lĩnh vực này.
Vietcombank có những sản phẩm đặc thù nào để thu hút các doanh nghiệp FDI đến với mình?
Hiện nay, Vietcombank quan hệ với khoảng 10.000 doanh nghiệp trong tổng số 17.000 doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam. Vietcombank đã và đang cung cấp các sản phẩm chủ chốt, là trong các lĩnh vực là thế mạnh truyền thống như: Quản lý tài khoản; Tín dụng; Mua bán ngoại tệ, Thanh toán quốc tế…
Đặc biệt trong mua bán ngoại tệ, thanh toán quốc tế, Vietcombank luôn nắm giữ vị trí số 1 trên thị trường trong lĩnh vực mua bán ngoại tệ, thanh toán xuất nhập khẩu. Đối với các doanh nghiệp FDI lớn, Vietcombank thiết kế các gói giải pháp Tài chính ngân hàng tổng thể có tính chất “may đo”, đảm bảo khách hàng được cung cấp tất cả các sản phẩm với mức giá cạnh tranh nhất với những điều kiện rất linh hoạt, tương xứng với quy mô giao dịch tại Vietcombank.
Doanh nghiệp FDI khi lựa chọn Vietcombank là ngân hàng giao dịch chính sẽ yên tâm vì có một định chế tài chính hàng đầu Việt Nam hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh của mình tại Việt Nam, luôn đồng hành cùng doanh nghiệp trong các giai đoạn thuận lợi cũng như khó khăn, trên cơ sở thiện chí của hai bên, hợp tác cùng phát triển.
Xin cảm ơn Bà!