Fed đã thực sự "chiến thắng" lạm phát?


Nhiều chuyên gia cho rằng nước Mỹ đã thành công trong kiềm chế lạm phát, nhưng nguy cơ tiềm ẩn còn hiện hữu.

Kinh tế Mỹ khởi sắc khiến nhà đầu tư gia tăng kỳ vọng FED có thể giảm lãi suất trong năm nay.
Kinh tế Mỹ khởi sắc khiến nhà đầu tư gia tăng kỳ vọng FED có thể giảm lãi suất trong năm nay.

Kết thúc năm 2023, tăng trưởng kinh tế Mỹ làm bất ngờ nhiều chuyên gia trên thế giới. Các dữ liệu gần đây cho thấy nền kinh tế tăng trưởng với tốc độ hàng năm khoảng 2,5% trong ba tháng cuối năm, cao hơn gấp đôi so với kỳ vọng của các nhà phân tích vào đầu quý.

Kinh tế Mỹ khởi sắc nhờ các “cú hích”

Cú hích cho tốc độ tăng trưởng đó không chỉ đến từ một phía. Những động lực khác nhau này đã góp phần tạo nên quý 3 mạnh mẽ của kinh tế Mỹ vào năm 2023, khi quốc gia này đạt mức tăng trưởng hàng năm là 5,2%.

Đầu tư vào các cơ sở sản xuất đã tăng vọt lên mức cao kỷ lục, được thúc đẩy bởi các khoản trợ cấp của chính quyền ông Joe Biden cho sản xuất xe điện và chất bán dẫn.

Chính phủ vẫn là điểm tựa cho tăng trưởng với thâm hụt ngân sách tăng lên mức khoảng 7% GDP, khoảng 1.700 tỷ USD, và cao thứ 3 trong lịch sử. Mặc dù đây không phải là điều đáng mừng đối với một nền kinh tế tư bản như Hoa Kỳ, nhưng các chuyên gia cho rằng đó là động thái đáng hoan nghênh để duy trì tính bền vững của thị trường.

Điều quan trọng nhất là chi tiêu của người dân vẫn mạnh mẽ, bất chấp những dự báo về việc cắt giảm chi tiêu cá nhân. Lý do được đưa ra là các khoản tiền tiết kiệm mà các hộ gia đình tích lũy được trong đại dịch COVID-19 đã được sử dụng. Cùng với đó, sự hỗ trợ tài chính lớn của chính phủ đã tiếp tục mang lại cho họ một “khoản đệm”.

Các nhà kinh tế tại Fed chi nhánh San Francisco tính toán đến tháng 11/2023, các hộ gia đình Mỹ có khoảng 290 tỷ USD tiền tiết kiệm vượt mức so với mức cơ bản dự kiến. Hơn nữa, thị trường lao động thắt chặt đã dẫn đến tăng trưởng tiền lương mạnh mẽ, đặc biệt đối với những người lao động có thu nhập thấp, những người có xu hướng chi tiêu cao hơn. Khi lạm phát được kiểm soát, mức tăng lương thực tế sẽ còn đáng kể hơn.

Đối với năm 2023, mức tăng trưởng chung có thể sẽ là khoảng 2,5%, một con số ấn tượng khi hầu hết các nhà kinh tế đều dự đoán nước Mỹ sẽ rơi vào tình trạng suy thoái. Tuy nhiên, các chuyên gia chỉ ra Fed có thể sẽ phải đau đầu hơn để tính toán yếu tố lãi suất trong năm nay.

Fed đã kiềm chế được lạm phát?

Điều làm cho tăng trưởng của Mỹ đáng chú ý hơn là nó diễn ra cùng thời điểm với lạm phát giảm. Chỉ số chi tiêu cá nhân (PCE ) - thước đo lạm phát ưa thích của Fed – đã giảm còn 2,6% trong tháng 11, và giảm đáng kể từ mức 7% vào giữa năm 2022. Đáng khích lệ hơn, lạm phát cơ bản (loại bỏ chi phí thực phẩm và năng lượng) chỉ tăng 2,2%/ năm trong ba tháng qua. Xu hướng này phù hợp với mục tiêu 2% của Fed, được thúc đẩy nhờ giá hàng hóa giảm khi chuỗi cung ứng phục hồi sau sự gián đoạn của đại dịch.

Kinh tế khởi sắc, trong khi lạm phát giảm mạnh, sẽ có thể cho phép Fed cắt giảm lãi suất trong những tháng tới nhằm nới lỏng quá trình thắt chặt tiền tệ suốt hơn một năm qua.

Ông Jerome Powell, Chủ tịch Fed, đã làm dấy lên những hy vọng cho nhà đầu tư sau cuộc họp vào giữa tháng 12/2023, khi ông nói rằng việc cắt giảm lãi suất “có thể chỉ là một dấu hiệu cho thấy nền kinh tế đang bình thường hóa và không cần chính sách thắt chặt”. Tuyên bố này đã làm thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh mẽ.           

Tuy nhiên, có những ý kiến khác cho rằng mức tăng trưởng mạnh mẽ chỉ ra một kịch bản kém dễ chịu hơn: lạm phát chưa chắc đã giảm.

Giá của nhiều dịch vụ tại Mỹ đã tiếp tục tăng với tốc độ nhanh hơn so với xu hướng trước đại dịch. Giá nhà đất thực tế đã tăng trở lại vào năm 2023 dù lãi suất thế chấp đã tăng lên 8%, mức cao nhất trong hai thập kỷ. Với lãi suất thế chấp giảm xuống dưới 7% trong tháng 12, triển vọng thị trường bất động sản sẽ tăng tốc trở lại là rất lớn. Việc nới lỏng các điều kiện tài chính do cắt giảm lãi suất sẽ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế nhưng cũng sẽ gây ra áp lực giá mới.

Nếu lạm phát tăng trở lại, Fed sẽ có rất ít lựa chọn ngoài việc giữ lãi suất ở mức cao, thậm chí các ý kiến bi quan còn nghĩ về một cuộc suy thoái trong tương lai xa hơn nữa. Những nguy cơ về một kịch bản xấu hơn gia tăng khi chuỗi cung ứng toàn cầu gần đây lại bị đứt đoạn do các cuộc tấn công của lực lượng Houthi nhắm vào các tàu hàng trên Biển Đỏ. Hầu hết các chuyên gia tin rằng nếu vấn đề không sớm được giải quyết, lạm phát hàng hóa sẽ lại gia tăng.

Những rủi ro này lý giải cho quan điểm thận trọng của Chủ tịch Fed New York, John Williams khi ông phản biện các dự báo tích cực rằng “còn quá sớm để nghĩ về viễn cảnh Fed sẽ giảm lãi suất”.

Theo Trường Đặng/Diendandoanhnghiep.vn