Fed phát tín hiệu chưa vội nâng lãi suất
Sau hai ngày họp, Uỷ ban Thị trường Mở Liên bang Mỹ giữ nguyên lãi suất ngắn hạn do vẫn lo ngại về khả năng tăng trưởng của kinh tế Mỹ.
Điều đó cũng có nghĩa khả năng tăng tỉ lệ lãi suất được bỏ ngỏ cho các cuộc họp tiếp theo. Trong tuyên bố về chính sách tiền tệ tháng 4/2016, Fed cho biết lãi suất của Mỹ sẽ được giữ nguyên ở mức 0,25 -0,50%.
Tuyên bố của Fed cũng đưa ra một bức tranh kinh tế Mỹ với nhiều gam màu khác nhau. Thị trường lao động Mỹ là điểm sáng trong bức tranh này, với 215.000 việc làm mới được kiến tạo trong tháng 3/2016 và con số này được dự báo có thể tăng hơn nữa.
Mặc dù vậy, Fed cũng cảnh báo tăng trưởng kinh tế có dấu hiệu suy yếu, các nhà kinh tế dự đoán chính phủ Mỹ vào ngày 28/4 sẽ công bố tăng trưởng kinh tế đạt 0,6% trong quý I/2016, thấp hơn so với tỉ lệ tăng trưởng 1,4% đạt được vào cuối năm ngoái. Nguyên nhân là do dức tăng chi tiêu của người tiêu dùng chậm lại trong thời gian gần đây, cộng thêm hoạt động sa sút của ngành dầu mỏ, xuất khẩu thấp và đầu tư giảm.
“Dữ liệu tăng trưởng kinh tế đã gây thất vọng trong quý I vì vậy họ [Fed] đang lo lắng về tăng trưởng. Với lạm phát, họ có thể có ít lo lắng hơn,” Bill Irving, Giám đốc quản lý danh mục đầu tư tại Fidelity Investments, nói.
Tỉ lệ lạm phát tại Mỹ tăng 1,7% trong tháng 2/2016, thấp hơn so với chỉ tiêu 2% đề ra, một phần vì giá dầu vẫn lơ lửng ở mức thấp và trị giá đồng đô la vẫn cao hơn mức năm 2014 . Theo các nhà kinh tế, tỉ lệ lạm phát của Mỹ giảm trong tháng 3/2016. Mặc dù lạm phát thấp có lợi cho người tiêu dùng, song nó phản ánh kinh tế đình trệ khiến người tiêu dùng hạn chế mua sắm.
Trong tuyên bố khá chung chung và khá thận trọng này, Fed cho biết vẫn theo dõi sát sao tình hình lạm phát và những diễn biến về kinh tế và tài chính quốc tế. Song cũng như hai cuộc họp lần trước, Fed từ chối đánh giá những rủi ro đối với triển vọng kinh tế Mỹ. Theo các nhà kinh tế, việc Fed mô tả những rủi ro này “gần được cân bằng” là một dấu hiệu cho thấy có nhiều khả năng Fed tăng tỉ lệ lãi suất trong cuộc họp vào tháng 6 tới. Tuy nhiên, điều đó còn phụ thuộc vào các báo cáo kinh tế Mỹ trong những tuần tới.
Kể từ cuộc họp vào giữa tháng 3/2016, các nhà hoạch định chính sách ngân hàng trung ương Mỹ đã phải nỗ lực đánh giá ảnh hưởng của các lực lượng kinh tế đối lập, như Trung Quốc. Mặc dù nền kinh tế lớn thứ hai thế giới thế giới này đang suy yếu nhưng cũng có dấu hiệu bình ổn trở lại.
Kết quả của cuộc họp Fed không tác động nhiều đến thị trường. Sau cuộc họp, chỉ số công nghiệp Dow Jones đứng ở mức 18.019,98, tăng 0,16% so với ngày hôm trước trong khi đó chỉ số Composite S&P 500 tăng 0,05 lên 2092,60. Cả hai chỉ số này hầu như đứng yên trước khi có thông cáo của Fed.
Phản ứng của thị trường
Chỉ số đô la Mỹ (dùng để đo sức mạnh của đồng Mỹ kim so với sáu tiền tệ khác) nhích lên 0,03% đạt 94,48. Tỉ giá EUR/USD tăng 0,15% lên 1,134. Lợi tức trái phiếu chính phủ Mỹ 10 năm lần đầu tiên giảm giá kể từ ngày 17/4.
Giá dầu thô ngày hôm qua cũng tăng lên mức cao nhất trong 5 tháng qua. Kết thúc phiên giao dịch, giá dầu WTI ngọt nhẹ của Mỹ giao tháng 6/2015 trên sàn New York Mercantile Exchange tăng 1,29 USD, tương ứng 2,9%, lên 45,33 USD một thùng. Giá dầu Brent giao tháng 6/2016 trên sàn ICE Futures Europe tăng 1,44 USD, tương đương 3,2%, lên 47,18 USD một thùng, cao nhất kể từ 10/11/2015.
Đà tăng của giá dầu phần nào chững lại sau khi số liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy lượng dầu lưu kho của Mỹ trong tuần kết thúc vào 22/4 bất ngờ tăng 2 triệu thùng, trái ngược với mức giảm 1,1 triệu thùng theo số liệu của Viện Dầu mỏ Mỹ (API).
Tuy nhiên, giá dầu lấy lại đà tăng sau khi Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) ra tuyên bố phiên họp chính sách rằng Fed giữ nguyên lãi suất trong vài tháng tới. Giới đầu cơ giá lên đang lạc quan rằng tình trạng thừa cung kéo dài suốt 2 năm qua đang bắt đầu giảm và các điều kiện cung-cầu bắt đầu cân bằng.