Fitch: Gia tăng rủi ro chất lượng tài sản, nhưng các ngân hàng Việt Nam đã có điều kiện hơn để chống đỡ

Theo Trung Mến/nhipsongdoanhnghiep.cuocsongantoan.vn

Xếp hạng tín nhiệm của các ngân hàng sẽ vẫn vững vàng dựa trên các thông số ở hiện tại, tuy nhiên rủi ro sẽ vẫn tăng lên trừ khi dịch COVID-19 được kiềm chế.

Chính lợi nhuận cao thời gian qua đang tạo điều kiện tốt hơn để các ngân hàng chống đỡ khó khăn hiện nay và tới đây (Ảnh minh họa)
Chính lợi nhuận cao thời gian qua đang tạo điều kiện tốt hơn để các ngân hàng chống đỡ khó khăn hiện nay và tới đây (Ảnh minh họa)

Đợt bùng dịch COVID-19 mới đây tại Việt Nam đang gây ra nhiều tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế và làm tăng rủi ro chất lượng tài sản các ngân hàng, theo Fitch nhận định trong dự báo mới công bố có tên “Fitch Ratings: Vietnam Banks' Asset Quality Risks Rise on New Virus Wave”.

Bên trả nợ đang chịu nhiều áp lực

Theo quan điểm của Fitch, xếp hạng tín nhiệm của các ngân hàng sẽ vẫn vững vàng dựa trên các thông số ở hiện tại, tuy nhiên rủi ro sẽ vẫn tăng lên trừ khi dịch COVID-19 được kiềm chế cũng như các biện pháp hạn chế đi lại được gỡ bỏ trong quý III/2021, theo như giới chức đã đặt mục tiêu.

Các số liệu thống kê mà Fitch có được cho thấy khoảng 95% các ca nhiễm mới COVID-19 của Việt Nam là sau ngày 30/6/2021, rất nhiều khu vực tại Việt Nam đã bị buộc phải phong tỏa. Fitch cho rằng dấu hiệu hoạt động kinh tế và thị trường lao động bắt đầu suy yếu. Fitch lo ngại khả năng trả nợ của bên vay tiền ngân hàng bao gồm cả doanh nghiệp và cá nhân đang chịu nhiều áp lực, đặc biệt với nhóm người tiêu dùng và doanh nghiệp nhỏ trong ngành nghề chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch như bán buôn, bán lẻ hàng hóa, du lịch dịch vụ.

Từ đầu năm 2021 cho đến trước đợt bùng dịch mới nhất, các ngân hàng Việt Nam đã hưởng lợi từ quá trình tăng trưởng tích cực của nền kinh tế. Vì vậy các ngân hàng có thể công bố lợi nhuận cao trong thời gian nửa đầu năm 2021. Nhờ thế, các ngân hàng sẽ có điều kiện hơn để đương đầu với tình trạng khó khăn của quý III/2021. 

Fitch tin cơ quan quản lý ngành ngân hàng sẽ nới lỏng điều kiện trả nợ với những bên đi vay tiền trong bối cảnh đại dịch COVID-19 căng thẳng hơn, khả năng đó nếu xảy ra sẽ giảm bớt nợ quá hạn và giảm dự phòng rủi ro tín dụng, bảo vệ lợi nhuận và vốn hóa các ngân hàng.

Việc nới lỏng chính sách tín dụng nhằm hỗ trợ cho nền kinh tế trong đợt bùng dịch có thể là một trong những yếu tố hỗ trợ quan trọng cho tăng trưởng kinh tế. Tín dụng trong hệ thống tài chính tăng 15,2% trong nửa đầu năm 2021 tăng 15,2% so với cùng kỳ, cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP danh nghĩa là 6,7%. 

Fitch nhận định xu thế này sẽ duy trì trong nửa sau năm 2021 bởi Chính phủ đang có chủ trương hướng các ngân hàng đến việc hạ lãi suất cho vay và chấp nhận tín dụng tăng trưởng cao hơn.

Suy giảm tăng trưởng kinh tế hiện tại có thể được bù đắp những quý tới

Còn theo một phân tích khác có tên “Vietnam’s Covid-19 Outbreak Poses a Setback to Recovery” công bố cùng ngày, việc số lượng ca nhiễm và ca tử vong do COVID-19 tăng cao trong giai đoạn tháng 7 và tháng 8 sẽ ảnh hưởng đến quá trình phục hồi của kinh tế Việt Nam và có thể tạm thời gây tổn hại đến động lực xếp hạng, theo khẳng định của tổ chức xếp hạng Fitch Ratings mới đây. 

Tháng 4/2021, Fitch từng xác nhận xếp hạng tín nhiệm ‘BB’ và điều chỉnh triển vọng tín nhiệm lên “tích cực” từ “ổn định” do tình hình kinh tế và tài chính công Việt Nam lúc đang vững vàng trước cú sốc đại dịch COVID-19.

Fitch nhận xét, tính đến trước đợt bùng dịch gần nhất, Chính phủ Việt Nam đã thành công trong việc giữ được số lượng ca nhiễm COVID-19 thấp. Nửa đầu năm 2021, kinh tế Việt Nam tăng trưởng được 5,6%, cao hơn đáng kể so với tốc độ tăng trưởng 2,2% của nửa đầu năm 2020. 

Tuy nhiên, với diễn biến mới của đại dịch, các biện pháp hạn chế đi lại nhằm kiềm chế sự lây lan của dịch COVID-19 sẽ gây sức ép lên hoạt động kinh tế quý III/2021. Fitch lo ngại tình trạng này sẽ có thể kéo dài nếu các đợt bùng dịch sau không được kiểm soát tốt.

Các diễn biến dịch mới nhất không khỏi tiềm ẩn rủi ro với dự báo GDP Việt Nam tăng trưởng trung bình 6% Fitch đưa ra trước đây. Tuy nhiên, Fitch tin rằng tăng trưởng GDP của Việt Nam trong giai đoạn 2020-2021 sẽ vẫn cao nhất trong nhóm các nước được Fitch xếp hạng trong khu vực Đông Nam Á. 

Việc kinh tế suy giảm tăng trưởng ở hiện tại sẽ có thể được bù đắp lại trong những quý tới khi mà sản lượng kinh tế và xã hội tăng trưởng ổn định hơn. Tuy nhiên rủi ro có thêm các đợt bùng dịch mới vẫn tồn tại khi mà tỷ lệ viêm vắc xin COVID-19 tại Việt Nam vẫn ở mức thấp.

Tình hình tài chính công cũng sẽ chịu tác động từ các đợt bùng dịch COVID-19. Giới chức kinh tế đã nói đến gói hỗ trợ có quy mô ước khoảng 5 tỷ USD tương đương khoảng 1,4% GDP nhằm tập trung vào giảm thuế và phí cho doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs). Tuy nhiên, tỷ lệ nợ/GDP của Việt Nam sẽ vẫn duy trì dưới mức của xếp hạng tín nhiệm ‘BB” cho giai đoạn năm 2021 và 2022.

Trong khi kinh tế có nhiều khó khăn do các đợt phong tỏa, xuất khẩu đã mang đến yếu tố hỗ trợ quan trọng cho kinh tế Việt Nam. Tỷ trọng đóng góp của ngành du lịch trong tổng GDP giảm xuống còn 3,5% trong năm 2020 từ mức 9,3% của năm 2019, Fitch tin rằng nguồn thu của ngành du lịch sẽ vẫn rất thấp cho đến sang năm 2022 do đại dịch kéo dài.

Cùng thời gian trên, xuất khẩu tăng trưởng tốt, xuất khẩu hàng hóa 7 tháng đầu năm 2021 tăng 26,2% so với cùng kỳ. Cho đến nay, có bằng chứng cho thấy hoạt động của một số nhà máy chuyên phục vụ xuất khẩu đã chịu gián đoạn bởi đợt bùng dịch mới đây, tuy nhiên Fitch dự báo ảnh hưởng của sự gián đoạn đó lên sản lượng kinh tế sẽ chỉ diễn ra trong ngắn hạn.

Trong tháng 7/2021 khi mà phía Mỹ thông báo đã đạt được thỏa thuận với Việt Nam về chính sách tỷ giá, Fitch khẳng định một rủi ro với xuất khẩu của Việt Nam đã được giải quyết. 

Fitch nhận định chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ không quá quan tâm đến căng thẳng tiền tệ với các nước đối tác thương mại ở châu Á. Tuy nhiên Fitch lo ngại Việt Nam có thể là nước dễ chịu ảnh hưởng từ rủi ro kinh tế vĩ mô nhất nếu phía Mỹ leo thang căng thẳng về vấn đề này.

Nếu thỏa thuận Mỹ - Việt Nam đưa đến kết quả đẩy đồng nội tệ tăng giá, kết quả, tăng trưởng GDP bình quân đầu người của Việt Nam tính theo đôla Mỹ tăng lên. Khi Fitch xác nhận xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam vào tháng 4/2021, Fitch phân tích việc duy trì được tăng trưởng kinh tế cao giúp giảm đi chênh lệch GDP bình quân đầu người giữa Việt Nam với các nước, cùng lúc đó, việc duy trì ổn định kinh tế vĩ mô tốt sẽ có thể giúp cho xếp hạng tín nhiệm tăng lên.

Tuy nhiên, hiện chưa rõ yếu tố nào của thị trường có thể đẩy tiền đồng tăng giá trong ngắn hạn, theo phân tích của Fitch. Nhập khẩu tăng cao trong những tháng gần đây đã đảo chiều xu thế thặng dư thương mại của năm 2020. Trong quý II/2021, Việt Nam có thâm hụt thương mại cao nhất tính từ năm 2011.