Forbes Việt Nam vinh danh 50 Công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam 2020
Vừa qua, Forbes Việt Nam (ấn phẩm của Báo Văn hóa) công bố danh sách “50 công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam 2020” trong bối cảnh kinh tế toàn cầu chịu tác động mạnh của đại dịch Covid-19. Ngân hàng cũng là ngành có nhiều thành viên nhất lọt top 50.
Danh sách xuất hiện đông đảo các công ty hoạt động ở thị trường nội địa như lĩnh vực bất động sản và xây lắp; thực phẩm và hàng tiêu dùng; dịch vụ tài chính… Nhiều công ty lớn trong lĩnh vực hàng không, dịch vụ liên quan đến du lịch từng xuất hiện nhiều lần, nhưng năm nay lại không có tên do chịu tác động mạnh của đại dịch Covid-19.
Tiêu chí bình chọn dựa trên kết quả 3 vòng sàng lọc khắt khe với các doanh nghiệp. Vòng sơ loại chọn ra các công ty có tình hình kinh doanh tốt, niêm yết ổn định trên sàn HOSE và HNX, quy mô giá trị vốn hóa và doanh thu trên 500 tỷ đồng. Ở vòng tiếp theo, các công ty được chấm điểm theo các tiêu chí về tỷ lệ tăng trưởng kép về doanh thu, lợi nhuận, lợi nhuân/ vốn chủ sở hữu (ROE), lợi nhuận/ tổng tài sản (ROA) hay các tiêu chí đo lường hoạt động, rủi ro riêng của nhóm ngân hàng như thu nhập lãi thuần/ tài sản sinh lãi (NIM), tỷ lệ trích lập dự phòng (RCC), tỷ lệ nợ xấu (NPL)…và tăng trưởng EPS giai đoạn 2015 - 2019.
Ngành bất động sản và xây lắp có số đại diện đông đảo nhất trong danh sách với 8 cái tên. Bên cạnh những nhà phát triển dự án quen thuộc như CTCP đầu tư kinh doanh nhà Khang Điền, CTCP đầu tư Nam Long, CTCP Tập đoàn Đất Xanh, năm nay CTCP Tập đoàn Hà Đô quay trở lại sau ba năm vắng bóng. Đây là năm thứ hai Tổng Công ty phát triển đô thị Kinh Bắc có mặt trong danh sách.
Ở lĩnh vực xây lắp dân dụng cái tên duy nhất còn lại là Coteccons. Ở lĩnh vực xây lắp công nghiệp CTCP Xây lắp Điện 1 trở lại danh sách sau lần đầu tiên có mặt vào năm 2017, trong khi CTCP Tư vấn Điện 2 (TV2) lần đầu tiên có mặt.
Hai tên tuổi lớn, Vinamilk và Sabeco, sử dụng thị trường nội địa làm bệ phóng, phát triển thành nhóm các công ty niêm yết lớn nhất, tiếp tục trong danh sách năm nay ở mảng ngành thực phẩm đồ uống.
6 cái tên được gọi trong lĩnh vực ngân hàng có Vietcombank, Techcombank, MBBank, HDBank, VPBank và ACB. Đây cũng là những ngân hàng được kỳ vọng có sức bật trong tình hình nền kinh tế chung có nhiều biến động, thử thách.
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, năm nay chỉ còn hai đại diện, PV GAS và PV Power, nhờ vị thế cạnh tranh và mô hình kinh doanh đủ sức vượt qua giai đoạn khó khăn, cùng với CTCP Nhiệt điện Phả Lại và CTCP Nước - Môi trường Bình Dương xếp trong nhóm ngành tiện ích.
Trong nhóm hàng tiêu dùng và gia dụng, ngoài CTCP tập đoàn Thiên Long,CTCP May Sông Hồng, CTCP bột giặc Lix quay trở lại danh sách trong khi CTCP Hóa chất Đức Giang lần đầu tiên xuất hiện.
Ngành dược, xuất hiện CTCP Imexpharm, bên cạnh ba cái tên năm ngoái gồm CTCP Dược Hậu Giang, CTCP Pymepharco và CTCP xuất khẩu y tế Domesco.
Lĩnh vực chứng khoán, có sự góp mặt của CTCP Chứng khoán Bản Việt và CTCP Chứng khoán SSI.
Ngành công nghệ chỉ có CTCP FPT lọt vào danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam 2020 được vinh danh. Ở lĩnh vực Logistics cũng chỉ có 1 cái tên là CTCP Gemadept.
Nguyên vật liệu, có CTCP tập đoàn Hòa Phát, CTCP Nhựa Bình Minh, CTCP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong hay xuất hiện nhiều lần như CTCP Xi măng Hà Tiên 1 và CTCP Vicostone.
Về phía bán lẻ, có CTCP đầu tư Thế giới di động, CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận, Tập đoàn xăng dầu Việt Nam.
Trong ngành nông nghiệp, CTCP Vĩnh Hoàn là công ty thủy sản duy nhất lọt vào danh sách, bên cạnh hai cái tên năm ngoái là CTCP tập đoàn PAN và CTCP Tập đoàn Dabaco.
Ngoài ra, sự phát triển vượt bậc của khối kinh tế tư nhân tiếp tục được ghi nhận trong danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất năm 2020. Các doanh nghiệp này tiếp tục có một năm tăng trưởng, các công ty của các tỷ phú USD của Việt Nam mà Forbes vừa vinh danh hồi tháng 5/2020 đều có tên trong danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam, bao gồm: Vingroup, Masan Group, HDBank, Hòa Phát, Techcombank, VPBank, Thế Giới Di Động…. Riêng Thaco Trường Hải là công ty chưa niêm yết nên không có mặt theo tiêu chí bình chọn.
Trong đó, Tập đoàn Vingroup tiếp tục chứng tỏ là tập đoàn tư nhân phát triển năng động nhất hiện nay. Năm qua, tập đoàn của tỉ phú Phạm Nhật Vượng ghi nhận kết quả kinh doanh với hơn 130.000 tỉ đồng doanh thu, lợi nhuận sau thuế đạt 7.546 tỉ đồng - những con số cao nhất từ trước đến nay. Năm 2019, đánh dấu sự chuyển mình mạnh mẽ của tập đoàn khi tái cấu trúc thành ba trụ cột: công nghiệp - công nghệ - thương mại dịch vụ, sau khi chủ động rút khỏi lĩnh vực bán lẻ, nông nghiệp và hàng không.