FTA giúp giảm sự lệ thuộc vào Trung Quốc
(Tài chính) Nếu TPP được ký kết, nhập khẩu nguyên vật liệu dệt may từ Trung Quốc chắc chắn sẽ giảm.
Kỳ vọng vào TPP và FTA với Liên minh châu Âu
Chỉ cần nhìn vào con số nhập khẩu 5 tháng đầu năm là có thể thấy được Việt Nam đang lệ thuộc vào Trung Quốc như thế nào. Theo Tổng Cục Thống kê, trong 5 tháng đầu năm, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với tổng giá trị nhập khẩu 16,1 tỉ USD, tăng 14,5% so với năm ngoái. Một phần rất lớn hàng nhập khẩu từ Trung Quốc là nguyên vật liệu và linh kiện phục vụ sản xuất trong nước. Ngoài ra, Trung Quốc cũng là thị trường xuất khẩu lớn thứ tư của Việt Nam sau Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và các nước ASEAN.
Để giảm sự lệ thuộc vào Trung Quốc, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cho rằng Việt Nam có thể tận dụng cơ hội từ các hiệp định FTA đang đàm phán. “Các FTA như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và FTA với EU sẽ giúp mở ra thị trường mới cho doanh nghiệp trong nước, kêu gọi thêm đối tác thương mại từ các thị trường đó đến Việt Nam”, ông nói.
Theo Bộ Công Thương, Việt Nam đang đàm phán 6 hiệp định FTA gồm TPP, FTA với EU, FTA với Hàn Quốc, FTA với Liên minh Hải quan Nga - Belarus - Kazakhstan, FTA với Khối thương mại tự do gồm các nước Na Uy, Thụy Sỹ, Iceland và Liechtenstein và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện giữa các nước ASEAN và 6 đối tác. Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết các hiệp định với EU và Hàn Quốc có thể được ký kết vào cuối năm nay.
Trong số các hiệp định trên, 2 hiệp định được kỳ vọng sẽ có tác động lớn đến nền kinh tế và giúp Việt Nam giảm sự lệ thuộc vào Trung Quốc nhiều nhất là TPP và FTA với EU.
Theo ông Marc Townsend, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ (AmCham) tại Việt Nam, TPP sẽ giúp tăng 28,4% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam trong năm 2025 so với mức tăng khi không có sự hỗ trợ từ TPP, đồng thời gia tăng 35,7% xuất khẩu của Việt Nam. “AmCham tin rằng TPP và các hiệp định thương mại khác sẽ đem lại nhiều cơ hội mới hỗ trợ chiến lược phát triển của Việt Nam hướng tới công nghiệp hóa, hiện đại hóa và toàn cầu hóa,” ông nói.
Trong khi đó, ông Tomaso Andreatta, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam, ước tính GDP của Việt Nam có thể tăng hơn 15%, tiền lương thực tế của lao động có tay nghề cao có thể tăng khoảng 12%, tiền lương thực tế của lao động phổ thông có thể tăng khoảng 13% và giá trị xuất khẩu có thể tăng lên gần 35% sau khi FTA giữa EU với Việt Nam được ký kết.
Tận dụng FTA: Phải biết cách
Thế nhưng, cho dù có ký kết được tất cả các hiệp định thương mại trên đi nữa thì một vấn đề được đặt ra là Việt Nam sẽ tận dụng chúng như thế nào để giảm sự lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Theo ông Lộc, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, lợi ích mà các hiệp định thương mại có thể mang lại cho doanh nghiệp phụ thuộc vào ít nhất 2 yếu tố. Thứ nhất là kết quả đàm phán có lợi cho doanh nghiệp hay không, tức doanh nghiệp có cơ hội để tiếp cận thị trường đối tác ở điều kiện ưu tiên nhất có thể hay không, đồng thời việc mở cửa nền kinh tế có tạo ra cho doanh nghiệp cơ hội tiếp nhận tốt nhất nguồn nguyên vật liệu, máy móc, công nghệ, vốn đầu tư tốt nhất hay không. Thứ hai là doanh nghiệp có được điều kiện tốt nhất trong việc thực thi các hiệp định để tận dụng tốt nhất các lợi ích hay không.
Trên thực tế, Việt Nam đã ký kết một số hiệp định thương mại tự do như với ASEAN và kể cả gia nhập Tổ chức Thương Mại Thế giới, nhưng doanh nghiệp trong nước vẫn chưa tận dụng được hết lợi thế của các hiệp định đó để mở rộng thị trường mới.
Ông Lộc cho rằng để tận dụng được những lợi ích của các hiệp định lần này, Chính phủ cần có phương án đàm phán mềm dẻo nhưng kiên quyết về các lợi ích xuất khẩu của doanh nghiệp, bao gồm các vấn đề về ưu đãi thuế quan, quy tắc xuất xứ phù hợp với cơ cấu, phương thức sản xuất trong tương lai gần của Việt Nam.
“Việt Nam cần đặc biệt chú trọng đàm phán các cơ chế tiếp cận thị trường cho nông sản, nhằm đa dạng hóa thị trường đối với sản phẩm nhạy cảm và đang phụ thuộc lớn vào thị trường Trung Quốc,” ông nói.
Ngoài ra, theo ông, cũng cần có phương án đàm phán tích cực và mạnh dạn hơn trong mở cửa thị trường Việt Nam cho hàng hóa là máy móc, thiết bị, công nghệ, nguyên vật liệu, phương tiện và các sản phẩm tương tự khác mà Việt Nam đã bảo hộ lâu nay nhưng không đạt hiệu quả hoặc hiện đang phụ thuộc lớn vào nguồn cung từ các nước không tham gia đàm phán.
Một trong những ngành hiện nay Việt Nam đang phải nhập khẩu nhiều nguyên vật liệu từ Trung Quốc là dệt may. Nếu như TPP được ký kết, nhập khẩu nguyên vật liệu dệt may từ Trung Quốc chắc chắn sẽ giảm. Bởi lẽ, theo quy định của TPP, hàng dệt may từ các nước thành viên TPP khi xuất khẩu sẽ chỉ được miễn thuế với điều kiện nguyên vật liệu cho các sản phẩm dệt may cũng phải có nguồn gốc từ các quốc gia thành viên. Trung Quốc thì lại không phải là nước đang tham gia đàm phán TPP.
Đối với các lĩnh vực khác như điện tử, Việt Nam cũng đang nhập khẩu nhiều linh phụ kiện từ Trung Quốc. Nhưng điều này sẽ sớm thay đổi khi các hiệp định thương mại mới như FTA với Hàn Quốc được ký kết.
Ông Kim Jung In, Chủ tịch Phòng Thương mại Hàn Quốc tại Việt Nam, cho rằng hiện các doanh nghiệp Hàn Quốc cũng rất trông mong vào hiệp định thương mại giữa hai nước. Hiện Hàn Quốc là quốc gia đầu tư rất lớn vào lĩnh vực sản xuất điện tử tại Việt Nam, với những dự án quy mô lớn như của Samsung hay LG, nhưng các công ty này vẫn phải nhập khẩu linh kiện từ Trung Quốc.
Theo ông Kim Jung In, khi hiệp định giữa Việt Nam và Hàn Quốc được ký kết, Việt Nam sẽ không nhập khẩu linh kiện từ Hàn Quốc về thay thế, nhưng các công ty Hàn Quốc sẽ đến xây dựng nhà máy tại Việt Nam để được hưởng lợi từ hiệp định thương mại và cung cấp cho các công ty đa quốc gia như Samsung hay LG. Điều đó sẽ giúp Việt Nam dần giảm sự lệ thuộc vào hàng nhập khẩu, nhất là từ Trung Quốc.