FTA Việt Nam - EAEU: Ưu đãi “nhiều”, thách thức “lớn”
Để tận dụng các ưu đãi từ FTA Việt Nam – EAEU, các doanh nghiệp phải tự nâng cao năng lực cạnh tranh, chứ không thể trông chờ mãi vào sự hỗ trợ của Nhà nước.
Đó là thông điệp được ông Dương Hoàng Minh, Phó Vụ trưởng Vụ châu Âu, Bộ Công Thương đưa ra tại Tọa đàm “FTA Việt Nam - EAEU: Để doanh nghiệp chủ động nắm bắt cơ hội” do Cổng Thông tin Điện tử Chính phủ tổ chức ngày 19/08.
Ưu đãi “nhiều”, thách thức “lớn”
Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu, bao gồm: Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan và Kyrgyzstan (gọi tắt là FTA Việt Nam - EAEU) đã được ký kết ngày 29/05/2015 mở ra nhiều cơ hội, thuận lợi cho Việt Nam trong phát triển kinh tế, song cũng đặt ra không ít thách thức mà chúng ta phải đối mặt.
Ông Dương Hoàng Minh cho biết, khi FTA Việt Nam – EAEU có hiệu lực, thì 90% dòng thuế sẽ cắt giảm xuống 0%. Điều này sẽ tạo ra những cơ hội rất lớn để Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường với tổng dân số trên 180 triệu người, GDP trên 2.200 tỷ USD, đặc biệt trong các ngành thủy sản, dệt may, da giày và nông sản.
Lấy ví dụ về mặt hàng thủy sản, theo cam kết của Liên minh Á – Âu, thì 95% dòng thuế sẽ được xóa bỏ, trong đó hơn 71% dòng thuế về 0% ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực.
Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản, khi tham gia FTA Việt Nam – EAEU, các doanh nghiệp vẫn xác định đây là thị trường tiềm năng vì không phải cạnh tranh trực tiếp với các mặt hàng của các nước này...
Tuy nhiên, các vấn đề về kiểm soát, kiểm dịch, an toàn thực phẩm của Nga nói riêng và các nước Liên minh Kinh tế Á - Âu cũng đáng lo ngại, vì những quy định này xưa nay khá nghiêm ngặt và chưa có một sự minh bạch, rõ ràng, khiến cho số doanh nghiệp thời gian qua có thể xuất khẩu vào Nga rất nhỏ so với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp.
Còn theo ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, các nước trong khối Liên minh Kinh tế Á - Âu có ngành công nghiệp thép sản xuất từ lâu đời, chất lượng cao, giá thành hợp lý, do đó, chúng ta có thể nhập khẩu những mặt hàng hiện nay nước ta chưa thể sản xuất với thuế suất 0%. Đồng thời, cũng vì phát triển từ lâu, nên nền khoa học công nghệ của họ tương đối cao và Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm thực tiễn từ họ để áp dụng vào sản xuất của mình. Tuy nhiên, bên cạnh các mặt tích cực thì doanh nghiệp Việt cũng sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh của các nước này, đặc biệt là thép xây dựng.
Không dễ để tận dụng các ưu đãi
Để tận dụng các ưu đãi từ FTA Việt Nam – EAEU, theo ông Minh, các doanh nghiệp phải tự nâng cao năng lực cạnh tranh, bởi không thể trông chờ mãi vào sự hỗ trợ của Nhà nước.
Ông Minh đặc biệt nhấn mạnh,các doanh nghiệpphải nghiên cứu rất kỹ về quy định trong Hiệp định, đặc biệt là về quy tắc xuất xứ, đểđượchưởngưu đãi vềthuếquan,.
Về quy tắc xuất xứ, Phó Vụ trưởng Vụ châu Âu cũng đưa ra lưu ý:
Thứ nhất, lô hàng xuất khẩu phải xuất thẳng sang Liên minh Kinh tế Á - Âu, không được xuất qua nước thứ 3 (chỉ được phép quá cảnh, không được chia nhỏ lô hàng khi đi qua nước đó).
Thứ hai, các FTA khác cho phép được mua hàng có xuất xứ ở một nước thuộc Hiệp định, song, đối với Liên minh Á – Âu, họ đã đưa ra danh sách một số quốc gia không được phép xuất xứ từ quốc gia đó.
Thứ ba, theo FTA Việt Nam – EAEU, nếu phát hiện gian lận xuất xứ hoặc bên xuất khẩu không hợp tác một cách đầy đủ trong việc xác minh về nguồn gốc xuất xứ, thì bên nhập khẩu sẽ tạm ngừng ưu đãi với những doanh nghiệp, mặt hàng đó. Tuy nhiên, nếu biện pháp này không hiệu quả, thì họ sẽ tạm ngừng ưu đãi với tất cả những mặt hàng xuất khẩu vào thị trường.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Sưa khuyến cáo,doanh nghiệp phải đổi mới công nghệ, áp dụng công nghệ tiên tiến để cho ra sản phẩm chất lượng cao hơn, năng suất hơn, giá thành hợp lý hơn. Đối với ngành thép, cần nâng cao quy mô của doanh nghiệp vì với quy mô nhỏ như hiện nay, doanh nghiệp thép sẽ phải chịu gánh nặng về chi phí tài chính, như phí khấu hao.
Còn ông Nguyễn Hoài Nam lại mong mỏi, bên cạnh sự nỗ lực của doanh nghiệp, thì rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước, bởi, nếu một mình doanh nghiệp cố gắng, thì những cơ hội ấy không thể tận dụng tối đa, thậm chí là không tận dụng được.