G20 không dừng ở lời nói

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) cần tập trung tăng năng suất lao động, đồng thời xây dựng một nền kinh tế có tính cạnh tranh hơn và cải tiến hơn. Như vậy, G20 mới có thể thực hiện được cam kết thúc đẩy kinh tế toàn cầu tăng trưởng. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đưa ra khuyến cáo trên trước thềm hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương G20 tại Istanbul.

G20 cần tập trung tăng năng suất lao động, đồng thời xây dựng một nền kinh tế có tính cạnh tranh hơn và cải tiến hơn. Nguồn: internet
G20 cần tập trung tăng năng suất lao động, đồng thời xây dựng một nền kinh tế có tính cạnh tranh hơn và cải tiến hơn. Nguồn: internet

OECD nhắc lại hội nghị năm ngoái ở Brisbane, các nhà lãnh đạo đã nhất trí một loạt giải pháp hướng tới mục tiêu trong 5 năm tới, nền kinh tế thế giới sẽ đạt mức tăng trưởng chung 2% so với mức của năm 2013. Kế hoạch Hành động Brisbane của hội nghị gồm 1.000 cam kết và dự kiến lãnh đạo ngành tài chính - ngân hàng G20 sẽ thảo luận về hiện thực hóa những cam kết này.

Báo cáo của OECD khẳng định năng suất lao động vẫn là một động lực chính của tăng trưởng dài hạn. Cùng với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tổ chức này khuyến cáo các nước nên coi cải cách phương thức, giúp tăng năng suất lao động là lựa chọn số một. Cụ thể, các cuộc cải cách cần chú trọng phát triển kỹ năng cho người lao động, cải thiện chất lượng đào tạo và dạy nghề. Chính phủ các nước cần quan tâm nhiều hơn các chính sách phát triển nguồn nhân lực, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển, tái phân bổ nguồn nhân lực và vật lực cho những ngành nghề làm ăn hiệu quả.

Theo OECD, trong hai năm qua, cải cách cơ cấu vẫn khá chậm chạp tại các nền kinh tế phát triển. Một trong nhiều nguyên nhân được đưa ra là các nước vẫn đang chật vật khắc phục hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2009. Trong khi đó, những nền kinh tế mới nổi đang chuyển mình khá nhanh. Về tổng thể, chuyên gia OECD nhận định các cuộc cải cách cơ cấu diễn ra từ những năm 2000 đã góp phần không nhỏ trong tăng trưởng tính theo đầu người và năng suất lao động được cải thiện là yếu tố quan trọng. Ngoài ra, OECD cho rằng chính phủ các nước cần phải bảo đảm việc làm cho phụ nữ, thanh niên cũng như những người lao động trung niên, trình độ thấp.

Trước thềm hội nghị, các quan chức tài chính và các nhà hoạch định chính sách G20 đã cảnh báo tăng trưởng yếu và các chính sách tiền tệ trái ngược nhau trong số các nền kinh tế hàng đầu có thể khiến năm 2015 là một năm khó khăn cho nền kinh tế toàn cầu.

Theo Thứ trưởng Tài chính Trung Quốc Chu Quang Diệu, tăng trưởng toàn cầu chậm chạp là thách thức thực sự đối với các nước G20. Tăng trưởng kinh tế chậm lại tại châu Âu là một nguy cơ khác đối với kinh tế toàn cầu khi Hy Lạp tạo thêm bất ổn cho khu vực sử dụng đồng euro. IMF đã hạ mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong tháng 1 từ 3,8% xuống 3,5%.

Trong khi đó, chính sách tiền tệ mâu thuẫn và giá dầu sụt giảm mạnh cũng là những nguy cơ gây bất ổn kinh tế toàn cầu. Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ đã hoàn thành chương trình mua tài sản của mình và dự kiến tăng lãi suất vào giữa năm 2015 trong khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) mới đây đã cắt giảm lãi suất nhằm thúc đẩy kinh tế.

Chính sách tiền tệ mâu thuẫn cũng có thể được thấy trong số những nền kinh tế mới nổi hàng đầu, như Trung Quốc mới đây đã hạ tỷ lệ lãi suất trước thềm năm mới nhằm đáp ứng nhu cầu tiền mặt bất thường, vài tuần sau khi Ấn Độ quyết định cắt giảm tỷ lệ lãi suất trong bối cảnh lạm phát thấp hơn dự kiến và giá dầu hạ thấp. Ở một góc khác, giá dầu và hàng hóa khác giảm mạnh đã gây ra lạm phát cao đối với các nước xuất khẩu như Nga và Brazil buộc những nền kinh tế này phải tăng tỷ lệ lãi suất.

Vì thế, Hội nghị Bộ trưởng tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương G20 đặt mục tiêu soạn thảo danh sách những ưu tiên tăng trưởng đối với từng thành viên. Hàng trăm cam kết được đưa ra trong Kế hoạch hành động Brisbane sẽ bị thu hẹp xuống chỉ còn 5 đến 10 ưu tiên đối với mỗi nước để có thể dễ dàng kiểm tra tiến độ thực sự.

Cách đây một năm, các nhà kinh tế học cho rằng những mục tiêu đầy tham vọng nhằm thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu mà giới lãnh đạo G20 vừa đặt ra sẽ chỉ là lời hứa hão, bởi các quốc gia này vẫn đang phải tập trung giải quyết không ít thách thức của chính mình để đóng góp vào công cuộc phục hồi kinh tế toàn thế giới. Erik Nielsen - người đứng đầu nhóm các nhà kinh tế học toàn cầu của Unicredit - viết trong bản tin định kỳ: tôi không thể ngừng tự hỏi điểm mấu chốt của các cam kết này là ở đâu? Trong khi đó, nhà kinh tế Christopher Dembik, thuộc Saxo Banque, lại bình luận: chúng tôi đã quá quen với những tuyên bố đầy hứa hẹn của G20. Mục tiêu tăng trưởng mà G20 đề ra là hoàn toàn lố bịch, và người ta nên chú trọng vào những nước có nguồn lực để đầu tư, tiết kiệm và chi tiêu. Nhà kinh tế Philippe Waetcher thuộc Tổ chức Quản lý Tài sản Natixis cho rằng mục tiêu tăng trưởng của G20 rất tham vọng và rõ ràng là sẽ rất khó để có thể đạt được. Ông nói: (bất chấp mục tiêu đầy tham vọng) các nước đều tỏ ra hết sức thận trọng để tự vệ.

Vì thế, sau một năm, hội nghị tại Istanbul lần này là cơ hội đối thoại giữa các quan chức cấp cao và các nhà lãnh đạo khu vực tư trong cộng đồng tài chính quốc tế về các chủ đề từ tăng trưởng, tạo việc làm, hỗ trợ khu vực tư nhân tới đầu tư cơ sở hạ tầng và toàn cầu hóa tài chính, đưa ra những chương trình và mục tiêu hành động xác thực hơn nhằm xóa bỏ những hoài nghi của giới chuyên gia.