Gần 10.000 cuộc thanh tra, kiểm tra trong năm 2019

PV.

Tổ chức thực hiện tốt các quy định pháp luật về hoạt động thanh tra, kiểm tra; hạn chế tình trạng kéo dài thời gian lưu hành kết luận thanh tra do những nguyên nhân chủ quan; Tăng cường theo dõi, đôn đốc thực hiện kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra... là những định hướng cơ bản được Chánh Thanh tra Bộ Tài chính Trần Văn Vượng cho biết tại Hội nghị tổng kết công tác thanh tra tài chính năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020 vừa được Bộ Tài chính tổ chức ngày 02/01/2020.

Quang cảnh hội nghị.
Quang cảnh hội nghị.

Năm 2019, Thanh tra Bộ đã chủ động triển khai 38 cuộc thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch, đạt 100% kế hoạch được phê duyệt. Nội dung thanh tra, kiểm tra công tác quản lý, điều hành ngân sách địa phương, quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý tài chính tại đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp, thanh tra hành chính nội ngành... được lồng ghép một cách khoa học, góp phần rút ngắn được thời gian thanh tra, kiểm tra.

Theo đó, trong năm 2019, Thanh tra Bộ và các đơn vị có chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ Tài chính đã thực hiện 99.900 cuộc thanh tra, kiểm tra; tiến hành kiểm tra 506.382 hồ sơ kê khai tại trụ sở cơ quan và qua điều tra chống buôn lậu bắt giữ 17.321 vụ; kiến nghị xử lý tài chính 71.674.039 triệu đồng, trong đó, số nộp ngân sách nhà nước (NSNN) 25.141.954 triệu đồng (trong đó: số thuế truy thu, truy hoàn 19.761.096 triệu đồng; Số tiền phạt qua thanh tra, kiểm tra 5.380.858 triệu đồng), giảm khấu trừ 2.610.493 triệu đồng, giảm lỗ 42.545.588 triệu đồng, xử lý tài chính khác 1.376.004 triệu đồng. Số tiền đã thu nộp NSNN 17.234.488 triệu đồng.

Tổng hợp kết quả của 36 Kết luận thanh tra, báo cáo kết quả kiểm tra (bao gồm cả các cuộc thanh tra, kiểm tra năm 2018 chuyển sang); Kiến nghị xử lý tài chính 2.834.615 triệu đồng và đưa ra các kiến nghị chấn chỉnh công tác quản lý tài chính ngân sách, tiền, tài sản nhà nước và kiến nghị với các cấp có thẩm quyền xây dựng, sửa đổi, bổ sung nhiều cơ chế chính sách liên quan đến công tác quản lý, điều hành tài chính ngân sách và cơ chế chính sách đặc thù của các ngành, lĩnh vực. Các đơn vị được thanh tra đã thu nộp NSNN 1.110.204 triệu đồng.

Nhìn chung, công tác thanh tra, kiểm tra năm 2019 đã đáp ứng kịp thời, hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của Lãnh đạo Bộ Tài chính và Chính phủ đối với các vấn đề mà dư luận xã hội quan tâm như: Thanh tra chống thất thu NSNN; Thanh tra công tác quản lý tài chính ngân sách tại Trung ương và địa phương; Thanh tra công tác quản lý tài chính doanh nghiệp; Thanh tra quản lý vốn đầu tư xây dựng… Việc chấp hành các quy định của pháp luật về thanh tra; quy trình, quy chế đoàn thanh tra cũng như kỷ cương, kỷ luật trong ngành được tăng cường; 100% các đoàn thanh tra đều có người giám sát đoàn thanh tra.

Cán bộ, công chức khi tiến hành thanh tra đều tuân thủ các quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật về thực hiện nhiệm vụ được giao; không lợi dụng chức vụ, quyền hạn thanh tra để thực hiện hành vi trái pháp luật, sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho đối tượng thanh tra, bao che cho đối tượng thanh tra.

Về triển khai nhiệm vụ trong năm 2020, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn đề nghị, Thanh tra Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch đặt ra; tuân thủ pháp luật, lấy mục tiêu thanh tra, kiểm tra để đảm bảo sự tuân thủ pháp luật của cộng đồng doanh nghiệp và những người có nghĩa vụ với ngân sách nhà nước, từ đó tăng thu đúng, thu đủ cho ngân sách ngân sách nhà nước, đồng thời giảm các cuộc khiếu nại, tố cáo...