Không chỉ thanh tra "phần ngọn"

Theo Minh Trang/thoibaokinhdoanh.vn

"Khi muốn chất lượng đô thị tốt, các cơ quan chức năng phải kiểm tra ngay từ ban đầu, chứ không phải triển khai xây dựng xong rồi mới thanh tra", Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam nhấn mạnh.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo kế hoạch thanh tra năm 2020 vừa được Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà ký ban hành, Thanh tra Bộ Xây dựng sẽ thanh tra công tác quy hoạch xây dựng, điều chỉnh quy hoạch xây dựng, quản lý xây dựng tại nhiều khu vực.

Sự việc đã rồi…

Theo đó, tại TP. Hồ Chí Minh, Thanh tra Bộ Xây dựng sẽ thanh tra khu vực hai bên tuyến đường Nguyễn Đức Cảnh; tại Hà Nội là tuyến đường Lê Văn Lương, Tố Hữu và khu đô thị Trung Hòa – Nhân Chính.

Là một trong những tuyến đường huyết mạch hướng Tây Nam vào nội đô Hà Nội. Tuy nhiên, tuyến đường Lê Văn Lương, Tố Hữu đang phải oằn mình chịu cảnh tắc đường thường xuyên. Theo quan sát, chỉ tính trong vòng bán kính 100m hai bên mặt đường lê Văn Lương dài hơn 2km đã có tới gần 40 tòa nhà cao tầng.

Trên tuyến đường này còn có hàng nghìn căn hộ đã được xây dựng xong và bàn giao cho khách hàng tại các dự án như CT14 Bắc Hà, CT Trung Văn, The Light, Tây Hà, The Pride, Ecolife Capital…

Trong khi đó, phía đầu đường Lê Văn Lương đoạn gần ngã tư Láng Hạ, nhiều công trình nhà ở cao tầng mới mọc lên như Time Tower HACC1 Complex Building, The Golden Palm, HPC Landmark 105 Lê Văn Lương…

Ngoài ra, các tuyến đường nhánh cắt ngang Tố Hữu như đường Trung Văn từ sau khi được nâng cấp lên đường đô thị cũng ghi nhận sự có mặt của các đô thị phía trong như Trung Văn, VOV Mễ Trì…

Một khu vực khác cũng có mật độ nhà cao tầng dày đặc là dọc đường Nguyễn Trãi và tuyến đường vành đai 3. Hiện tại, dọc tuyến đường vành đai 3 có nhiều cao ốc lớn đã đưa vào sử dụng trong những năm gần đây như dự án Thăng Long Number 1 (40 tầng), EcoGreen (35 tầng), khu đô thị Kim Văn – Kim Lũ gồm 5 tòa chung cư cao từ (36-45 tầng), khu chung cư Vinaconex 1 (22-27 tầng)…

Mới đây, Vinaconex đề xuất “nhồi” thêm cao ốc 18 tầng vào khu đô thị Trung Hòa – Nhân Chính, cư dân đã đồng loạt lên tiếng phản đối vì lo ngại việc này sẽ làm gia tăng thêm áp lực đối với hạ tầng vốn đã quá tải.

Hậu quả của chuỗi các hoạt động phá vỡ mật độ dân số theo quy hoạch là tình trạng thiếu các không gian chung như vườn hoa, sân chơi, tình trạng ngập úng, thiếu các công trình hạ tầng xã hội. Điều này trái với chỉ đạo của Thủ tướng tại Quy hoạch chung Thủ đô là khống chế mật độ dân số các quận trung tâm và giảm dần đến năm 2050.

Áp lực giao thông lớn từ các chung cư cao tầng
Áp lực giao thông lớn từ các chung cư cao tầng
 

Thanh tra từ triển khai quy hoạch

Bình luận về việc Bộ trưởng Bộ Xây dựng ký ban hành quyết định thanh tra công tác quy hoạch xây dựng, điều chỉnh hoạch xây dựng, quản lý xây dựng tại nhiều khu vực, Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng cho rằng đây là cuộc thanh tra thường xuyên, giúp cho đô thị ngăn nắp, giúp cho chủ đầu tư và người dân thực thi theo luật pháp.

Tuy nhiên, thanh tra xây dựng phải bắt đầu từ lúc thực hiện triển khai theo quy hoạch, nếu để công trình xuất hiện rồi mới đi thanh tra, kiểm tra thì đó chỉ là xử lý “phần ngọn”. Đôi khi “cái ngọn” lại tạo bức xúc cho doanh nghiệp.

“Bởi khi muốn chất lượng đô thị tốt, các cơ quan chức năng phải kiểm tra ngay từ ban đầu, chứ không phải triển khai xây dựng xong rồi mới thanh tra”, ông Tùng nhấn mạnh.

Trên thực tế, Bộ Xây dựng là cơ quan quản lý chuyên ngành nhà nước, đã phân cấp phân quyền đến các địa phương, thanh tra có tính chất kiểm tra lại sự phân quyền, phân cấp. Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng cho rằng còn việc sai phạm ở địa phương nào, địa phương đó phải chịu trách nhiệm đầu tiên.

Trước đó, bình luận về các dự án bất động sản bám các trục đường giao thông, lãnh đạo Sở Quy hoạch – Kiến Trúc Hà Nội than thở “cái khó bó cái khôn”, trong khi nguồn vốn đổ vào bất động sản nhiều, nguồn vốn dành cho hạ tầng lại ít nên lực bất tòng tâm.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cũng đã từng chỉ ra lỗ hổng của công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch đô thị dẫn tới những hệ lụy như vậy. Đó là quy trình xây dựng quy hoạch lần đầu có rất nhiều cấp cơ quan, nhiều tổ chức, cả xã hội được tham gia rà soát, góp ý theo luật định. Tuy nhiên, đến lúc điều chỉnh quy hoạch thì Luật cho phép chỉ có một vài cơ quan, một nhóm cán bộ điều chỉnh.

Do đó, câu chuyện về công tác quy hoạch luôn luôn có những khó khăn, bất cập, mà những cái sai phạm là những sự việc đã rồi, dân cư đã vào ở, không thể phá dỡ, di chuyển đi đâu được.

Câu chuyện vi phạm trật tự xây dựng, phá vỡ quy hoạch xây dựng cho thấy công tác hậu kiểm, giám sát, thanh tra với chủ đầu tư còn rất lỏng lẻo, thậm chí buông lỏng. Khi xảy ra sai phạm không xử lý kiên quyết, triệt để, biện pháp xử lý phổ biến thường là phạt hành chính, nên không đủ tính răn đe.