Gần 110 nghìn tỉ đồng nợ xấu tại VAMC, chưa thể hết lo
Không chỉ là nỗi lo xử lí nợ, hiện nay những ngân hàng còn nợ xấu tại VAMC còn thêm một nỗi lo về việc có khả năng không được trả cổ tức tiền mặt cho cổ đông.
Thêm một gánh nặng từ trái phiếu VAMC
Bán nợ cho Công ty quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) là một phương thức xử lý nợ của các ngân hàng hiện nay nhằm đưa nợ xấu ra khỏi bảng cân đối kế toán và có thêm đối tác hỗ trợ xử lý các khoản nợ "khó nhằn". Tuy nhiên, không phải là bán nợ cho VAMC là ngân hàng sẽ thoát khỏi trách nhiệm và ảnh hưởng từ những khoản nợ này.
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện xin ý kiến dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 19 (2013) của Thống đốc qui định về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của VAMC. Theo đó, dự thảo bổ sung thêm vào điều khoản trách nhiệm của các tổ chức tín dụng (TCTD) bán nợ và nhận trái phiếu đặc biệt.
Điều khoản được bổ sung là: "Các tổ chức tín dụng bán nợ nhận trái phiếu đặc biệt không chia cổ tức bằng tiền mặt để nâng cao năng lực tài chính và tạo nguồn xử lý nợ xấu cho đến khi trái phiếu đặc biệt được thanh toán".
Trước đó, theo qui định cũ, các TCTD có trái phiếu VAMC có thời hạn trên 5 năm không được chia cổ tức cho đến khi số trái phiếu đặc biệt có kì hạn trên 5 năm được thanh toán.
Như vậy, không chỉ phải đối mặt với nỗi lo về xử lý nợ xấu, ngân hàng sẽ lại thêm một gánh nặng mới từ trái phiếu VAMC. Nếu dự thảo này được áp dụng, tất cả các ngân hàng đang còn số dư trái phiếu đặc biệt của VAMC sẽ không được chia cổ tức bằng tiền mặt.
Sacombank, SCB và VietinBank: 3 ngân hàng có nhiều nợ xấu tại VAMC nhất
Theo tổng hợp từ báo cáo tài chính kiểm toán của hơn ngân hàng đã công bố, giá trị số trái phiếu VAMC đang nắm giữ là hơn 109.327 tỉ đồng, tăng 5,2% so với năm trước. Số liệu trên chưa bao gồm con số trái phiếu VAMC của BIDV do chưa công bố báo cáo kiểm toán, ước khoảng hơn 20.000 tỉ đồng và Agribank.
Trong đó, TOP 3 ngân hàng có nhiều nợ xấu tại VAMC nhất là Sacombank, SCB và VietinBank (trong danh sách khảo sát) với lần lượt 40.233 tỉ đồng của Sacombank, tiếp đó là 26.685 tỉ đồng của SCB.
Không có quá nhiều bất ngờ với hai cái tên Sacombank và SCB nhưng VietinBank đã gây chú ý không nhỏ cho thị trường.
Nguyên nhân là vào tháng 6/2018, VietinBank đã thông báo chính thức mua lại toàn bộ số nợ xấu đã bán cho VAMC đưa số dư trái phiếu VAMC về 0, con số mua về trong nửa đầu năm gần 2.500 tỉ đồng. Nhưng trong quí IV, ngân hàng lại buộc phải bán sang VAMC 13.426 tỉ đồng.
Mặc dù con số tổng vẫn tăng hơn 5% nhưng khi nhìn cụ thể ở từng ngân hàng có thể nhận thấy phần lớn ngân hàng ghi nhận sự sụt giảm nợ xấu tại VAMC. Có tới 12 ngân hàng giảm số nợ xấu tại VAMC, 4 ngân hàng giữ nguyên và 5 ngân hàng tăng (gồm SCB, VietinBank, ABBank, BaoVietBank và Saigonbank).
Trong đó, mức giảm tại hơn 12 ngân hàng trên khá đồng đều, dao động từ 7 - 31,5%, không kể đến hai ngân hàng đã mua lại toàn bộ trái phiếu VAMC trong năm là OCB và VIB. Trong khi đó ở chiều tăng, VietinBank tạo ra đột biến với tăng trưởng 443%, Saigonbank tăng gần 85%.
Như vậy, tính đến 31/12/2018, nhóm 5 ngân hàng "sạch nợ" tại VAMC có sự góp mặt của Vietcombank, Techcombank, MBBank, OCB và VIB. Một số ngân hàng "ngấp nghé" vào danh sách như ACB, Nam A Bank.
Trong một phát biểu gần đây, lãnh đạo Agribank cho biết với tổng nguồn dự phòng xử lý rủi ro gần 20.000 tỉ đồng, Agribank có đủ khả năng mua trước hạn toàn bộ nợ đã bán cho VAMC, xử lý kịp thời các khoản nợ xấu phát sinh nếu có trong năm 2019.
Vốn tự có của VAMC hiện nay quá nhỏ, nếu dùng vốn đó để mua nợ xấu thì chỉ mua vài toà chung cư là hết. Vì vậy, vốn điều lệ của VAMC cần phải được tăng lên ở mức tối thiểu là 20.000 tỉ đồng.
Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu
Theo số liệu từ VAMC, trong hai năm 2017 và 2018, công ty đã thu hồi được 68.103 tỉ đồng nợ xấu, bằng gần một nửa tổng giá trị thu hồi nợ lũy kế từ 2013 đến nay. Riêng năm 2018, VAMC đã mua 2.819 tỉ đồng nợ theo giá trị thị trường; mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt đạt 29.812 tỉ đồng; xử lí các khoản nợ xấu đã mua đạt 78.000 tỉ đồng dư nợ gốc (đạt 226% kế hoạch) với giá trị thu hồi nợ đạt 37.250 tỉ đồng.
Năm 2019, VAMC xác định phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm là đẩy mạnh và thực hiện hiệu quả công tác mua nợ theo giá trị thị trường.
Việc đề xuất thực hiện mua đứt bán đoạn nợ xấu từ các TCTD sang VAMC đã được nói đến từ rất lâu. Tuy nhiên để có thể thực hiện còn nhiều khó khăn.
Vướng mắc lớn nhất và cũng là quan trọng nhất là vấn đề về vốn, vốn điều lệ của VAMC là 2.000 tỉ đồng, trong khi thực tế doanh số mua nợ theo giá trị thị trường của VAMC đã đạt hơn 3.000 tỉ đồng. Với qui mô vốn quá nhỏ việc có thể đẩy mạnh việc mua bán theo giá thị trường.
Theo lộ trình được NHNN trình Thủ tướng Chính phủ, giai đoạn 2017 - 2018 sẽ cấp bổ sung vốn điều lệ cho VAMC để đạt 5.000 tỉ đồng và 10.000 tỉ đồng trong giai đoạn 2019-2020. Tuy nhiên cho đến nay, VAMC vẫn chưa được cấp vốn như lộ trình đề ra và việc tăng vốn vẫn đang bỏ ngỏ.