Gần 60 nghìn cơ sở kinh doanh đăng ký hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền

Hoàng Minh

Tính đến ngày 17/5, có 59.674 cơ sở kinh doanh đã đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử (HĐĐT) khởi tạo từ máy tính tiền, tăng 47,9% so với cuối năm 2023

Sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền giúp doanh nghiệp xuất hóa đơn nhanh chóng, thuận lợi.
Sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền giúp doanh nghiệp xuất hóa đơn nhanh chóng, thuận lợi.

Theo Tổng cục Thuế, đến nay, công tác vận hành, xử lý hạ tầng kỹ thuật hệ thống hoá HĐĐT được vận hành ổn định 24/7, đáp ứng yêu cầu tiếp nhận và xử lý cấp mã HĐĐT, không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh.

Thống kê từ khi triển khai đến hết ngày 17/5/2024, số lượng HĐĐT cơ quan thuế tiếp nhận và xử lý ước đạt 7,78 tỷ hóa đơn, trong đó 2,16 tỷ hóa đơn có mã và hơn 5,62 tỷ hóa đơn không mã.

Với việc triển khai HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền, tính đến hết ngày 17/5/2024, có 59.674 cơ sở kinh doanh đã đăng ký sử dụng HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền, tăng 47,9% so với cuối năm 2023, số lượng HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền là hơn 415,3 triệu hóa đơn.

Với việc triển khai HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền, ngành Thuế đã và đang góp phần chuyển đổi cách thức phục vụ người dân, phương thức quản lý, tổ chức thực hiện của cơ quan thuế theo hướng tự động nhằm cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi, giảm chi phí, tăng năng suất hoạt động của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, công tác triển khai dịch vụ đăng ký, nộp thuế điện tử qua ứng dụng Etax Mobile, kết quả có hơn 1,13 triệu lượt tải và cài đặt, sử dụng ứng dụng, số giao dịch qua ngân hàng thương mại là khoảng 1,75 triệu giao dịch với tổng số tiền đã nộp thành công 4.143,6 tỷ đồng.

Đối với việc triển khai xuất hóa đơn theo từng lần bán hàng đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu, Tổng cục Thuế tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, UBND để theo dõi sát sao, giám sát việc thực hiện xuất HĐĐT sau từng lần bán hàng đối với các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên cả nước.

Đồng thời, yêu cầu các cục thuế tăng cường thực hiện kiểm tra liên ngành, kiểm tra thuế và phối hợp với các cơ quan để đánh giá, nâng cao các giải pháp xuất HĐĐT theo từng lần bán hàng, từng bước nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu.

Về công tác quản lý thuế đối với TMĐT, Tổng cục Thuế cho biết, đã có 96 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký và được cấp mã số thuế qua Cổng thông tin điện tử, tăng 2 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký mới so với tháng trước.

Lũy kế đến 15/5/2024, tổng số thuế các nhà cung cấp nước ngoài đã nộp trực tiếp qua Cổng thông tin điện tử là 4.029 tỷ đồng. Năm 2023, mới ghi nhận có 74 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, kê khai và nộp thuế. Tổng số thuế các nhà cung cấp nước ngoài đã nộp trong năm là 8.096 tỷ đồng.

Lũy kế từ tháng 3/2022 thời điểm cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài vận hành, các doanh nghiệp ngoại đã nộp khoảng 15.600 tỷ đồng.

Tổng cục Thuế cho biết thời gian tới, ngành Thuế sẽ tiếp tục tổ chức quản lý thuế hiệu quả đối với các nhà cung cấp nước ngoài. Theo đó, sẽ rà soát, đôn đốc các nhà cung cấp nước ngoài chưa thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế trên cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.

Đồng thời, tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, hoàn thiện các nội dung nâng cấp cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài đảm bảo thuận lợi trong quá trình thực hiện; Cùng với đó, trên cơ sở phân tích dữ liệu của nhà cung cấp nước ngoài, sẽ áp dụng quản lý rủi ro tuân thủ đối với các tổ chức này.