Gập ghềnh hàng Việt về nông thôn
Chiếm đến 70% dân số, thị trường rộng lớn ở nông thôn mang lại nhiều cơ hội cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp vì chưa hiểu hết thị trường này, lại có những kiểu làm ăn không trung thực nên doanh thu không đáng kể.
Tăng trưởng
Số liệu từ một công ty nghiên cứu thị trường cho thấy, người dân khu vực nông thôn đang có nhu cầu mua sắm gấp 3 lần so với thành thị. Khu vực nông thôn tiếp tục là nguồn tăng trưởng mới cho các nhà sản xuất. Theo báo cáo vừa được công bố của Nielsen Việt Nam, sự tăng trưởng của thị trường hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) trong năm 2017 tại khu vực thành thị là 4% thì khu vực nông thôn là 6,1% so với năm trước.
Các nghiên cứu của Nielsen, Kantar Worldpane cho thấy, người tiêu dùng nông thôn mua bếp gas, máy giặt, máy nước nóng, máy điều hòa nhiệt độ không thua kém các gia đình ở thành thị.
Chính nhờ tiềm năng của thị trường này mà một số doanh nghiệp Việt Nam như Mỹ Hảo, Bidrico đã rất thành công trong kinh doanh. Trong khi doanh số của các doanh nghiệp khác tại thị trường nông thôn chỉ chiếm 20% trong tổng doanh thu thì con số này tại Bidrico đạt đến 70%, tại Mỹ Hảo đến 80%. Và cũng nhờ thị trường nông thôn tăng trưởng liên tục mà Bidrico tiến vào khu vực thành thị để cạnh tranh với các doanh nghiệp nước giải khát đến từ nước ngoài; một số sản phẩm hóa mỹ phẩm của Mỹ Hảo đã cạnh tranh sòng phẳng với sản phẩm của các tập đoàn đa quốc gia.
Đánh giá về thị trường nông thôn, ông Lương Vạn Vinh - Tổng giám đốc Công ty Mỹ Hảo cho biết, đây là điểm tựa của doanh nghiệp Việt Nam. Theo ông Vinh, tính trung bình mỗi một tỉnh có ít nhất 3.000 khách hàng tiềm năng thì số khách hàng cần khai thác không biết bao nhiêu mà kể. Đó là chưa kể dân số ngày càng tăng, vì thế có rất nhiều cơ hội để doanh nghiệp khai thác.
Suy giảm niềm tin
Tiềm năng là vậy nhưng khai thác thị trường nông thôn lại không dễ. Kết quả khảo sát của Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao mới đây cho thấy, tỷ lệ người tiêu dùng ưa thích và thường mua sản phẩm nội địa lần lượt là 51% và 60%. Đây là tín hiệu đáng ngại vì đã giảm lần lượt 27 điểm phần trăm và 32 điểm phần trăm so với năm 2017. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là niềm tin của người tiêu dùng vào thương hiệu hàng Việt Nam bị lung lay bởi tình trạng nhiều doanh nghiệp bán hàng kém chất lượng.
Vì niềm tin với hàng Việt Nam bị suy giảm cộng với những nỗ lực mở rộng thị phần bằng chiến lược bài bản của doanh nghiệp FDI khiến người tiêu dùng khu vực nông thôn sử dụng sản phẩm ngoại nhập tăng lên. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp có uy tín trên thị trường còn phải đối diện với mức độ rủi ro nhiều hơn bởi nạn hàng gian, hàng giả.
"Không chỉ là việc riêng lẻ của từng doanh nghiệp, từng vụ việc mà còn là trách nhiệm của các cơ quan quản lý. Khi niềm tin vào uy tín của hàng Việt bị xói mòn sẽ tạo thêm lỗ hổng cho hàng ngoại xâm nhập", ông Nguyễn Văn Phương - Phụ trách điều tra của Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao nhận định.
Ngoài những yếu tố trên, các doanh nghiệp Việt Nam còn phải đối diện với những thách thức về tài chính. Bởi vùng nông thôn là địa bàn trải rộng, nhiều khách hàng nhỏ, vì thế cần phải có nguồn lực tài chính đủ để phủ hàng đến tận vùng sâu vùng xa. Đây không chỉ là khó khăn của thị trường Việt Nam mà là khó khăn chung của các quốc gia trong khu vực châu Á.
Chia sẻ kỹ hơn về khó khăn này, ông Nguyễn Anh Dũng - Giám đốc Bộ phận dịch vụ đo lường bán lẻ Nielsen Việt Nam cho biết, một số khu vực nông thôn nhiều triển vọng hơn các khu vực khác, do đó, việc xác định khu vực tiềm năng là rất quan trọng để doanh nghiệp tối đa hóa nguồn lực đầu tư.
Bên cạnh đó, để thành công, các nhà sản xuất cần phải hiểu biết về người tiêu dùng tại khu vực nông thôn. Hiện nay, người tiêu dùng ở nông thôn dần làm quen với cuộc sống thành thị nhờ vào sự phổ biến của công nghệ và sự hoàn thiện dần cơ sở hạ tầng.
Dù có những trở ngại nhưng các doanh nghiệp cho rằng, để tồn tại và phát triển trong điều kiện như hiện nay không gì khác hơn là phải khai phá cho được thị trường nông thôn. Để làm được điều này, trước hết phải đầu tư nguồn lực con người, quản lý, xây dựng hệ thống phân phối bài bản. Phải đưa hàng Việt về nông thôn thường xuyên thông qua các chương trình của các hội, các cơ quan quản lý như Hàng Việt về nông thôn, Phiên chợ hàng Việt...
Việc này giúp doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, xây dựng hệ thống phân phối tại chỗ. Nhưng để xây dựng được hệ thống phân phối, sau mỗi phiên chợ hay mỗi chương trình quảng bá hàng Việt, doanh nghiệp nên cho nhân viên mang sản phẩm đến chào hàng tiểu thương tại các địa phương mà phiên chợ vừa đi qua để thâm nhập sâu rộng vào thị trường.
Điều quan trọng không kém là chú trọng đầu tư vào chất lượng sản phẩm. Bởi, tâm lý của đa phần người tiêu dùng Việt Nam là quan tâm đến chất lượng và giá hàng hóa hơn là xuất xứ. Doanh nghiệp không thể để thuyết phục được người tiêu dùng chỉ bằng việc vận động, kêu gọi "người Việt dùng hàng Việt" khi mà chất lượng sản phẩm không đáp ứng được mong đợi. Và điều này càng khó hơn nữa đối với người tiêu dùng ở vùng nông thôn, miền núi.