GDP không phải là tất cả

Theo Phương Minh/daibieunhandan.vn

(Tài chính) Trong nhiều năm qua, các quan chức Trung Quốc và các nhà phân tích nước ngoài đã bị ám ảnh với những con số tăng trưởng GDP của nước này. Thậm chí, nhiều người còn tin rằng nếu tăng trưởng của đất nước gấu trúc mà giảm xuống dưới 8%, chắc chắn biến động lớn sẽ xảy ra. Tuy nhiên, điều đó hóa ra là vô nghĩa.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Uy tín của các nhà lãnh đạo Trung Quốc luôn phụ thuộc vào khả năng tăng trưởng kinh tế và tạo ra công ăn việc làm cho hàng triệu lao động tìm việc mỗi năm. Điều này giải thích tại sao các chính quyền địa phương luôn sẵn sàng vay những khoản tiền lớn từ các ngân hàng để đổ tiền vào các dự án cơ sở hạ tầng. Bởi xây dựng là cách dễ dàng bậc nhất giúp mức tăng trưởng GDP nhảy vọt.

Việc công bố tốc độ tăng trưởng GDP mạnh hơn, nhanh hơn mỗi năm đã trở thành một thứ gì đó ví như một môn thể thao quốc gia. Bắc Kinh sẽ đặt ra mục tiêu của cả nước và sau đó các tỉnh thành sẽ đua nhau đưa ra các mục tiêu tăng trưởng cao hơn để thu hút sự quan tâm của trung ương.

Tuy nhiên, hiện đang có nhiều dấu hiệu cho thấy, nỗi ám ảnh quốc gia này đang trải qua những biến đổi sâu sắc. Thượng Hải, một trong những thành phố lớn nhất của Trung Quốc và là thành phố có thu nhập bình quân đầu người hơn 10.000 USD/năm, lần đầu tiên trong lịch sử  từ bỏ mục tiêu tăng trưởng GDP chính thức.

Trong báo cáo của mình trình lên cơ quan lập pháp địa phương, Thị trưởng Thượng Hải đã tiết lộ rằng, thành phố này sẽ không đặt ra mục tiêu chính thức cho năm 2015. Trước đó không lâu, các dữ liệu thống kê cho thấy, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm ngoái của Thượng Hải là 7 %, mức thấp nhất kể từ năm 1991.

Trong một bài phóng vấn với tờ Financial Time, phiên bản tiếng Trung, Bí thư Thượng Hải Han Zhen cho biết, chính quyền thành phố không còn coi tốc độ tăng trưởng GDP như là một chỉ số chính về khả năng điều hành.

Ông tâm sự vui, cách đây khoảng 5, 6 năm, Thượng Hải có dùng GDP để đánh giá hiệu quả làm việc của các lãnh đạo quận, huyện. Tuy nhiên, giờ chỉ có đúng một cơ quan là quan tâm về con số GDP, đó là Cơ quan Thống kê.

Thay vì tập trung vào các số liệu tăng trưởng, ông Han muốn tập trung vào chất lượnghiệu quả  cũng như sự đóng góp của thành phố vào thành tựu chung của cả nước. Chẳng hạn sự đóng góp vào quá trình đổi mới thể chế như thiết lập khu thương mại tự do Thượng Hải.

Bí thư Thượng Hải chỉ là một trong nhiều quan chức cấp cao không còn quá coi trọng tốc độ tăng trưởng GDP gần đây. Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc Zhou Xiaochuan cũng cho rằng, Chính phủ cần tập trung nhiều hơn vào cải cách cơ cấu hơn là tăng trưởng GDP.

Theo ông, nếu nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại nhưng lại bền vững hơn thì đó mới là tín hiệu tốt thực sự. Nếu Chính phủ chỉ chạy theo tỷ lệ tăng trưởng ngày một cao hơn, nó sẽ tác động đến một mức độ nhất định về tốc độ cải cách cơ cấu. Hiện nay, ngày càng nhiều người có chung quan điểm trên.

Ngoài các nhà chính trị, nhiều nhà kinh tế hàng đầu và giới phân tích cũng đang kêu gọi chính quyền Bắc Kinh bãi bỏ mục tiêu tăng trưởng GDP quốc gia hay ít nhất là hạ thấp mục tiêu này xuống mức bền vững hơn như 6% hoặc thậm chí là 5%. Những tỷ phú kinh doanh Trung Quốc như Ren Zhengfei của Huawei hay Jack Ma của Alibaba đều lên tiếng ủng hộ mức tăng trưởng chậm lại. Họ cho rằng khi Trung Quốc có tốc độ tăng trưởng nhanh liên tục, nước này sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề về chất lượng. Do đó, Bắc Kinh cần tập trung vào chất lượng tăng trưởng kinh tế hơn là nhìn vào tăng trưởng GDP hai con số hoành tráng.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nơi chưa phá bỏ được thói quen cũ đã ăn sâu trong tư duy. Vẫn còn nhiều vùng kinh tế kém phát triển ở miền Trung và phía tây Trung Quốc vẫn tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng GDP để chứng minh sự phát triển.

Dẫu vậy, hiện nay đang diễn ra một sự chuyển biển lớn và nghiêm túc tại các cấp hoạch định chính sách hàng đầu của Trung Quốc. Giờ đây, nhiều người đã tin rằng, nỗi ám ảnh với tốc độ tăng trưởng GDP đang gây hại nhiều hơn là mang đến nhiều lợi ích. Khói độc, các con sông ô nhiễm và nạn phá rừng chắc chắn sẽ đặt dấu chấm hết cho tốc độ tăng trưởng của đất nước gấu trúc một ngày nào đó.

Đối với những nhà quan sát trong nước, tốc độ tăng trưởng 7% không thực sự là dấu chấm hết của một Trung Quốc phát triển thần kỳ. Điều quan trọng là Bắc Kinh có đạt được những tiến bộ cải cách nào như bảo vệ môi trường hay cải tổ hệ thống tài chính...

Những nỗ lực này sẽ quyết định xem nền kinh tế của Trung Quốc có thể duy trì một cơ thể khỏe mạnh hay không trong nhiều năm tới.