Ghi điểm trong điều hành

Hồng Vân

(Tài chính) Năm 2013, hoạt động điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có những bước chuyển căn bản và đạt được những kết quả tích cực. Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn vấn đề trên, Tài chính và Đầu tư đã có cuộc phỏng vấn bà Nguyễn Thị Hồng - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN.

Phóng viên: Năm 2013, kinh tế vĩ mô của Việt Nam có nhiều chuyển biến tích cực, đóng góp không nhỏ vào điều hành chính sách tiền tệ (CSTT). Bà đánh giá vấn đề này như thế nào?

Ghi điểm trong điều hành  - Ảnh 1
Bà Nguyễn Thị Hồng,
Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ
Bà Nguyễn Thị Hồng: Có thể nói, năm 2013 là năm tiếp tục thử thách nền kinh tế nước ta bằng những khó khăn; việc điều hành CSTT và hoạt động ngân hàng cũng phải đối mặt với muôn vàn thách thức. Tuy nhiên, nhờ thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp, ngành Ngân hàng đã đạt được những thành tựu quan trọng, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Những đóng góp phải kể đến là:

Thứ nhất, NHNN đã kiểm soát tiền tệ hợp lý, góp phần kiểm soát lạm phát thành công ở mức khoảng 6%, đúng như mục tiêu của Chính phủ đề ra là kiểm soát lạm phát ở mức thấp hơn năm 2012. Điều đáng nhấn mạnh ở đây là với việc linh hoạt trong điều hành, NHNN đã đạt được mục tiêu kép là góp phần kiểm soát, giảm được mặt bằng lãi suất, đồng thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Thứ hai, mặt bằng lãi suất đã giảm từ 2-5%/năm sau khi đã giảm 6-9%/năm trong năm 2012. Mặt bằng lãi suất hiện nay đã trở về mức của những năm 2005- 2006 và chỉ bằng khoảng 50% so với mức lãi suất vào nửa cuối năm 2011. Điều đáng nói là dù lãi suất huy động giảm mạnh nhưng các tổ chức tín dụng (TCTD) vẫn huy động được vốn. Dù trần lãi suất huy động VND kỳ hạn trên 6 tháng đã được dỡ bỏ nhưng mặt bằng lãi suất vẫn khá ổn định, tình trạng cạnh tranh lãi suất để lôi kéo khách hàng như trước đây hầu như không còn, đường cong lãi suất đã hình thành, tạo điều kiện để ổn định thị trường tiền tệ.

Thứ ba, NHNN đã tổ chức, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường theo Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ, chủ yếu thông qua các giải pháp điều hành tín dụng, lãi suất. Chính sách tín dụng được điều hành theo phương châm mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn hoạt động của TCTD. Về tăng trưởng tín dụng, mặc dù tăng thấp nhưng tháng cuối năm đã tăng mạnh trở lại nên cả năm 2013, tín dụng vẫn đạt mức tăng trưởng theo mục tiêu đề ra từ đầu năm là 12%.

Thứ tư, NHNN đã thành công trong việc điều hành tiền tệ và hoạt động ngân hàng đảm bảo an toàn hệ thống. Các TCTD đã chú trọng quản trị rủi ro hơn, kỷ luật thị trường được nâng lên nên không còn tình trạng khó khăn, căng thẳng thanh khoản như cuối năm 2011; lãi suất trên thị trường nội tệ liên ngân hàng tương đối ổn định ở mức thấp; thanh khoản bằng ngoại tệ tiếp tục xu hướng cải thiện.

Thứ năm, mặc dù tỷ giá có áp lực tăng ở một số thời điểm nhưng đã nhanh chóng ổn định trở lại nhờ sự phản ứng hết sức nhanh nhạy, kịp thời của NHNN. Đến cuối tháng 12/2013, tỷ giá bình quân liên ngân hàng và tỷ giá niêm yết tại các ngân hàng thương mại (NHTM) tăng 1,3% so với cuối năm 2012, trong phạm vi kiểm soát của NHNN. Sự ổn định thị trường ngoại hối và tỷ giá, đã góp phần giảm tình trạng đô la hóa, tăng niềm tin vào VND, tạo điều kiện tăng dự trữ ngoại hối nhà nước.

Thứ sáu, thị trường vàng đã dần ổn định, quyền sở hữu, tích trữ, mua, bán vàng miếng hợp pháp của người dân được bảo vệ; thị trường vàng miếng đã được sắp xếp lại một cách cơ bản; sự mất cân đối về cung cầu vàng miếng trong nước đã được thu hẹp đáng kể, từ đó đã ngăn chặn được ảnh hưởng của biến động giá vàng đến tỷ giá, lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, nhìn lại điều hành CSTT năm 2013, bà thấy vấn đề gì còn băn khoăn, cần quan tâm xử lý trong thời gian tới không?

Mặc dù đã đạt được những thành tựu nêu trên nhưng để kinh tế vĩ mô ổn định một cách vững chắc, không thể chỉ một chính sách làm được, cần thực hiện đồng bộ nhiều chính sách và sự phối hợp từ nhiều bộ, ngành như:

- Để lưu thông dòng vốn tín dụng một cách thông suốt, các bộ, ngành cần phối hợp trong việc xử lý những vướng mắc trong cơ chế bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn của ngân hàng, xử lý tài sản đảm bảo, xử lý nợ đọng ngân sách…

- Để tiếp tục giữ ổn định mặt bằng lãi suất, việc phát hành trái phiếu chính phủ cần phối hợp chặt chẽ với CSTT để tránh áp lực tăng lãi suất.

- Để tiếp tục kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, tránh được rủi ro do tăng trở lại của lạm phát khi trong năm 2014, NHNN phải cung ứng tiền để thực hiện nhiều mục tiêu như tái cấp vốn cho vay hỗ trợ nhà ở, hỗ trợ xử lý nợ xấu, phát triển nông nghiệp, nông thôn, cho vay tái canh cây cà phê... Các bộ, ngành cần phối hợp chặt chẽ trong việc thực hiện lộ trình điều chỉnh giá các mặt hàng nhà nước quản lý một cách hợp lý, tăng cường công tác quản lý thị trường...

Vậy năm 2014, định hướng các giải pháp điều hành CSTT là gì thưa bà?

Để đạt được các mục tiêu do Quốc hội đề ra là kiểm soát lạm phát ở mức khoảng 7%, tăng trưởng kinh tế khoảng 5,8%, trên cơ sở kết quả điều hành CSTT năm 2013, NHNN tiếp tục kiên định mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, đảm bảo an toàn thanh khoản của các TCTD.

NHNN cũng đưa ra định hướng các chỉ tiêu điều hành trong năm 2014 như: Tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 16-18%, tín dụng tăng khoảng 12-14% nhưng được điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo thực hiện mục tiêu CSTT; lãi suất và tỷ giá ở mức hợp lý, phù hợp với các cân đối kinh tế vĩ mô, diễn biến thị trường tiền tệ, ngoại hối.

Trên cơ sở mục tiêu và định hướng điều hành nêu trên, ngay trong tháng 01/2014, NHNN sẽ ban hành Chỉ thị về tổ chức thực hiện CSTT và đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả năm 2014, trong đó chỉ đạo những nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị thuộc NHNN từ Trung ương đến địa phương cho tới các TCTD.

Xin cảm ơn bà!

Bài đăng trên Tài chính & Đầu tư số 1+2 - 2013