Giá cà phê tăng phi mã, hiệp hội cà phê khuyến cáo gì?


Giá cà phê neo ở mức đỉnh hơn 95.000 đồng/kg. Đây là niềm vui với nhiều nông dân song doanh nghiệp xuất khẩu lại lao đao khi giá cà phê tăng phi mã.

Giá cà phê tăng phi mã và đạt đỉnh ở mức hơn 95.000 đồng/kg
Giá cà phê tăng phi mã và đạt đỉnh ở mức hơn 95.000 đồng/kg

Doanh nghiệp chế biến lao đao

Người trồng cà phê tại nhiều địa phương đang rất phấn khởi khi thu hoạch được giá cao. Mặc dù vậy, với doanh nghiệp xuất khẩu, đây lại là năm kinh doanh buồn.

Ông Nguyễn Ngọc Luận - nhà sáng lập thương hiệu cà phê nông sản Meet More (huyện Hóc Môn, TP. Hồ Chí Minh), cho biết, giá nguyên liệu cà phê tươi tăng từng ngày đã tác động lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Theo ông Luận, từ giữa tháng 6/2023, cà phê đã có dấu hiệu tăng giá từ 40.000 - 45.000 đồng/kg, sau đó lên 50.000 đồng/kg. Mỗi lần thay đổi giá đều duy trì trong vài tháng. Nhưng sau Tết, giá tăng nhanh và cao bất thường. Khi giá nguyên liệu tăng cao, Meet More cũng như các nhà sản xuất, chế biến cà phê khác bị ảnh hưởng rất nhiều đến những đơn hàng xuất khẩu đã ký trước đó.

“Giá cà phê liên tục tăng cao. Đầu tháng 3, giá cà phê ở mức 86.000 đồng/kg, cách vài ngày đã lên 91.000 đồng/kg… Hiện nay giá là 95.000 đồng/kg. Giá tăng nhanh khiến doanh nghiệp trở tay không kịp”, ông Luận chia sẻ.

Thông thường, thời gian từ lúc ký hợp đồng đến lúc giao hàng khoảng 7 tháng. Thời điểm ký đơn hàng giá dao động quanh mốc 50.000 – 60.000 đồng/kg, song hiện nay giá đầu vào đã tăng lên 90.000 – 95.000 đồng/kg. Mặc dù vậy hiện nay doanh nghiệp cũng không thể tăng giá bán bởi tỷ giá tăng lên và cước phí vận chuyển logistics cũng tăng. “Nếu tăng thêm giá hàng hóa thì gần như sẽ không bán được hàng. Vì vậy doanh nghiệp phải cắt giảm toàn bộ lợi nhuận, thậm chí bù lỗ cho những đơn hàng lớn đã ký trước đó”, ông Luận nhấn mạnh và cho biết thêm hiện doanh nghiệp đang phải từ chối nhiều đơn hàng.

“Chúng tôi chỉ có thể mua nguyên liệu nhỏ giọt để hoàn thành đơn hàng. Từ đầu năm đến nay có nhiều đối tác ngoại đến mua hàng nhưng chúng tôi đều từ chối, vì nhận nhiều sẽ càng thêm lỗ, trừ khi đối tác chịu tăng giá. Doanh nghiệp đang cố gồng lỗ đến tháng 6/2024”, ông Luận lo lắng.

Mặt khác, nhu cầu thu mua cà phê tăng cao nhưng lượng bán ra nhỏ giọt. Theo ông Phan Minh Thông, Chủ tịch Phúc Sinh Group, giá cao nên người trồng găm hàng không bán. Thương lái không đủ hàng giao cho các nhà chế biến, còn doanh nghiệp lỗ vì mua cao, bán thấp.

"Với giá cà phê nguyên liệu quanh 95.000 đồng/kg hiện nay, các công ty ước tính lỗ hàng chục triệu đồng mỗi tấn cà phê sau chế biến. Con số này tăng lên hàng chục tỷ đồng nếu lượng hàng cần giao khoảng 1.000 tấn", ông Thông chia sẻ.

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nông sản cho rằng với mức giá đạt đỉnh lịch sử như hiện nay, họ không mua được hàng, chưa kể một số nhà cung ứng không giao hàng do giá cả biến động.

Hiệp hội cà phê khuyến cáo gì?

Ông Nguyễn Hải Nam - Chủ tịch Hiệp hội cà phê ca cao Việt Nam (Vicofa) nhìn nhận, giá cà phê đang ở mức cao nhất từ trước đến nay. "Chưa có năm nào giá cà phê ở mức trên 95.000 đồng/kg. Đây là tín hiệu tích cực, thuận lợi cho người dân sau nhiều năm giá cà phê ở mức thấp"- ông Nam đánh giá.

Về nguyên nhân giá cà phê tăng, theo ông Nam: Thứ nhất, do tồn kho vụ 2022 – 2023 ở mức thấp. Ngay từ tháng 7/2023 doanh nghiệp đã thiếu hụt nguồn hàng. Việc thiếu hụt tiếp tục kéo sang niên vụ 2023 - 2024.

Thứ hai, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu hiện tượng El Nino gây khô hạn khắp các vùng trồng cà phê toàn cầu. Riêng tại Việt Nam, trong vụ mùa 2023-2024 (tính từ tháng 10 năm trước đến tháng 9 năm sau), sản lượng hụt mất khoảng 10%.

Thứ ba, các cuộc xung đột quân sự trên thế giới, căng thẳng tại khu vực Biển Đỏ đã khiến cước vận chuyển và nhiều chi phí tăng, đẩy giá cà phê lên cao. Cuối cùng là hiện nhiều nhà đầu cơ tài chính trên thế giới đã chọn cà phê (sau dầu mỏ và vàng) để đầu cơ cũng khiến giá cà phê tăng nóng.

Dự báo thị trường cà phê trong thời gian tới, ông Nam cho rằng, giá sẽ tiếp tục tăng cao. Do đó, ông Nam khuyến cáo các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cà phê phải theo dõi sát diễn biến thị trường và cân đối nguồn hàng. Nếu trước đây ký hợp đồng xuất khẩu kỳ hạn thì trong bối cảnh hiện nay, để giảm bớt rủi ro thua lỗ, doanh nghiệp xuất khẩu nên mua ngay bán ngay thay vì ký bán kỳ hạn như trước.

“Những ngày qua, giá cà phê tăng lên từng ngày. Nếu doanh nghiệp ký bán kỳ hạn thì không thể tránh khỏi thua lỗ”, ông Nguyễn Hải Nam nhìn nhận và cho biết thêm, trong thời gian tới hiệp hội sẽ tiếp tục họp với các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cà phê để cập nhật thông tin và đưa ra cảnh báo.

Tại thị trường trong nước, ngày 22/3/2024 giá cà phê trong nước dao động quanh mức 94.600 - 95.200 đồng/kg. Theo đó, giá cà phê tại Đắk Lắk ở mức 95.000 đồng/kg. Tại Lâm Đồng giá cà phê ở mức 94.600 đồng/kg; giá cà phê tại Gia Lai 95.000 đồng/kg; giá cà phê tại Đắk Nông ở mức cao nhất 95.200 đồng/kg.

Theo Báo Công Thương