Giá cả tăng trên toàn thế giới, 40 triệu người có thể nghèo cùng cực
Dự báo được Trung tâm Phát triển toàn cầu vừa đưa ra, khi đánh giá về hậu quả của các biện pháp hạn chế xuất khẩu và trừng phạt nhằm vào lĩnh vực sản xuất lương thực của Nga.
Theo định nghĩa của Ngân hàng Thế giới, người có thu nhập dưới 1,9 USD/ngày được xác định là diện nghèo cùng cực.
Các nhà nghiên cứu cho biết, các khách hàng nhập khẩu trực tiếp lúa mì từ Nga và Ukraine, vốn chiếm tới 25% lượng lúa mì xuất khẩu trên toàn thế giới hiện là đáng lo ngại nhất. Tuy nhiên, giá cả sẽ tăng trên toàn thế giới khi các nhà nhập khẩu cạnh tranh để tìm nguồn cung cấp thay thế.
Trung tâm Phát triển toàn cầu kêu gọi các cơ quan phát triển và các tổ chức tài chính quốc tế hành động khẩn cấp khi nhu cầu hỗ trợ nhân đạo gia tăng trên toàn thế giới, trong khi các nước giàu có nên tài trợ bổ sung cho các thể chế này để sẵn sàng đối phó với cuộc khủng hoảng lương thực sắp tới.
Tính đến ngày 17/3, giá lúa mì liên tục ở mức 10,57 USD/giạ. Kể từ ngày 17-2, giá lúa mì kỳ hạn giao sau đã tăng 32,6%.
Ngoài ra, Goldman Sachs cũng nâng dự báo về giá ngô, đậu tương và lúa mì. Giá ngô có thể đạt 7,75 USD/giạ (25,4 kg/giạ ngô) vào mùa hè, giá đậu tương có thể đạt 17,5 USD/giạ (27,2 kg/giạ đậu tương) và lúa mì có thể đạt 12,50 USD/giạ.
Giá ngũ cốc quốc tế, vốn đã leo thang kể từ nửa cuối năm 2020, đạt mức cao nhất mọi thời đại vào tháng 2/2022 do nhu cầu cao, chi phí nông nghiệp và vận tải tăng, cũng như gián đoạn hoạt động của các cảng.
Nếu xung đột giữa Nga và Ukraine vẫn tiếp tục, chắc chắn sẽ gây nguy hiểm cho an ninh lương thực hơn nữa. Khoảng 50 quốc gia hiện đang dựa vào nguồn nhập khẩu từ Nga và Ukraine để đảm bảo tối thiểu 30% nguồn cung lúa mì của họ, hầu hết là các nước kém phát triển nhất hoặc các nước thiếu lương thực có thu nhập thấp ở Bắc Phi, châu Á và vùng Cận Đông.
Đối với những nước này, tình hình an ninh lương thực đặc biệt nghiêm trọng. Hơn 50% nguồn cung phân bón ở nhiều nước châu Âu và Trung Á đến từ Nga, và tình trạng thiếu hụt nguồn cung có thể sẽ kéo dài sang năm sau.
Abeer Etefa - phát ngôn viên cấp cao của Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) - gần đây cũng cho biết, một loạt vấn đề trong sản xuất và xuất khẩu nông sản từ Ukraine và Nga sẽ đe dọa an ninh lương thực của hàng triệu người trên thế giới. Điều này sẽ ảnh hưởng đến Anh và các quốc gia châu Âu khác, đặc biệt là những nước Trung Đông, châu Phi và châu Á cực kỳ dễ bị tổn thương.
WFP đã cảnh báo rằng, năm 2022 sẽ là một năm thảm họa của nạn đói, với 44 triệu người tại 38 quốc gia đang đứng trước bờ vực của nạn đói.
Để tránh xảy ra khủng hoảng lương thực, chính phủ nhiều nước đang thực hiện các biện pháp nhằm ưu tiên đảm bảo nguồn cung nông sản trong nước.
Theo hãng tin Bloomberg (Mỹ), Hungary đang cấm xuất khẩu ngũ cốc. Argentina - một trong những nước xuất khẩu ngũ cốc hàng đầu thế giới - và Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia xuất khẩu bột mì lớn - cũng đều đã thực hiện các biện pháp để thắt chặt kiểm soát đối với các sản phẩm địa phương. Moldova cũng đã tạm ngừng xuất khẩu lúa mì, ngô và đường từ tháng này.
Theo hãng tin Reuters (Anh), Ukraine thông báo sẽ cấm xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản bao gồm lúa mạch, đường và thịt cho đến cuối năm nay. Nga cũng đã cấm xuất khẩu lúa mì, lúa mạch đen, lúa mạch và ngô sang các nước láng giềng trong Liên minh Kinh tế Á-Âu cho đến ngày 30/6.
Ở chiều ngược lại, Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản (MAFF) đang tìm cách mua tổng cộng 104.483 tấn lúa mì từ Mỹ, Canada và Australia thông qua các cuộc đấu thầu định kỳ.