Tổng thống Putin: "Giá cả leo thang không phải do Nga"
Phát biểu tại một cuộc họp Chính phủ được truyền hình trực tiếp ngày 10/3/2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định, nước này vẫn đang tuân thủ các nghĩa vụ về cung cấp năng lượng, thông qua việc tiếp tục xuất khẩu dầu và khí đốt.
Nga tiếp tục tuân thủ các nghĩa vụ về cung cấp năng lượng
Tổng thống Putin cũng cho biết, những biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Moskva là không hợp pháp và “Moskva sẽ bình tĩnh giải quyết các vấn đề”.
Ông Putin nhấn mạnh, Moskva vẫn đang tôn trọng tất cả những nghĩa vụ cung cấp năng lượng, thậm chí cả hệ thống đường ống vận chuyển khí đốt qua Ukraine cũng vận hành 100% công suất như hợp đồng.
Tổng thống Nga nhận định, các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga đang ảnh hưởng tới chính những nước này, trong đó có Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Theo ông Putin, giá cả leo thang nhưng không phải do Nga mà là do các nước đã sai lầm trong tính toán các biện pháp.
Cũng liên quan đến mối quan hệ xuất nhập khẩu giữa Nga và thế giới, ngày 10/3, Nga thông báo cấm xuất khẩu hơn 200 sản phẩm và thiết bị nước ngoài đến cuối năm 2022. Đây được coi là một phần phản ứng của Moskva trước những biện pháp trừng phạt từ các nước phương Tây sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine từ cuối tháng 2. Danh sách cấm bao gồm các thiết bị công nghệ, liên lạc và y tế, các phương tiện, máy móc nông nghiệp và thiết bị điện. Lãnh đạo Nga cho rằng, biện pháp cần thiết để đảm bảo sự ổn định trên thị trường Nga. Biện pháp sẽ có ngoại lệ với các nước thành viên Liên minh kinh tế Á - Âu do Nga dẫn đầu và vùng Nam Ossetia và Abkhazia.
Ngoài ra, Chính phủ Nga cũng cấm xuất khẩu một số loại gỗ tới các nước “có hành động không thân thiện” với Moskva. Danh sách bao gồm 48 quốc gia, trong đó có các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ. Khoảng 20% diện tích rừng trên thế giới nằm ở Nga. Đây được coi là nguồn tài nguyên có thể khai thác để giúp Nga giảm phụ thuộc kinh tế vào các mặt hàng dầu mỏ và khí đốt.
Về hoạt động đầu tư, ngày 10/3/2022, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov cho biết, Nga đã tiến hành các biện pháp hạn chế dòng vốn đổ ra nước ngoài, đồng thời khẳng định Moskva sẽ thanh toán những khoản nợ nước ngoài bằng đồng ruble.
Kinh tế toàn cầu có nguy cơ đình trệ như năm 1970
Tổng thống Putin cảnh báo rằng, giá lương thực toàn cầu sẽ còn cao hơn nữa nếu phương Tây tiếp tục gia tăng sức ép kinh tế thông qua các biện pháp cô lập về tài chính và hậu cần với Nga và Belarus, những nước xuất khẩu phân bón hàng đầu thế giới.
Liên quan đến việc giá dầu và lương thực tăng mạnh, nhiều chuyên gia kinh tế dự báo, nền kinh tế toàn cầu có nguy cơ rơi vào tình trạng đình trệ như những năm 1970, với tăng trưởng chậm lại và lạm phát gia tăng.
Sự đình trệ sẽ bắt đầu với việc giá hàng hóa sản xuất và dịch vụ tăng mạnh theo giá vật liệu thô và năng lượng. Sự đình trệ này sẽ tiếp tục khi các nhà sản xuất tăng giá bán. Cùng với đó, do không thể mua hàng với mức giá cao, người tiêu dùng sẽ hạn chế chi tiêu, từ đó khiến nền kinh tế tăng trưởng chậm lại.
Người phụ trách đầu tư của Bailard, Eric Leve cho rằng, kinh tế toàn cầu và đặc biệt là châu Âu, có nguy cơ đình trệ như những năm 1970, khi giá hàng hóa tăng do các biện pháp trừng phạt và các biện pháp đáp trả. Điều này có thể khiến giá cả tăng, làm xấu thêm các vấn đề của chuỗi cung ứng và làm chậm tăng trưởng kinh tế.
Nhà phân tích Johan Palmberg của Hội đồng Vàng Thế giới cũng cùng chung nhận định về khả năng đình trệ, đặc biệt là với châu Âu, khi khu vực này tăng trưởng với tốc độ chậm và phụ thuộc vào dầu mỏ và khí đốt nhập khẩu.
Ông cho rằng, nguy cơ đình trệ đang gia tăng và châu Âu đang cảm nhận rõ nhất, khi giá hàng hóa tăng mạnh và điều kiện kinh tế cũng như tài chính yếu hơn. Ông Palmberg cảnh báo các nhà đầu tư chứng khoán khi giá cổ phiếu chịu tác động mạnh nhất, trong khi vàng tăng giá do đây là tài sản dự phòng trước lạm phát.
Chiến sự tạo thêm thách thức cho Việt Nam phục hồi tăng trưởng
Tại Việt Nam, chia sẻ góc nhìn về chiến sự giữa Nga - Ukraine mới đây, TS. Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, ông quan sát thấy, các biện pháp trừng phạt đối với Nga đang rất mạnh. Điều quan trọng, chưa chắc sự trừng phạt đã dừng lại, mà còn có thể tiếp tục leo thang hơn nữa. Theo đó, nhiều khả năng Nga sẽ có những phản ứng nào đó để đáp trả.
Cũng theo TS. Phan Đức Hiếu, chiến tranh tác động trực diện đến các hoạt động về vận tải, giao dịch hàng hóa, thương mại từ trên không, đường bộ, đường biển… Cùng với đó, các biện pháp trừng phạt kinh tế sẽ tác động đến hệ thống tài chính thế giới, từ đó ảnh hưởng đến Việt Nam. “Rất có thể tác động gián tiếp này sẽ ảnh hưởng đến sự phục hồi kinh tế của Việt Nam. Chúng ta hình dung, sự phục hồi kinh tế Việt Nam cũng phải phụ thuộc vào sự phục hồi của các thị trường chung, của các nước đối tác. Nay nhiều nền kinh tế ảnh hưởng thì chúng ta không thể yên tâm với các mục tiêu đặt ra”, ông Hiếu nói.