Giá cả leo thang ảnh hưởng thế nào đến phát triển kinh tế bền vững?

Theo Nguyễn Linh (T/h)/kinhtemoitruong.vn

Trong hoàn cảnh khó khăn của dịch bệnh, giá cả leo thang đã ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế bền vững. Bình ổn thị trường được coi là giải pháp tối ưu bảo đảm đời sống người dân.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Những yêu cầu đối với một nền kinh tế bền vững

Phát triển kinh tế bền vững (PTKTBV) được hiểu là sự tăng tiến nhanh, an toàn và có chất lượng về mọi mặt của nền kinh tế (như quy mô sản lượng, sự tiến bộ về cơ cấu kinh tế,…). Quá trình phát triển này đòi hỏi các chủ thể trong hệ thống kinh tế có cơ hội tiếp cận các nguồn lực và chia sẻ nguồn tài nguyên thiên nhiên một cách bình đẳng.

Các chính sách không chỉ tập trung mang lại lợi ích cho một số ít mà phải tạo ra sự thịnh vượng cho tất cả mọi người; đồng thời, bảo đảm trong một giới hạn cho phép của hệ sinh thái, không xâm phạm những quyền cơ bản của con người.

Mỗi nền kinh tế được coi là bền vững cần đạt được những yêu cầu sau: Có tăng trưởng GDP và GDP đầu người đạt mức cao. Nước phát triển có thu nhập cao vẫn phải giữ nhịp độ tăng trưởng, nước càng nghèo có thu nhập thấp càng phải tăng trưởng mức độ cao. Các nước đang phát triển trong điều kiện hiện nay cần tăng trưởng GDP vào khoảng 5%/năm thì mới có thể xem có biểu hiện phát triển bền vững về kinh tế.

Trường hợp có tăng trưởng GDP cao nhưng mức GDP bình quân đầu người thấp thì vẫn coi là chưa đạt yêu cầu phát triển bền vững.

Cơ cấu GDP cũng là vấn đề cần xem xét. Chỉ khi tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP cao hơn nông nghiệp thì tăng trưởng mới có thể đạt được bền vững. Tăng trưởng kinh tế phải là tăng trưởng có hiệu quả cao, không chấp nhận tăng trưởng bằng mọi giá.

Bình ổn giá để đảm bảo đời sống người dân

Về vấn đề bình ổn giá, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái nêu rõ, năm 2022 tình hình diễn biến hết sức phức tạp; hàng hóa, nhiên nguyên vật liệu đầu vào tăng cao sẽ ảnh hưởng tới lạm phát nước ta.

Nhưng ngay từ những ngày đầu năm 2022, Ban Chỉ đạo điều hành giá và cơ quan chức năng đã theo dõi sát tình hình; có chỉ đạo kịp thời, trên cơ sở đó các bộ ngành, địa phương đã tích triển khai các giải pháp điều hành giá.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá cao kết quả đạt được trong công tác điều hành chính sách tiền tệ, ổn định lãi suất, tăng trưởng tín dụng, điều hành tỉ giá linh hoạt để bảo đảm vốn cho nền kinh tế và các hoạt động thương mại quốc tế, xuất nhập khẩu. Đặc biệt, các chính sách tài khóa hỗ trợ thuế, phí, lệ phí cho người dân và doanh nghiệp triển khai kịp thời, nhanh chóng chính là những yếu tố góp phần thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát.

"Chúng ta đã triển khai các chính sách rất nhanh, hiệu quả tác động rất rõ, được nhân dân đồng tình, ủng hộ," Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh.

Theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, lạm phát năm 2022 dự báo nhiều áp lực tăng. Bộ Tài chính đã đánh giá và đưa ra các kịch bản giá trong điều hành, chủ yếu dựa trên cơ sở mức tăng giá xăng dầu.

Do đó, cần căn cứ tình hình thực tế, có phương án điều hành phù hợp cũng như phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát cũng như ổn định đời sống của người dân. Bộ Tài chính cũng cần xây dựng thêm kịch bản, "lường trước tình huống xấu hơn" để có giải pháp ứng phó phù hợp.

Đánh giá cao vai trò của công tác thông tin, tuyên truyền, Phó Thủ tướng đề nghị cần tiếp tục chú trọng công tác tuyên truyền, công khai minh bạch thông tin về giá để kiểm soát lạm phát kỳ vọng; hạn chế những thông tin thất thiệt gây hoang mang cho người tiêu dùng và gây bất ổn thị trường.