Giá dầu "bỏng tay", Châu Á “mắc kẹt”

Theo Diễm Ngọc/diendandoanhnghiep.vn

Các lệnh trừng phạt Nga do Mỹ dẫn đầu khiến các nước châu Á chịu thêm áp lực, trong bối cảnh sự tác động phức tạp đang đè nặng lên giá năng lượng, cũng như các mối quan hệ thương mại và kinh tế.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Chiến sự Nga - Ukraine với các lệnh trừng phạt gia tăng, lo ngại cung cấp khí đốt từ Nga cho châu Âu ngày càng đẩy giá dầu leo thang khiến cả thế giới dường như đang quay cuồng ứng phó với một cuộc khủng hoảng nhanh chóng vượt ngoài tầm kiểm soát.

Theo phân tích của GS. Syed Munir Khasru, Chủ tịch tổ chức tư vấn quốc tế, vốn dĩ Nga đã bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt từ năm 2014 sau khi sáp nhập Crimea và phải dùng các biện pháp can thiệp để dần thoát khỏi đồng đô la Mỹ, đồng thời củng cố mối quan hệ với Trung Quốc và đồng Nhân dân tệ. Khi căng thẳng với Ukraine bắt đầu tăng trở lại vào tháng 7/2021, quỹ tài sản có chủ quyền trị giá 186 tỷ USD của Nga cho biết, họ đã bán toàn bộ số USD của mình để giữ 30,4% giá trị bằng Nhân dân tệ và 20,2% bằng vàng.

Vài tuần trước khi cuộc chiến xảy ra, Nga đã công bố các thỏa thuận dầu khí trị giá 117,5 tỷ USD với Trung Quốc. Thương mại song phương đã tăng từ 4,87 tỷ USD năm 1995 lên 105 tỷ USD năm 2019, dự kiến sẽ đạt 200 tỷ USD vào năm 2024 . Nhưng thương mại với phần còn lại của thế giới sẽ bị tổn hại nặng nề.

“Các biện pháp trừng phạt được đưa ra, nhằm đánh vào thương mại của Nga với Liên minh châu Âu, đối tác lớn nhất của khối này, trị giá khoảng 219 tỷ USD vào năm 2020. Mỹ, Anh và EU đã đóng băng tài sản của các tổ chức tài chính và giới tài phiệt Nga. Các đồng minh từ Australia, Nhật Bản đến Hàn Quốc và Đài Loan đang tham gia các lệnh trừng phạt, có khả năng khiến Nga mất hơn 11 tỷ USD doanh thu xuất khẩu mỗi năm, bao gồm cả việc cấm trái phiếu của Nga”, vị GS nhận định.

Bên cạnh đó, cuộc chiến cũng có nguy cơ khiến hoạt động thương mại của Ukraine trở nên tồi tệ và có khả năng ảnh hưởng đến Trung Quốc. Ukraine là nhà cung cấp ngô lớn nhất của Trung Quốc khi bán hơn 1/3 sản lượng thu hoạch cho nước này, thị trường xuất khẩu tổng thể lớn nhất của Ukraine với giá trị 8 tỷ USD vào năm ngoái. Đổi lại, Trung Quốc, nước phụ thuộc vào Ukraine với 30% nhu cầu ngô, đã đầu tư rất nhiều vào Ukraine trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường. Bên cạnh đó, cuộc chiến còn ảnh hưởng đến các thỏa thuận thương mại tự do của Ukraine với các nước như Singapore. Kể từ năm 2014, Ukraine đã dần dần lùi lại việc tham gia vào Cộng đồng các quốc gia độc lập, trong đó có Nga.

GS. Syed Munir Khasru dự báo thêm rằng, trong bối cảnh giá năng lượng tăng vọt, với giá dầu tăng lên mức chưa từng thấy kể từ năm 2014. Giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu, đã gấp bốn lần mức năm ngoái, thậm chí còn tăng thêm. Lạm phát tại khu vực này, vốn đã ở mức cao một cách bất ngờ với mức 5,1% vào tháng trước có thể sẽ còn tăng cao hơn nữa. “Đáng chú ý, có tới 40% lượng khí đốt nhập khẩu của EU đến từ Nga. Đức đã tạm dừng Nord Stream 2 - dự án đường ống dẫn khí gây tranh cãi của Nga, sau khi Nga chuyển sang công nhận các khu vực do phe ly khai ở miền đông Ukraine. Cuộc khủng hoảng đang làm xấu đi quan hệ giữa Nga với EU, kéo theo vấn đề an ninh năng lượng của EU sẽ xấu đi”.

Tại Hội nghị thượng đỉnh về khí đốt được tổ chức ở Qatar mới đây với Diễn đàn các nước xuất khẩu khí đốt (GECF) gồm 11 quốc gia, bao gồm cả Nga, các thành viên đã tìm hiểu, liệu châu Á có thể lấp đầy khoảng trống trong cuộc khủng hoảng năng lượng châu Âu hay không? Sau khi phân tích kỹ lưỡng, Diễn đàn kết luận rằng, hầu hết các quốc gia sản xuất khí đốt có rất ít năng lực dự phòng để đáp ứng khoảng cách quá lớn.

Với giá dầu “sôi động” như hiện nay, các quốc gia ở châu Á phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu dầu cũng bắt đầu rất lo lắng, bao gồm Hàn Quốc, quốc gia nhập khẩu tới 92% nhu cầu năng lượng và Ấn Độ, nhà nhập khẩu dầu lớn thứ ba thế giới, mới đang hồi phục sau đại dịch COVID-19.

Với sự phân cực quyền lực toàn cầu mới đang nổi lên, với việc phương Tây do Mỹ dẫn đầu chống lại liên minh Trung - Nga mới nổi, nhiều quốc gia ở châu Á có thể thấy mình ngày càng “bức bối” khi phải chọn một bên hoặc bị ép ở giữa. Có thể có nhiều áp lực hơn từ Mỹ trong việc gia nhập các lệnh trừng phạt, hoặc thu hẹp quan hệ kinh tế với Nga, ngay cả khi địa chính trị khu vực đó không được coi là một phần của phe chống Nga, hoặc trục Trung – Nga.

Ví dụ Ấn Độ có quan hệ kinh tế mạnh mẽ với Nga, với thương mại song phương hàng năm trị giá khoảng 10 tỷ USD, dự kiến sẽ tăng lên 30 tỷ USD vào năm 2025. Tuy nhiên, Ấn Độ cũng là một phần của Đối thoại An ninh Tứ giác do Mỹ dẫn đầu, được nhiều người coi là liên minh chống lại sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc ở châu Á.

Các tác động của cuộc xung đột sẽ vượt xa biên giới của châu Âu, với những tác động kinh tế và địa chính trị đáng kể đối với châu Á, vốn sẽ ngày càng trở nên phức tạp.

Đơn cử như tại Singapore, theo một tuyên bố từ Bộ Ngoại giao nước này, Singapore sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đơn phương chống lại Nga, bao gồm việc áp đặt kiểm soát xuất khẩu đối với các mặt hàng có thể được sử dụng làm vũ khí; các biện pháp tài chính được nhắm vào các ngân hàng Nga được chỉ định; và hạn chế đối với các giao dịch tiền điện tử có thể được sử dụng để tránh các lệnh trừng phạt tài chính.

“Đối với một quốc gia nhỏ như Singapore, đây không phải là một nguyên tắc lý thuyết, mà là một tiền lệ nguy hiểm. Cho nên Singapore lên án mạnh mẽ cuộc tấn công của Nga vào Ukraine”, Bộ Ngoại giao Singapore cho biết.

Ngay lập tức, Quỹ tài sản có chủ quyền của Singapore (GIC) cho biết họ sẽ ngừng đầu tư tiền của Chính phủ vào khoản nợ ngân hàng trung ương và chính phủ Nga mới phát hành. “GIC tiếp tục đánh giá tình hình Nga-Ukraine và sẽ đảm bảo tuân thủ tất cả các luật và quy định hiện hành”.

Các ngân hàng lớn nhất của Singapore đã hạn chế tài trợ thương mại cho nguyên liệu thô của Nga, bao gồm việc ngừng phát hành bằng đô la Mỹ cho các giao dịch liên quan đến dầu và khí đốt tự nhiên hóa lỏng. Singapore Airlines cũng đã đình chỉ tất cả các dịch vụ khứ hồi với Moscow vì lý do hoạt động.