Giá dầu sụt mạnh bởi dự báo nhu cầu thấp


Nhóm OPEC+ bao gồm thành viên thuộc tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và liên minh vào cuối tuần trước đã đồng ý cắt giảm sản lượng tự nguyện khoảng 2,2 triệu thùng dầu/ngày trong quý đầu năm 2024.

Phiên giao dịch ngày thứ Tư, giá dầu hạ gần 4% xuống mức thấp nhất tính từ tháng 6/2023, bởi những nỗi lo về nhu cầu năng lượng toàn cầu tăng lên sau khi số liệu mới công bố cho thấy dự trữ xăng tăng cao hơn kỳ vọng của các chuyên gia.

Đóng cửa phiên giao dịch, giá dầu Brent giao hợp đồng tương lai hạ 2,9USD/thùng, tương đương 3,8%, xuống 74,3USD/thùng trên thị trường London. Giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giảm 2,94USD/thùng, tương đương 4,1%, xuống 69,38USD/thùng.

“Rõ ràng có những dấu hiệu cho thấy nhu cầu suy giảm. Thị trường hiện đang tập trung nhiều hơn vào các yếu tố cầu chứ không phải nguồn cung”, Phó Chủ tịch cao cấp Phụ trách Đầu tư tại BOK Financial - ông Dennis Kissler phân tích.

Nỗi lo về “sức khỏe” của kinh tế Trung Quốc cũng như nhu cầu nhiên liệu tương lai đồng thời gây sức ép lên giá dầu. Trước đó một ngày, Tổ chức Xếp hạng tín nhiệm Moody đã hạ triển vọng của Trung Quốc xuống mức “tiêu cực” từ mức “ổn định” trước đó.

Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) công bố dự trữ xăng tại Mỹ trong tuần trước tăng 5,4 triệu thùng, cao hơn 1 triệu thùng so với kỳ vọng của các chuyên gia. Giá xăng giao tương lai trên thị trường Mỹ rơi xuống mức thấp nhất trong gần 2 năm.

“Dù rằng không phải mùa tiêu thụ cao điểm, nhu cầu xăng dầu của người tiêu dùng trong dịp Lễ Tạ ơn ở mức thấp”, chuyên gia tại Quỹ Again Capital LLC – ông John Kilduff khẳng định.

Đồng USD đồng thời tăng giá lên ngưỡng cao nhất trong 2 tuần, yếu tố này gây sức ép lên nhu cầu dầu bởi nó khiến cho dầu trở nên đắt đỏ hơn đối với nhà đầu tư sở hữu nhiều loại tiền tệ khác.

Việc dự trữ dầu thô Mỹ đột ngột giảm sâu không hỗ trợ được giá dầu. Dự trữ dầu thô Mỹ hạ 4,6 triệu thùng, cao hơn so với mức giảm 1,4 triệu thùng theo dự báo của các chuyên gia.

Nhóm OPEC+ bao gồm thành viên thuộc tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và liên minh vào cuối tuần trước đã đồng ý cắt giảm sản lượng tự nguyện khoảng 2,2 triệu thùng dầu/ngày trong quý đầu năm 2024.

Trong tuần này, các quan chức Saudi Arabia và Nga khẳng định, việc cắt giảm sản lượng sẽ ngăn dự trữ dầu thô trong quý I/2024 tăng lên. Việc cắt giảm sản lượng này có thể được kéo dài hoặc gia tăng mức sụt giảm.

Dù rằng OPEC+ giảm sản lượng, giá dầu đã giảm gần 11% tính từ mức đóng cửa ngày 29/11/2023, chỉ một ngày trước khi OPEC+ có cuộc họp.

Vào ngày thứ Tư, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đến Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Saudi Arabia để gặp gỡ Tổng thống UAE Sheikh Mohammed Bin Zayed Al Nahyan và Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman để bàn về vấn đề sản lượng dầu cũng như OPEC+.

Tại COP28 mới đây, số lượng các đại diện đến từ doanh nghiệp dầu và khí đốt đông áp đảo so với các ngành nghề khác, đây là dấu hiệu cho thấy ngành năng lượng thế giới đang cố gắng tạo ra ảnh hưởng chính sách về biến đổi khí hậu toàn cầu.

Theo Financial Times, ước tính có đến khoảng 2.450 đại diện đến từ nhóm các doanh nghiệp sản xuất nhiên liệu hóa thạch.

Tại COP28 không chỉ có sự xuất hiện của nhiều nhà điều hành doanh nghiệp năng lượng toàn cầu mà còn cả nhiều tổ chức vận động hành lang cũng như nhóm thương mại công khai ủng hộ cho ngành nhiên liệu hóa thạch.

Theo Đăng Tuấn/thitruongtaichinhtiente.vn