OPEC hạ dự báo nhu cầu dầu mỏ thế giới năm 2022
Ngày 11/8, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã cắt giảm dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ trong năm 2022. Đây là lần thứ 3 kể từ tháng 4/2022 cơ quan này hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu thế giới do những lo ngại về tác động kinh tế từ cuộc xung đột Ukraine, lạm phát cao và dịch bệnh COVID-19.
Trong báo cáo định kỳ hàng tháng, OPEC nhận định nhu cầu dầu thế giới sẽ tăng 3,1 triệu thùng/ngày, giảm 260.000 thùng/ngày so với dự báo được đưa ra tháng trước đó. Ngoài ra, OPEC vẫn giữ nguyên dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu năm 2023 ở mức 2,7 triệu thùng/ngày, với tổng nhu cầu dầu trung bình là 102,72 triệu thùng/ngày.
OPEC cũng cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022 từ 3,5% xuống 3,1% và hạ mức tăng trưởng cho năm 2023 xuống 3,1%.
Trong khi OPEC hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu thế giới trong năm nay thì Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) lại có quan điểm hoàn toàn trái ngược.
Trong báo cáo hàng tháng, IEA cho biết hiện giá điện và khí đốt tự nhiên đã tăng lên mức kỷ lục mới, điều này đã thúc đẩy việc chuyển đổi từ khí đốt sang dầu mỏ ở một số quốc gia. Vì vậy, IEA đã nâng triển vọng nhu cầu về dầu trong năm 2022 thêm 380.000 thùng/ngày, lên 2,1 triệu thùng/ngày. IEA dự kiến nhu cầu dầu toàn cầu cho năm nay đạt trung bình 99,7 triệu thùng/ngày.
OPEC cho biết, nền kinh tế thế giới đang phải đối mặt với nhiều thách thức như căng thẳng địa chính trị, tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, đại dịch COVID-19 kéo dài, lạm phát gia tăng, mức nợ Chính phủ tăng cao ở nhiều khu vực và viêc môt số ngân hàng trung ương dự báo tiếp tục chính sách thắt chặt tiền tệ đã khiến cơ quan này hạ dự báo nhu cầu dầu mỏ cũng như tăng trưởng kinh tế toàn cầu 2022.
OPEC và các đồng minh do Nga dẫn đầu, còn gọi là OPEC+ đang tăng sản lượng dầu sau khi cắt giảm kỷ lục vào năm 2020 trong bối cảnh nhu cầu sụt giảm do tác động của đại dịch COVID-19 và các lệnh phong tỏa trên toàn cầu.
Trong những tháng gần đây, OPEC+ đã không thể đạt được mức tăng sản lượng theo kế hoạch do một số thành viên OPEC không đầu tư vào các mỏ dầu và việc dầu mỏ của Nga bị cấm vận do xung đột tại Ukraine.
Báo cáo cho thấy, sản lượng dầu của OPEC trong tháng 7/2022 tăng 162.000 thùng/ngày lên 28,84 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên, mức tăng này thấp hơn so với mức cam kết trước đó.
OPEC cũng dự báo, tăng trưởng sản xuất ở các quốc gia ngoài OPEC vẫn không thay đổi ở mức tăng 1,7 triệu thùng/ngày và đạt trung bình 67,5 triệu thùng/ngày. OPEC cho biết, các động lực chính cho tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ vào năm 2023 dự kiến sẽ là Mỹ, Na Uy, Brazil, Canada và Guyana.