Giá dầu thấp là cơ hội cải cách tài chính

Theo tapchithue.com.vn

(Tài chính) Sự phục hồi dần của các nền kinh tế cùng với xu hướng suy giảm giá nhiên liệu kéo dài, sẽ giúp các nước đang phát triển ở vực Đông Á- Thái Bình Dương duy trì kết quả tăng trưởng và có thêm cơ hội để thúc đẩy cải cách tài chính. Đó là những thông tin chính từ Báo cáo cập nhật kinh tế Khu vực Đông Á- Thái Bình Dương (Báo cáo) do Ngân hàng Thế giới đã công bố ngày 13/4 tại Hà Nội.

Giá dầu thấp sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng ở hầu hết các nước. Nguồn: internet
Giá dầu thấp sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng ở hầu hết các nước. Nguồn: internet
Ông Axel van Trotsenburg, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới khu vực Đông Á và Thái Bình Dương nhận định, giá dầu thấp sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng ở hầu hết các nước trong khu vực, đồng thời cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách cơ hội để cải cách tài chính và định hướng lại chi tiêu công ở nhiều lĩnh vực. Những cải cách này có thể cải thiện khả năng cạnh tranh của khu vực Đông Á và giúp khu vực này có thêm động cơ tăng trưởng kinh tế.

Theo hướng này, ông Axel van Trotsenburg cho rằng, giá dầu thế giới thấp thì hầu hết các nước đang phát triển ở Đông Nam Á sẽ được hưởng lợi, đặc biệt là Campuchia, Lào, Philippines, Thái Lan và các quốc đảo Thái Bình Dương. Ngược lại Malaysia và Papua New Guinea sẽ tăng trưởng chậm hơn, do phải gánh chịu những khoản tổn thất nhỏ về GDP. Còn tại Indonesia, các tác động ròng sẽ phụ thuộc vào việc giá than và khí đốt xuất khẩu sẽ biến động như thế nào theo giá dầu.
 
Đồng quan điểm, ông Sudhir Shetty, kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới khu vực Thái Bình Dương cho biết, triển vọng giá nhiên liệu thế giới duy trì ở mức thấp đồng nghĩa với cơ hội để xóa bỏ trợ giá nhiên liệu và tăng thuế nhiên liệu một cách rộng rãi hơn nhằm giảm tình trạng kém hiệu quả và giúp khắc phục những thách thức về tài khóa. Bởi trên thực tế, việc trợ giá nhiên liệu và các miễn giảm thuế liên quan đã gây khó khăn cho tài chính công và làm suy yếu cán cân vãng lai ở nhiều nước xuất khẩu và nhập khẩu nhiên liệu trong khu vực.

Để giải quyết những rủi ro này, ông Sudhir Shetty khuyến nghị, cải thiện chính sách tài chính chính là chìa khóa giúp quản lý được những rủi ro. Tại đa số các nền kinh tế lớn, việc kết hợp giữa củng cố ngân sách sẽ giúp tạo ra dư địa tài khóa cho các hoạt động đầu tư nhằm tăng cường năng suất và các chương trình bảo hiểm và an sinh xã hội có trọng tâm. Trong trung hạn, báo cáo cho biết, các nước cần mở rộng và nâng cấp cơ sở hạ tầng vật lý và cải thiện tiếp cận công khai giáo dục đại học và chăm sóc sức khỏe. Về lâu dài, các nước cần tìm cách để duy trì sự tăng trưởng năng suất, có chi phí chăm sóc sức khỏe và mở rộng các cơ sở doanh thu cho an sinh xã hội.