Gia hạn tiền thuế: Thêm "phao cứu sinh" cho doanh nghiệp giữa đại dịch


Đề xuất gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất lên tới hơn 80.200 tỷ đồng của Bộ Tài chính tại dự thảo Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất vừa trình Chính phủ được xem là một giải pháp thiết thực giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn trước tác động bất lợi của đại dịch Covid-19. Các chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp đều đánh giá cao và mong chờ Nghị định sớm được ban hành.

Các chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp đều đánh giá cao và mong chờ Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất sớm được ban hành. Nguồn: internet
Các chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp đều đánh giá cao và mong chờ Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất sớm được ban hành. Nguồn: internet

Nghị định sẽ có hiệu lực ngay từ ngày ký

Theo dự thảo Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất vừa được Bộ Tài chính trình Chính phủ, Bộ Tài chính đề xuất gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT) với số tiền hơn 61.600 tỷ đồng; thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) hơn 11.100 tỷ đồng; thuế của nhóm cá nhân, hộ kinh doanh là hơn 3.000 tỷ đồng; tiền thuế thuê đất hơn 4.500 tỷ đồng. Tổng số tiền gia hạn nộp thuế theo đề xuất là hơn 80.200 tỷ đồng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh chịu nhiều tác động từ dịch bệnh Covid-19.

Đối tượng được áp dụng gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất là các doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh hoạt động sản xuất trong các ngành kinh tế: nông nghiệp và hoạt động dịch vụ có liên quan, lâm nghiệp và hoạt động dịch vụ có liên quan, khai thác, nuôi trồng thuỷ sản; sản xuất, chế biến thực phẩm; dệt; sản xuất trang phục, sản xuất giày, dép, sản xuất sản phẩm từ cao su, sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học; sản xuất ô tô và xe có động cơ khác (trừ sản xuất ô tô chở người từ 09 chỗ ngồi trở xuống).

Luật sư Hà Huy Phong – Giám đốc Công ty Luật TNHH Inteco
Luật sư Hà Huy Phong – Giám đốc Công ty Luật TNHH Inteco

Những biện pháp hỗ trợ về thuế cho DN không chỉ có ý nghĩa giúp giảm bớt khó khăn ở thời điểm hiện tại, mà còn có ý nghĩa khích lệ, động viên DN nỗ lực nhanh chóng ổn định sản xuất, tiếp tục phát triển khi dịch bệnh kết thúc. 

Doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh hoạt động kinh doanh trong các ngành kinh tế vận tải đường sắt; vận tải hành khách bằng xe buýt; vận tải đường bộ khác; vận tải đường thủy; vận tải hàng không; kho bãi và các hoạt động hỗ trợ cho vận tải; dịch vụ lưu trú; dịch vụ ăn uống; hoạt động của các đại lý du lịch, kinh doanh tua du lịch và các dịch vụ hỗ trợ, liên quan đến quảng bá và tổ chức tua du lịch; giáo dục và đào tạo; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội; hoạt động sáng tác, nghệ thuật và giải trí; hoạt động thể thao; hoạt động của các vườn bách thảo, bách thú và khu bảo tồn tự nhiên; hoạt động của các công viên vui chơi và công viên theo chủ đề; hoạt động chiếu phim.

Doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ được xác định theo quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ cũng là đối tượng được gia hạn thuế.

Để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với dịch Covid-19, Bộ Tài chính đề xuất Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất sẽ có hiệu lực ngay khi được ký ban hành. Đồng thời, để đơn giản hoá thủ tục hành chính, người nộp thuế chỉ gửi 1 lần Giấy đề nghị gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp cho toàn bộ các kỳ được gia hạn và thời hạn nộp Giấy đề nghị gia hạn chậm nhất vào ngày 30/7/2020.

Hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua đại dịch

Đánh giá cao đề xuất của Bộ Tài chính tại dự thảo Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất, ông Mạc Quốc Anh – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội cho rằng, đề xuất gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất cho DN, cá nhân kinh doanh, hộ gia đình của Bộ Tài chính là rất hợp lý và cần thiết.

"Bộ Tài chính đã xác định đúng và trúng các đối tượng, ngành nghề kinh tế đang bị ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề bởi Covid-19 được gia hạn như: nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; sản xuất chế biến thực phẩm; dệt; sản xuất giày dép; sản xuất điện tử, máy vi tính; sản xuất và lắp ráp ôtô; vận tải; dịch vụ lưu trú, dịch vụ ăn uống; du lịch... Như vậy, với khoảng hơn 90% DN thuộc đối tượng được gia hạn thuế sẽ có thể yên tâm ổn định sản xuất - kinh doanh, vượt qua khó khăn." - ông Mạc Quốc Anh nhấn mạnh.

Ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam
Ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam

Việc Bộ Tài chính gia hạn thuế, miễn tiền chậm nộp thuế cho các DN là một trong những giải pháp quan trọng, cấp bách để “cứu” DN thoát khỏi hoàn cảnh khốn khó.

Bàn về Dự thảo Nghị định trên, Luật sư Hà Huy Phong – Giám đốc Công ty Luật TNHH Inteco đánh giá cao việc Bộ Tài chính đã triển khai tối đa những chính sách hỗ trợ DN mà pháp luật hiện hành cho phép. Điều này thể hiện những nỗ lực của cơ quan quản lý nhà nước trong việc đồng hành, hỗ trợ DN, nhằm vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19.

Theo ông Phong, các chính sách gia hạn các khoản tiền thuế, tiền thuê đất phải nộp giúp DN được giữ lại một khoản tài chính tương đối để bù đắp vào các khoản chi phí nhân công, chi phí quản lý… cũng như cân đối, tính toán nguồn tài chính. Từ đó, DN có thể duy trì sản xuất ở mức tối thiểu và sẵn sàng tinh thần cho việc vực dậy, đẩy mạnh phát triển sau khi dịch bệnh đi qua.

Luật sư Phong kỳ vọng, những biện pháp hỗ trợ về thuế cho DN không chỉ có ý nghĩa giúp giảm bớt khó khăn ở thời điểm hiện tại, mà còn có ý nghĩa khích lệ, động viên DN nỗ lực nhanh chóng ổn định sản xuất, tiếp tục phát triển khi dịch bệnh kết thúc. 

Với vai trò đại diện một hiệp hội doanh nghiệp, ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, hiện nay, DN Việt đang rơi vào tình trạng vướng mắc tứ bề, gặp khó khăn về cả nguồn cung và cầu, trong khi nguồn nhập khẩu nguyên vật liệu đang bị hạn chế, sản xuất đình trệ; nhu cầu tiêu thụ tại thị trường nội địa và xuất khẩu đều suy giảm đáng kể khiến cho doanh thu của DN giảm. 

Do đó, ông Cẩm cho rằng, việc Bộ Tài chính gia hạn thuế, miễn tiền chậm nộp thuế cho các DN là một trong những giải pháp quan trọng, cấp bách để “cứu” DN thoát khỏi hoàn cảnh khốn khó. Thông qua việc gia hạn nộp thuế sẽ tạo điều kiện để DN tăng nguồn lực, góp phần hỗ trợ về vốn cho DN.

"Là một trong những đối tượng được gia hạn nộp thuế, DN ngành dệt may sẽ được tiếp sức, tránh nguy cơ phải rời khỏi thị trường, nhất là những DN nhỏ và siêu nhỏ." - ông Cẩm tin tưởng.