Gia nhập AEC: Nhà nước cần tăng cường vai trò "bà đỡ" cho doanh nghiệp
Để hội nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và rộng hơn là thị trường thế giới thành công, việc liên kết lại trong các chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng là việc doanh nghiệp (DN) cần phải ưu tiên thực hiện, nếu DN Việt muốn cạnh tranh sòng phẳng với các DN trong khu vực ASEAN.
Đây là thông tin được đưa ra tại Diễn đàn “Doanh nghiệp Việt Nam hướng tới AEC 2015” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế, Bộ Ngoại giao tổ chức ngày 13/12, tại Hà Nội.
Cơ hội lớn cho Việt Nam
Ông Lê Triệu Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) cho biết, AEC được xây dựng dựa trên 4 trụ cột gồm: thị trường chung và không gian sản xuất thống nhất; một khu vực kinh tế cạnh tranh; phát triển kinh tế đồng đề và hội nhập với nền kinh tế toàn cầu. Trên cơ sở 4 trụ cột này, hiện ASEAN đang xây dựng lộ trình cho 10 năm tiếp theo.
Cũng theo ông Dũng, sự hình thành AEC và việc triển khai Tầm nhìn cộng đồng ASEAN 2025 sẽ có những tác động lớn đến Việt Nam nói chung và cộng đồng DN nói riêng.
Đối với nền kinh tế, tham gia vào AEC, Việt Nam sẽ có cơ hội tăng xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó là các cơ hội tăng công ăn việc làm, nâng cao thu nhập và góp phần xoá đói giảm nghèo. Ngoài ra, AEC cũng là động lực giúp Việt Nam tái cơ cấu nền kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh, cơ cấu lại thị trường xuất nhập khẩu theo hướng cân bằng hơn, tham gia vào các chuỗi cung ứng mới...
Ông Nguyễn Hồng Cường, Vụ trưởng Vụ ASEAN, Bộ Ngoại giao cho rằng, đối với cộng đồng DN, AEC mang đến những tác động hai chiều trực tiếp đến DN. Ở mặt tích cực, các DN sẽ có môi trường kinh doanh rộng lớn hơn và thuận lợi hơn, có thị trường tiêu thụ sản phẩm rộng lớn hơn, có điều kiện nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua quy mô, năng suất và giảm chi phí sản xuất; thuận lợi hơn khi đầu tư ra các nước ASEAN khác…
Tuy nhiên, AEC cũng mang lại nhiều thách thức như DN sẽ phải cạnh tranh hàng hóa vô cùng lớn với các nước trong khu vực, trong khi trình độ phát triển thấp hơn, sản phẩm lại có sự tương đồng với nhiều nước; dịch vụ kém cạnh tranh hơn; thách thức từ sự lưu chuyển lao động và thách thức trong quản lý dòng vốn…
Liên kết để tạo sức mạnh
Bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng Thư ký VCCI cho rằng, đứng trước tiến trình hội nhập rất nhanh nhưng hiện DN Việt Nam vẫn còn tồn tại nhiều điểm hạn chế.
Trước hết, năng suất lao động thấp do khu vực tư nhân chưa phát triển mạnh. Hiện phần lớn DN tư nhân có quy mô nhỏ, manh mún, mang nặng tính gia đình, tính liên kết lỏng lẻo. “Có đến 96% DN khu vực tư nhân đang hoạt động thuộc nhóm nhỏ và siêu nhỏ, chỉ 4% còn lại thuộc DN lớn và vừa. Bên cạnh đó là 4,6 triệu hộ kinh doanh các thể hoạt động dưới dạng phi chính thức hoặc bán chính thức. Quy mô nhỏ và không chính thức, cản trở việc tăng năng suất thông qua tính hiệu quả và chuyên môn hóa”, bà Hằng nhấn mạnh.
Thứ hai, mức độ tham gia của DN vào chuỗi giá trị toàn cầu thấp. Theo bà Hằng, DN trong nước gặp khó khăn trong việc di chuyển lên chuỗi giá trị nên đã tạo ra hai tầng DN hoạt động tách biệt: DN trong nước và DN FDI. Chính vì vậy, trong quá trình hội nhập, cùng với sự xuất hiện của các dự án đầu tư lớn từ các tập đoàn đa quốc gia như Samsung, LG, Microsoft, Intel… thì cũng xuất hiện cơ hội tốt để DN trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, tuy nhiên, DN Việt đã không thể thực sự tận dụng tốt cơ hội này.
Thứ ba, nhận thức của các DN về các cam kết kinh tế, thương mại mới còn hạn chế, chủ yếu do sự thiếu chủ động nắm bắt thông tin của chính DN...
Trước thực trạng đó, bà Hằng cho rằng, tiến trình hội nhập sẽ không chờ đợi một DN nào, bởi vậy, từng cơ sở sản xuất phải có giải pháp chủ động đổi mới về quản trị, xây dựng một tầm nhìn kinh doanh chiến lược là điều cấp thiết hiện nay.
Đặc biệt, điểm rất quan trọng là các DN cần tăng cường tính liên kết theo chuỗi giá trị và liên kết trong các hiệp hội DN. “Chưa bao giờ, cộng đồng DN Việt Nam lại cần phải liên kết lại trong các chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng như lúc này, để có thể gia tăng về giá trị và năng lực, đồng thời gia tăng về số lượng và khả năng đáp ứng nhu cầu thị trường ASEAN và rộng hơn là thị trường thế giới”, bà Hằng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, từ góc độ DN, ông Ngô Minh Hải, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn TH Truemilk cho rằng, để đứng vững trong môi trường đầy thách thức của bối cảnh hội nhập, DN không nên quá mải mê đi tìm các lợi thế so sánh với các thị trường khác trong khu vực, mà cần phải biết chú trọng xây dựng nội lực của chính mình để có được những vị trí cao trong các chuỗi giá trị toàn cầu.
Ngoài ra, ông Hải cũng cho rằng, nhà nước cần tăng cường thể hiện vai trò là “bà đỡ” cho các DN khi hội nhập bằng việc tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh, hành lang pháp lý thông thoáng và minh bạch, vì chỉ có minh bạch mới bảo vệ được các DN chân chính và chỉ có những DN chân chính mới có những bước tiến ra biển lớn trên con đường hội nhập quốc tế.