Gia tăng tình trạng “trốn” đóng bảo hiểm

Theo baocongthuong.com.vn

Theo số liệu của Bảo hiểm xã hội Việt Nam hiện cả nước có khoảng 500.000 doanh nghiệp đang hoạt động, tuy nhiên chỉ có 200.000 doanh nghiệp đang tham gia Bảo hiểm xã hội.

Hiện tình trạng nợ đọng, trốn đóng Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đang xảy ra ở hầu hết các địa phương trong cả nước.
Hiện tình trạng nợ đọng, trốn đóng Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đang xảy ra ở hầu hết các địa phương trong cả nước.

Xâm hại quyền lợi người lao động

Hiện tình trạng nợ đọng, trốn đóng Bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đang xảy ra ở hầu hết các địa phương trong cả nước.

Nhiều doanh nghiệp cố tình dây dưa nợ đọng tiền đóng bảo hiểm (BH) của người lao động, thậm chí có tình trạng doanh nghiệp đã thu tiền của người lao động (trừ tiền lương) nhưng lại sử dụng vào những mục đích khác.

Thậm chí, ở một số địa phương, còn diễn ra tình trạng một số doanh nghiệp “bán chui” các nhà xưởng và tài sản cho người khác để trốn nợ BH, dẫn đến tình trạng là doanh nghiệp cũ “biến mất” còn doanh nghiệp mới chối bỏ trách nhiệm về những khoản nợ BH hàng chục tỷ đồng.

Hậu quả nghiêm trọng của tình trạng nợ, trốn đóng không chỉ thiệt hại về vật chất, ảnh hưởng đến Quỹ BH mà còn xâm hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động. Mặt khác còn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn, cân đối quỹ cũng như làm giảm tính nghiêm minh của pháp luật và mục tiêu về các chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước.

Nguyên nhân của tình trạng trốn đóng và chậm đóng BH chủ yếu là ý thức chấp hành pháp luật BHXH của một số chủ sử dụng lao động chưa nghiêm, nhất là khu vực ngoài nhà nước, thường trốn đóng, chậm đóng, chiếm dụng tiền đóng vào quỹ BH của người lao động.

Đặc biệt là chưa nhận thức đầy đủ về trách nhiệm, chưa quan tâm đến quyền lợi của người lao động. Nhiều tổ chức công đoàn cơ sở chưa mạnh dạn đấu tranh bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Còn người lao động thì sợ mất việc làm nên không dám đấu tranh đòi quyền lợi hợp pháp của mình.

Cần sự vào cuộc đồng bộ

Để khắc phục tình trạng trốn, chậm đóng BH, ông Trần Đình Liệu cho rằng, ngoài sự chủ động của ngành BHXH, cũng rất cần sự vào cuộc và cùng chia sẻ trách nhiệm của các bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương.

Trong đó 5 cơ quan gồm: Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Thanh tra Chính phủ, BHXH Việt Nam cần phải tăng cường phối hợp giám sát liên ngành thực hiện pháp luật về BHXH.

Đối với BHXH Việt Nam, theo ông Trần Đình Liệu, cơ quan này sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động, giáo dục với nhiều hình thức để nâng cao nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, chủ sử dụng lao động và người lao động về ý nghĩa, tầm quan trọng của chính sách BHXH, BHYT, BHTN.

Tích cực chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố thường xuyên trao đổi thông tin với cơ quan thuế, kế hoạch - đầu tư, ban quản lý các khu công nghiệp... về đăng ký doanh nghiệp, hoạt động sản xuất kinh doanh, nộp thuế của các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam chủ động tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và thông tin, báo cáo kịp thời tình hình vi phạm pháp luật BH của các doanh nghiệp trên địa bàn tới cấp ủy, chính quyền, cơ quan quản lý nhà nước liên quan để có hướng chỉ đạo giải quyết, xử lý kịp thời.

Đồng thời, công khai thông tin về các đơn vị trốn đóng, nợ tiền đóng BH số lượng lớn, kéo dài trên các phương tiện thông tin đại chúng và gửi trực tiếp đến tổ chức công đoàn hoặc đại diện người lao động để khởi kiện hoặc đề nghị cơ quan chức năng khởi tố theo quy định của pháp luật.

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý BHXH, tạo điều kiện tốt nhất để tổ chức, doanh nghiệp tiếp cận với BHXH, BHYT, BHTN.