Giá trị các thương vụ M&A đã vượt mốc 3 tỷ USD

PV.

Đây là số liệu vừa được Nhóm nghiên cứu thuộc Diễn đàn M&A Việt Nam (MAF) công bố.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Theo Nhóm nghiên cứu thuộc Diễn đàn M&A Việt Nam (MAF), hoạt động M&A tại Việt Nam năm 2015 đã trở lại mốc kỷ lục 5,2 tỷ USD được thiết lập từ năm 2012. Đặc biệt, 7 tháng đầu năm 2016, giá trị các thương vụ M&A đã vượt mốc 3 tỷ USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2015 và dự báo năm nay sẽ là một năm sôi động cho các giao dịch M&A tại Việt Nam.

Nhóm nghiên cứu MAF dự báo, trong năm 2016, giá trị M&A và có tính chất M&A tại Việt Nam có thể đạt mốc 6 tỷ USD, tức là xác lập kỷ lục mới. Không chỉ xác lập kỷ lục về giá trị, năm 2015 và nửa đầu năm 2016, đã xuất hiện các thương vụ M&A tỷ USD, những thương vụ có tác động lớn đến nhiều ngành, nhiều thị trường và nền kinh tế nói chung.

Ông Đặng Xuân Minh, Tổng giám đốc Công ty AVM, Trưởng nhóm nghiên cứu MAF đánh giá, ngoài ảnh hưởng của xu hướng M&A thế giới và khu vực, các yếu tố chính thúc đẩy hoạt động M&A tại Việt Nam trong năm qua là làn sóng tiếp cận thị trường của các nước trong khu vực mà điển hình là Thái Lan, Singapore, Nhật Bản. Ngoài ra, sự phục hồi của thị trường bất động sản, việc Việt Nam tham gia TPP và sự ra đời của AEC cũng là những yếu tố quan trọng.

“Cuối năm 2015 và đầu năm 2016 là khởi đầu của một nhiệm kỳ mới cùng với những động thái mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam về quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thúc đẩy kinh tế tư nhân, cải cách một số luật liên quan đến doanh nghiệp và đầu tư. Đó sẽ là yếu tố quan trọng thúc đẩy doanh nghiệp trong và ngoài nước mạnh dạn hơn trong hoạt động M&A”, ông Minh nói.

Còn ông Christopher Kummer, Chủ tịch Viện Mua bán, Sáp nhập và Liên kết (IMAA) có trụ sở tại Thụy Sỹ nhận xét rằng, làn sóng M&A thế giới đã có xu hướng chững lại, trong khi xu hướng M&A tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương vẫn có chiều hướng tốt. Khu vực ASEAN vẫn còn nhiều hấp dẫn đối với các nhà đầu tư quốc tế, đặc biệt với sự ra đời của AEC.

“Việt Nam là một trong số ít quốc gia vẫn còn bùng nổ hoạt động M&A trong năm qua. Trong vòng 2 năm qua, tôi đã gặp nhiều lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam trong các khóa đào tạo chiến lược M&A và tôi thấy, họ rất hào hứng khi nói về các kế hoạch M&A của mình”, ông Kummer cho biết.

Xét về số lượng thương vụ, các thương vụ giữa các doanh nghiệp nội chiếm đa số, với trên 60%. Tuy nhiên, giá trị các thương vụ này chủ yếu có quy mô nhỏ và vừa (quanh mức 5 triệu USD). Trong khi đó, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục đóng vai trò quan trọng với các thương vụ quy mô lớn, từ 30 đến trên 100 triệu USD. Đáng chú ý, đã xuất hiện những thương vụ chuyển nhượng những công ty hoặc hệ thống có tài sản lớn, quy mô trên 1 tỷ USD tại thị trường Việt Nam.