Giá trị cảm nhận của du khách đối với du lịch tại tỉnh Phú Yên

Lê Thị Kim Anh, Huỳnh Văn Thái

Giá trị cảm nhận là thuật ngữ trong marketing, thể hiện sự đánh giá của khách hàng về giá trị của sản phẩm hoặc dịch vụ và khả năng chúng đáp ứng nhu cầu và mong đợi của họ, đặc biệt là so sánh với sản phẩm, dịch vụ của các doanh nghiệp cùng ngành.

Thông qua phương pháp phân tích Cronbach’s Alpha, phân tích nhân tố khám phá (EFA), phân tích mô hình hồi quy, nghiên cứu này nhằm tìm hiểu mối quan hệ giữa các yếu tố ảnh hưởng tới giá trị cảm nhận của du khách đối với điểm đến du lịch tại tỉnh Phú Yên. Trên cơ sở tổng hợp lý thuyết và thực hiện nghiên cứu định lượng, kết quả nghiên cứu cho thấy, có 5 yếu tố ảnh hưởng đến giá trị cảm nhận của du khách.

Đặt vấn đề

Du lịch trong những năm gần đây được xem là một trong những ngành có vị trí quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Phát triển du lịch sẽ góp phần vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, mang lại nguồn thu ngân sách quốc gia, thu hút vốn đầu tư và xuất khẩu hàng hóa tại chỗ, tác động tích cực đối với phát triển các ngành kinh tế có liên quan.

Du lịch còn góp phần thực hiện chính sách xóa đói giảm nghèo, tạo nhiều việc làm, mang lại thu nhập thường xuyên cho người lao đdộng tại nhiều vùng, miền khác nhau. Dưới góc độ xã hội, du lịch là một hoạt động nhằm phục vụ nhu cầu nghỉ ngơi, giải trí và học tập của con người.

Đối với Việt Nam, ngành du lịch được xem như là 1 trong 3 ngành kinh tế mũi nhọn, được chú trọng đầu tư, không ngừng phát triển và có những đóng góp tích cực vào nền kinh tế quốc gia. Khách du lịch đến Việt Nam ngày càng đông, các điểm du lịch được khai thác và mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.

Năm 2022, tổng lượt khách du lịch đến Phú Yên là 2,22 triệu lượt, đạt 111% kế hoạch năm, tăng khá so với cùng kỳ năm 2019, thời điểm chưa xảy ra dịch COVID-19. Tổng lượt khách lưu trú đạt hơn 1,3 triệu lượt, doanh thu hoạt động du lịch 2.790 tỷ đồng, đạt 124,4% kế hoạch năm (trong đó doanh thu lưu trú đạt 386,3 tỷ đồng). Thị trường khách du lịch nội địa chủ yếu là TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Bình Định, Khánh Hòa và các tỉnh Tây Nguyên. Đến nay, toàn tỉnh có 400 cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch; trong đó có 2 khách sạn 5 sao, 2 khách sạn 4 sao, 4 khách sạn 3 sao, 4 khách sạn 2 sao, 38 khách sạn 1 sao, 82 khách sạn, 89 nhà nghỉ và 26 homestay đáp ứng đủ điều kiện tối thiểu kinh doanh lưu trú du lịch; một số cơ sở lưu trú khác đang làm thủ tục đăng ký thẩm định công nhận loại hạng theo quy định. Tổng số buồng lưu trú du lịch hiện có khoảng 6.870 buồng, trong đó có gần 800 buồng đạt tiêu chuẩn 3-5 sao. Tổng số lao động trong lĩnh vực du lịch khoảng 6.450 người.

Để có được những kết quả như vậy, trong những năm qua, ngành du lịch tỉnh Phú Yên, đơn vị kinh doanh, hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ du lịch đã nỗ lực vượt khó, linh hoạt thay đổi điều kiện, sản phẩm du lịch để phù hợp với tâm lý, xu hướng và cả thị trường khách du lịch để thu hút du khách như: Tổ chức nhiều sự kiện du lịch, văn hóa quy mô, xây dựng sản phẩm du lịch, hình thành các tour du lịch gắn với khai thác hiệu quả các điểm đến, tài nguyên tự nhiên và văn hóa tỉnh; Khuyến khích các đơn vị kinh doanh du lịch nỗ lực đổi mới, đa dạng sản phẩm du lịch, tạo sức hấp dẫn mới cho du khách… Năm 2023, phát huy những kết quả phục hồi và phát triển của năm 2022, ngành Du lịch Phú Yên đặt mục tiêu đạt mức tăng trưởng khách du lịch khoảng 10% so với năm trước.

Phú Yên là một tỉnh thuộc vùng duyên hải Nam Trung bộ có địa hình khá đa dạng, đồng bằng đồi núi, cao nguyên, thung lũng xen kẽ nhau. Nhiệt độ không khí trung bình biến đổi từ 26,50C ở phía Đông và giảm dần về phía Tây 26,00C. Ngoài ra, Phú Yên có nền văn hóa truyền thống đầy bản sắc được kế thừa và không ngừng phát triển làm phong phú và đa dạng đời sống tinh thần của 31 dân tộc anh em trong tỉnh. Với nhiều di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh: nhà thờ Bác Hồ; Tàu Không số Vũng Rô; Mũi Điện, Tháp Nhạn; đầm Ô Loan; gành Đá Đĩa, chùa Đá trắng đã được Nhà nước công nhận và xếp hạng là các di tích lịch sử - cách mạng - văn hóa và danh lam thắng cảnh cấp quốc gia, gần đây là tháp Nghinh Phong, ngay trung tâm thành phố Tuy Hòa…

Với lợi thế tìm năng có được, Phú Yên cần có một chiến lược cạnh tranh phù hợp, tạo được lợi thế cạnh tranh để thu hút du khách tiếp tục lựa chọn và sẵn lòng quay trở lại điểm đến du lịch Phú Yên. Với ý nghĩa đó, nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến giá trị cảm nhận của du khách đối với điểm đến du lịch tại tỉnh Phú Yên là hết sức cần thiết, để từ đó thấu hiểu du khách và hoàn thiện tốt hơn các giá trị dịch vụ du lịch tại điểm đến. Kết quả nghiên cứu là cơ sở để các nhà làm du lịch xây dựng chiến lược định hướng khách hàng nhằm tạo lợi thế cạnh tranh và xây dựng mối quan hệ trung thành với khách hàng trong bối cảnh thị trường luôn thay đổi và phát triển như hiện nay.

Cơ sở lý thuyết và mô hình nghiên cứu

Cơ sở lý thuyết

Từ những năm cuối thế kỷ XX khái niệm “giá trị cảm nhận” đã được các nhà nghiên cứu trên thế giới quan tâm. Giá trị cảm nhận nổi lên như một yếu tố đóng vai trò quan trọng đối với sự sống còn của tổ chức, doanh nghiệp. Theo Zeithaml (1988), giá trị cảm nhận là sự đánh giá tổng thể của người tiêu dùng về tiện ích của sản phẩm hoặc dịch vụ dựa vào nhận thức của họ về những gì nhận được và những gì phải bỏ ra. Do đó, sự cảm nhận của khách hàng về chất lượng dịch vụ càng cao so với chi phí họ bỏ ra để sử dụng dịch vụ thì giá trị cảm nhận của họ về dịch vụ càng cao, điều này dẫn tới sự hài lòng cao hơn.

Ngoài ra, theo Woodruff (1997), giá trị cảm nhận của khách hàng là sự yêu thích, cảm nhận và đánh giá của khách hàng về các đặc tính sản phẩm, sự thể hiện của đặc tính và những kết quả đạt được từ việc sử dụng để đạt được một cách đễ dàng hay gây trở ngại ý định và mục tiêu của khách hàng trong các trường hợp sử dụng. Theo Butz và Goldstein (1996), giá trị cảm nhận là mối quan hệ cảm xúc được thiết lập giữa khách hàng và nhà cung cấp sau khi khách hàng đã sử dụng một sản phẩm hoặc dịch vụ của nhà cung cấp và thấy rằng sản phẩm hoặc dịch vụ đó tạo ra giá trị gia tăng.

Nghiên cứu của tác giả Sweeney và Soutar (2001) đã phát triển thang đo lường giá trị cảm nhận với 19 biến quan sát, được chia thành 4 nhân tố: Giá trị chất lượng; Giá trị cảm xúc; Giá trị tính theo giá cả, Giá trị xã hội và được gọi là thang đo PERVAL. Thang đo PERVAL có thể được dùng để đánh giá nhận thức của khách hàng về một mặt hàng tiêu dùng tốt ở cấp độ nhãn hiệu. Petrick (2002) đã xây dựng thang đo để đo lường giá trị cảm nhận của khách hàng đối với dịch vụ gọi là thang đo SERV-PERVAL dựa trên mô hình lý thuyết của Zeithaml (1988), những mô hình lý thuyết hiện tại và những đặc tính của dịch vụ. Thang đo SERV – PERVAL gồm 5 nhân tố tác động đến giá trị cảm nhận của khách hàng: Chất lượng cảm nhận; Phản ứng cảm xúc; Giá cả mang tính tiền tệ; Giá cả hành vi; Danh tiếng.

Nghiên cứu của Nguyễn Thị Hồng Thắm (2009) cho thấy, các nhân tố ảnh hưởng đến giá trị cảm nhận như: Phản ứng cảm xúc; Chất lượng cảm nhận; Danh tiếng; Giá cả; Giá cả hành vi. Phan Thị Quỳnh Trang và cộng sự (2019) đã thực hiện nghiên cứu giá trị cảm nhận của du khách đối với dịch vụ du lịch hang động tại vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng tỉng Quảng Bình với các nhân tố ảnh hưởng: Phản ứng cảm xúc, Chất lượng cảm nhận, Danh tiếng, Giá cả tiền tệ, Giá cả hành vi.

Mô hình nghiên cứu

Kế thừa và phát huy các mô hình nghiên cứu trước đó, nhóm tác giả đề xuất mô hình nghiên cứu như hình 1.

Các giả thuyết nghiên cứu:

H1: Có mối quan hệ thuận chiều giữa Chất lượng cảm nhận và Giá trị cảm nhận.

H2: Có mối quan hệ thuận chiều giữa Danh tiếng và Giá trị cảm nhận.

H3: Có mối quan hệ thuận chiều giữa Phản ứng cảm xúc và Giá trị cảm nhận.

H4: Có mối quan hệ thuận chiều giữa Giá cả và Giá trị cảm nhận.

H5: Có mối quan hệ thuận chiều giữa Giá trị xã hội và Giá trị cảm nhận.

- Chất lượng cảm nhận: là đánh giá của người tiêu dùng về một sản phẩm hoặc dịch vụ có tốt hoặc vượt trội không.

- Danh tiếng là uy tín hay vị thế của một sản phẩm hoặc dịch vụ theo cảm nhận của khách hàng dựa trên hình ảnh của các nhà cung cấp sản phẩm hoặc dịch vụ đó. Danh tiếng đóng vai trò quan trọng, tác động đến những mong đợi của khách hàng để duy trì mối quan hệ này và là nhân tố ảnh hưởng đến hình ảnh doanh nghiệp.

- Phản ứng cảm xúc mô tả sự hài lòng mà sản phẩm hoặc dịch vụ mang lại cho khách hàng. Phản ứng của khách hàng đối với dịch vụ càng tốt, họ càng cảm thấy vui vẻ, thoải mái hoặc hạnh phúc khi sử dụng dịch vụ.

- Giá cả mang tính tiền tệ là giá cả của dịch vụ được khách hàng ghi nhận. Trong thang đo của Petrick (2002), yếu tố giá cả tiền tệ được đo theo hướng giá cả đó có tương xứng với dịch vụ khách hàng nhận được hay không. Nghĩa là giá cả tiền tệ được khách hàng cảm nhận càng tương xứng với những gì họ nhận được thì giá trị cảm nhận của họ về dịch vụ đó càng cao.

- Giá trị xã hội là lợi ích có được từ khả năng của sản phẩm làm tăng tính cá nhân trong xã hội. Đó là khách hàng được ghi nhận, được đề cao về địa vị, tăng vị trí trong cảm nhận của cộng đồng về bản thân, hoặc được gia nhập vào các mối quan hệ xã hội... khách hàng nhận thấy giá trị xã hội của bản thân được nâng cao khi tin dùng sản phẩm thì mức giá trị cảm nhận tổng quát càng cao. Nó thể hiện niềm tự hào, sự hãnh diện, nhân cách và uy tín của khách hàng được xã hội thừa nhận và đề cao trong một bối cảnh công cộng khi sử dụng sản phẩm hoặc dịch vụ (Roig và các cộng sự, 2006). Grewal và cộng sự (2000) xem giá trị xã hội mà sản phẩm mang lại như chức năng nhận dạng xã hội, có vai trò quan trọng trong việc giúp người tiêu dùng thể hiện và hòa nhập nhanh chóng với môi trường họ mong muốn.

Phương pháp nghiên cứu

Mẫu điều tra: Thu thập phiếu khảo sát đối với du khách du lịch tại tỉnh Phú Yên với phương pháp lấy mẫu thuận tiện (phi xác suất). Khảo sát trực tiếp với số phiếu là 400 phiếu.

Thang đo: Các thang đo được điều chỉnh thông qua nghiên cứu định tính nhằm tìm ra các thang đo phù hợp cho lĩnh vực nghiên cứu của bài viết và sử dụng thang đo Likert (5 điểm).

Đánh giá thang đo: Được đánh giá thông qua hệ số tin cậy Cronbach’s alpha, phân tích nhân tố khám phá (EFA).

Kiểm định mô hình nghiên cứu: Sử dụng phương pháp hồi quy.

Kết quả nghiên cứu

Kết quả thực hiện khảo sát với số phiếu hợp lệ là 385 khách hàng, dữ liệu được làm sạch, nhập liệu trên phần mềm SPSS 22, trình tự phương pháp phân tích được thực hiện như sau:

Bảng 1: Hệ số Cronbach’s anpha

Thang đo

Biến quan sát

Hệ số

Cronbach's Anpha

   

Chất lượng cảm nhận (CLCN)

5

0.892

Danh tiếng (DT)

5

0.719

Phản ứng cảm xúc (PUCX)

4

0.887

Giá cả (GIACA)

5

0.818

Giá trị xã hội (GTXH)

4

0.834

Giá trị cảm nhận (GTCN)

4

0.631

Nguồn: Kết quả điều tra nghiên cứu

Kết quả phân tích Cronbach’s Alpha cho thấy, tất cả các yếu tố đều có kết quả lớn hơn 0.6 (> 0.6) và có hệ số tương quan biến tổng lớn hơn 0.3 nên tất cả các yếu tố đảm bảo tính nhất quán nội tại và phù hợp đưa vào phân tích nhân tố khám phá (EFA).

Bảng 2: Kiểm định KMO và Bartlett

Kiểm định KMO và Bartlett

Hệ số KMO

.765

Kiểm định Bartlett

Giá trị Chi bình phương xấp xỉ

4130.480

df

253

Sig.

.000

Nguồn: Kết quả điều tra nghiên cứu

Kết quả phân tích nhân tố khám phá (EFA) các biến độc lập và biến phụ thuộc bằng phương pháp trích Principal components với phép quay Varimax và điểm dừng khi trích các yếu tố có Eigenvalue > 1, hệ số tải nhân tố > 0.5 (Hair và cộng sự, 2010) được sử dụng. Kết quả phân tích các thành phần với 23 biến quan sát cho thấy, hệ số KMO and Bartlett’s Test đạt 0.765 > 0.5, với mức ý nghĩa Sig. = 0.000 < 0.05, hệ số tải nhân tố của các biến quan sát đều đạt yêu cầu. Tại mức trích eigenvalue > 1 có 5 yếu tố được trích với phương sai trích là 63.79%, không có hiện tượng Cross loading nên dữ liệu phù hợp với thị trường và tiếp tục đưa vào phân tích hồi quy ở bước tiếp theo.

Kết quả phân tích hồi quy:

- Đánh giá mức độ phù hợp của mô hình nghiên cứu

Bảng 3: Kết quả phân tích nhân tố thang đo

giá trị cảm nhận

Biến quan sát

Thang đo

1

2

3

4

5

CLCN5

.895

 

 

 

 

CLCN4

.856

 

 

 

 

CLCN3

.851

 

 

 

 

CLCN2

.774

 

 

 

 

CLCN1

.767

 

 

 

 

PUCX1

 

.891

 

 

 

PUCX3

 

.840

 

 

 

PUCX2

 

.836

 

 

 

PUCX4

 

.832

 

 

 

GIACA5

 

 

.803

 

 

GIACA3

 

 

.788

 

 

GIACA4

 

 

.778

 

 

GIACA1

 

 

.733

 

 

GIACA2

 

 

.699

 

 

GTXH4

 

 

 

.864

 

GTXH3

 

 

 

.862

 

GTXH2

 

 

 

.784

 

GTXH1

 

 

 

.734

 

DT2

 

 

 

 

.766

DT1

 

 

 

 

.702

DT4

 

 

 

 

.674

DT3

 

 

 

 

.648

DT5

 

 

 

 

.630

Phương sai trích

18.949

14.187

10.788

10.310

9.555

Eigenvalue

4.358

3.263

2.481

2.371

2.198

Nguồn: Kết quả điều tra nghiên cứu

Kết quả phân tích mô hình hồi quy cho thấy hệ số R2 = 0.673 nghĩa là các yếu tố PUCX, CLCN, DT, GIACA, GTXH giải thích được 67.3% giá trị cảm nhận của du khách đối với điểm đến du lịch tại tỉnh Phú Yên.

Kết quả của hệ số Durbin – Watson gần bằng 2 (1.918) nên chấp nhận giả thuyết không có sự tương quan chuỗi bậc nhất trong mô hình.

Bảng 4. Kết quả phân tích hồi quy

Giá trị R

R2

R2 điều chỉnh

Sai số chuẩn của ước lượng

Durbin-Watson

.820a

.673

.669

.23233

1.918

Nguồn: Kết quả điều tra nghiên cứu

- Kiểm định độ phù hợp của mô hình

Kết quả phân tích phương sai ANOVA cho thấy trị thống kế F = 155.995 và sig. = .000 < 0.05, điều này có nghĩa là mô hình hồi quy tuyến tính phù hợp với tập dữ liệu hay 5 yếu tố có quan hệ tuyến tính với biến phụ thuộc là giá trị cảm nhận của du khách.

- Giải thích phương trình

Hệ số phóng đại phương sai VIP của các yếu tố trong mô hình có giá trị từ 1.034 đến 1.085 nhỏ hơn 10 nên hiện tượng đa cộng tuyến không đáng kể.

Sau khi phân tích hồi quy tuyến tính, kết quả cho thấy mối quan hệ giữa giá trị cảm nhận của du khách đối với điểm đến du lịch tại tỉnh Phú Yên và các yếu tố được thể hiện trong phương trình sau:

GTCN = 0.861 + 0.166*PUCX + 0.197*DT + 0.172*CLCN + 0.161*GIACA + 0.132*GTXH

Bảng 5: Kết quả phân tích phương sai

Mô hình

Tổng các bình phương

df

Trung bình bình phương

F

Sig.

Phân tích hồi quy

42.101

5

8.420

155.995

.000b

Phần dư Residual

20.457

379

.054

   

Tổng

62.558

384

     

Nguồn: Kết quả điều tra nghiên cứu

Bảng 6: Kết quả phân tích hồi quy

Yếu tố

Hệ số hồi quy chưa chuẩn hóa

Hệ số hồi quy chuẩn hóa

Giá trị t

Mức ý nghĩa

Đa công tuyến

 

B

Sai số chuẩn

Beta

Độ chấp nhận

Hệ số phóng đại phương sai VIF

Hằng số

.861

.114

 

7.556

.000

 

 

PUCX

.166

.013

.395

12.916

.000

.922

1.085

DT

.197

.022

.265

8.868

.000

.965

1.036

CLCN

.172

.018

.288

9.509

.000

.940

1.063

GIACA

.161

.016

.305

10.112

.000

.950

1.052

GTXH

.132

.015

.254

8.494

.000

.967

1.034

Nguồn: Kết quả điều tra nghiên cứu

Qua thực hiện phân tích hồi quy cho thấy các giả thuyết H1, H2, H3, H4, H5, đều có quan hệ cùng chiều đối với giá trị cảm nhận của du khách đối với điểm đến du lịch tại tỉnh Phú Yên, với các yếu tố được sắp xếp theo mức độ ảnh hưởng từ cao đến thấp là: Danh tiếng; Chất lượng cảm nhận; Phản ứng cảm xúc; Giá cả; Giá trị xã hội.

Kết luận và hàm ý chính sách

Với các kết quả nghiên cứu nêu trên, nhóm tác giả đề xuất các nhóm giải pháp để ngành du lịch của Phú Yên có thể tạo lợi thế cạnh tranh và xây dựng mối quan hệ trung thành của khách hàng trong bối cảnh thị trường luôn thay đổi và phát triển

Nhóm giải pháp nhằm nâng cao chất lượng cảm nhận: Sản phẩm du lịch là sản phẩm đặc thù, riêng biệt, mang đậm phong cách của từng địa phương. Xây dựng sản phẩm du lịch là chiến lược cần được chú trọng, quan tâm để đưa du lịch phát triển toàn diện. Phú Yên được đánh giá có nhiều lợi thế, tiềm năng để phát triển du lịch. Tuy nhiên, so với các tỉnh lân cận như Bình Định, Khánh Hòa, du lịch Phú Yên chưa phát triển tương xứng với tiềm năng. Đặc biệt là sản phẩm du lịch còn đơn điệu, trùng lắp về dịch vụ, hàng hóa, các chương trình du lịch (tour) còn thiếu hấp dẫn.

Vì vậy, để nâng cao chất lượng cảm nhận của du khách các nhà làm du lịch cần: Tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng làm nền tảng kêu gọi đầu tư phát triển du lịch, đặc biệt là hạ tầng giao thông, bến cảng, phương tiện vận chuyển du lịch đường bộ, đường thủy, tăng tần suất các chuyến bay, nghiên cứu đầu tư xây dựng các khu vui chơi, khu tổ hợp khách sạn, nhà hàng, công viên, khu giải trí, các cửa hàng trưng bày quà lưu niệm tại các điểm đến du lịch nhằm phục vụ du khách, cũng như tăng cường công tác đào tạo tập huấn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch.

Nghiên cứu hình thành và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh Phú Yên, trong đó du lịch biển đảo làm mũi nhọn, du lịch văn hóa là nền tảng và hình thành các tour du lịch chuyên đề về tham quan, nghỉ dưỡng biển, du lịch văn hóa, du lịch khám phá, du lịch tâm linh, du lịch ẩm thực, làng nghề.

Bên cạnh đó, vấn đề bảo vệ môi trường tự nhiên cũng cần được chú trọng và quan tâm khi triển khai xây dựng và khai thác các điểm du lịch phục vụ du khách, xử lý nước thải cần đáp ứng tốt với nhu cầu bảo vệ môi trường du lịch, đặc biệt du lịch biển cần có nơi tắm nước ngọt.

Nhóm giải pháp nhằm nâng cao danh tiếng: Đối với lĩnh vực du lịch, danh tiếng của điểm đến có tầm quan trọng đặc biệt, quyết định sức hấp dẫn và khả năng cạnh tranh của điểm đến. Vì vậy, việc tạo dựng danh tiếng tại mỗi điểm đến du lịch có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc phát triển ngành du lịch của mỗi quốc gia nói chung và mỗi vùng, mỗi địa phương nói riêng. Các nhà làm du lịch cần có các biện pháp xây dựng thương hiệu, thông tin truyền thông điểm đến để tăng sức cạnh tranh trên thị trường, thu hút du khách:

- Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch điểm đến thông qua du lịch kết hợp với những hoạt động về khám phá, học tập, hội nghị, hội thảo, triển lãm, thể thao, sự kiện,… việc tiếp cận và ứng dụng các nền tảng công nghệ số trong phát triển là một xu thế tất yếu cần được quan tâm và hoàn thiện các trang website giới thiệu du lịch của tỉnh Phú Yên đến du khách cũng góp phần xây dựng thương hiệu du lịch của tỉnh.

- Chú trọng phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch có chất lượng, có chiều sâu và mang tính độc đáo, đặc trưng vùng miền của địa phương.

- Xác định hình ảnh du lịch gắn với xây dựng thương hiệu du lịch. Từ hình ảnh thương hiệu đó sẽ đưa ra những thông điệp truyền tải của địa phương đến du khách.

- Xây dựng và phát triển hình ảnh đội ngũ nhân lực theo hướng chuyên nghiệp, từ đó gia tăng giá trị cảm nhận của du khách đối với điểm đến du lịch tại địa phương.

Nhóm giải pháp nhằm nâng cao phản ứng cảm xúc: Nâng cao độ tin cậy của dịch vụ cung ứng để gia tăng niềm tin của du khách. Thực tế cho thấy, chỉ khi có sự tin tưởng vào dịch vụ thì khách hàng mới mua, sử dụng dịch vụ và quay trở lại lần sau. Do vậy, các đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch cần lưu ý trong việc tạo ra giá trị dịch vụ của mình trên cơ sở giá trị lý tính và giá trị cảm xúc để dịch vụ của đơn vị mình trở nên hoàn hảo hơn trong cảm nhận và đánh giá của du khách. Bên cạnh đó, thái độ, sự chuyên nghiệp của nhân viên đối với du khách rất quan trọng, nhân viên cần thể hiện sự niềm nở, tận tình phục vụ, luôn sẵn sàng giải đáp thắc mắc và biết lắng nghe góp ý của du khách.

Nhóm giải pháp về giá cả: Một trong những yếu tố quan trọng nhiều du khách quan tâm đó là giá cả của sản phẩm, dịch vụ tại điểm đến. Khi giá cả được công khai rõ ràng và phù hợp với chất lượng dịch vụ thì du khách sẽ cảm thấy hài lòng nhiều hơn và họ sẽ có ý định quay lại tham quan những lần sau. Chính vì vậy, các cơ quan chính quyền cần có biện pháp quản lý về giá cả sao cho hợp lý và đồng bộ giữa các điểm đến, khu vực du lịch; Tránh tình trạng tăng giá, làm giá trong mùa du lịch diễn ra tại các doanh nghiệp du lịch, các cơ sở lưu trú, phục vụ du lịch. Thực hiện tốt vấn đề này du lịch tỉnh Phú Yên mới có thể tạo được một ấn tượng đẹp và sâu sắc trong lòng du khách, tạo được sự hài lòng cho du khách mỗi khi đến với Phú Yên. Ngoài ra, việc cung cấp thông tin về dịch vụ rõ ràng để khách hàng hiểu rõ về giá trị dịch vụ mang lại khi trải nghiệm, đặc biệt là các chương trình chăm sóc du khách (bảo hiểm, giải quyết thoả đáng những thắc mắc, khó khăn của khách hàng trong trải nghiệm dịch vụ…) cũng như việc áp dụng các chiến lược khuyến mãi, ưu đãi, tri ân hợp lý là những vấn đề cần quan tâm.

Nhóm giải pháp về nâng cao giá trị xã hội: Trong sự cạnh tranh gay gắt như hiện nay cùng với nguồn lực có hạn thì việc phát huy và nâng cao giá trị cảm nhận đối với sản phẩm du lịch về mặt giá trị xã hội cho du khách là cách làm cần được nghiên cứu thực hiện, vì nó tiết kiệm chi phí cho các nhà làm du lịch, trên cơ sở tôn trọng con người, tăng cường trách nhiệm với cộng đồng và môi trường.

Với du khách ngày nay thay vì đi du lịch để tìm hiểu, mở mang tri thức, hay đơn giản chỉ là chiêm ngưỡng những danh lam thắng cảnh, thì sự xuất hiện của công nghệ nói chung và smartphone nói riêng trong thập kỷ qua đã tạo nên một xu hướng mới. Tất cả hầu hết đều được thể hiện qua những hành vi du lịch đã và đang ngày càng nhân rộng trong cộng đồng du lịch, đặc biệt là dưới sự hỗ trợ của mạng xã hội. Với mong muốn thể hiện cái tôi, chứng minh sự hiểu biết hoặc trải nghiệm, mọi du khách dần đề cao xu hướng thu thập hình ảnh, video, hoặc bất cứ thứ gì chứng minh độ phủ sóng của mình với cộng đồng mạng, hoặc đơn giản chỉ là với những người mình quen biết. Vì vậy, việc nghiên cứu xây dựng những điểm check-in, điểm đến du lịch thể hiện sự sang trọng, đẳng cấp đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và sự thể hiện của bản thân từ những sản phẩm du lịch đẳng cấp là rất cần thiết.

Tài liệu tham khảo:

  1. Nguyễn Thị Hồng Thắm (2009), Nghiên cứu giá trị cảm nhận của khách hàng đối với chuỗi siêu thị Co.op Mart, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, Luận văn thạc sỹ;
  2. Phan Thị Quỳnh Trang và Hồ Thị Hương Lan (2019), Giá trị cảm nhận của du khách đối với dịch vụ du lịch hang động tại vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng tỉnh Quảng Bình, Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, tập 55, số 1D : 120-126;
  3. Hoàng Trọng & Chu Nguyễn Mộng Ngọc (2008), Phân tích dữ liệu nghiên cứu với SPSS. NXB Hồng Đức;
  4. Butz, H. E. Jr,. and Goodstein, L. D., Jr. (1996). Measuring customer value, Organizational Dynamics, 24, 63-77;
  5. Grewal, R., Mehta, R., & Kardes, F. R. (2000). The role of the social-identity function of attitudes in consumer innovativeness and opinion leadership. Journal of Economic Psychology, 21(3), 233-252;
  6. Jillian C. Sweeney, Geoffrey N. Soutar (2001), “Consumer perceived value: The development of a multiple item scale”, Journal of Retailing, 77 (2), 203-220;
  7. O’Cass, A., & Lim, K. (2002). Toward understanding the young consumer’s brand associations and ethnocentrism in the Lion’s port. Psychology and Marketing, 19(9), 759-775;
  8. Petrick, J. F (2002), Development of a multidimensional scale for measuring the perceived value of a service. Journal of leisure research 34(2) 119-134;
  9. Woodruff, R.B. (1997), Customer Value: The Next Source of Competitive Advantage, Journal of the Academy of Marketing Science, 25, 139-153.
 
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số kỳ 2 tháng 3/2023