Giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch, thúc đẩy bảo vệ môi trường, phát triển bền vững

PV. (t/h)

Với hàng trăm triệu lượt khách trong và ngoài nước mỗi năm, ngành Du lịch là một nguồn phát sinh rác thải nhựa lớn trong nước. Thực tế cho thấy, rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch có hướng tăng dần theo từng năm và đang gây “gánh nặng” cho môi trường…

Ngành Du lịch là một nguồn phát sinh rác thải nhựa lớn trong nước.
Ngành Du lịch là một nguồn phát sinh rác thải nhựa lớn trong nước.

Áp lực rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch

Ô nhiễm rác thải nhựa là một trong những vấn đề môi trường nghiêm trọng và cấp bách nhất hiện nay trên phạm vi toàn cầu. Tại Việt Nam, lượng chất thải nhựa hiện vẫn ở mức rất cao, chiếm khoảng 8%-12% trong chất thải rắn sinh hoạt. Bên cạnh đó, thống kê sơ bộ cho thấy, Việt Nam hiện có trên 400 triệu tấn rác thải nhựa bị rò rỉ ra đại dương, tương đương với lượng rác rò rỉ là 4.7 kg/người/năm.

Một trong những hệ quả của phát triển du lịch là tác động xấu đối với môi trường, trong đó có ô nhiễm rác thải nhựa. Với hàng trăm triệu khách/năm, ngành Du lịch là một nguồn phát sinh rác thải nhựa lớn trong nước, với số lượng tăng dần theo từng năm, gây “gánh nặng” cho môi trường…

Theo báo cáo thống kê từ Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên và một số địa hương, lượng rác thải nhựa xả ra môi trường tại các điểm đến du lịch chiếm tỷ lệ rất lớn và ngày càng tăng lên. Chẳng hạn, tại Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), ước tính trung bình 4 tấn rác thải/ngày đêm, chủ yếu là rác thải nhựa trôi nổi trên biển. Tại Sầm Sơn (tỉnh Thanh Hóa), trung bình 105 tấn rác thải/ngày, đêm, trong đó, rác thải nhựa chiếm 24%, tương đương 25,2 tấn/ngày, đêm...

Theo Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), ước tính, trung bình mỗi khách du lịch thải ra môi trường từ 5 - 10 túi ni lông/ngày; 2-4 vỏ chai nhựa, hộp sữa/ngày chưa kể đến các sản phẩm, vật dụng cá nhân làm bằng nhựa dùng 1 lần. Lượng chất thải nhựa và túi ni-lông của cả nước chiếm khoảng 10-12% chất thải rắn sinh hoạt, đặc biệt một số thành phố có hoạt động du lịch phát triển.

Nhận thức được nguy cơ nghiêm trọng của rác thải nhựa đối với môi trường và con người, Chính phủ Việt Nam đã được ban hành nhiều chính sách nhằm giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa. Trong đó, một trong những quan điểm phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, là “Phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững và bao trùm, lấy “tôn trọng môi trường” làm nguyên tắc, ưu tiên, bảo đảm hài hòa giữa phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị các tài nguyên, góp phần giải quyết các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và bảo đảm quốc phòng an ninh”.

Bên cạnh Luật Bảo vệ môi trường 2020, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ cũng đặt ra mục tiêu sau năm 2025, không lưu hành và sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học tại khu, điểm du lịch. Quyết định số 1316/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cũng khẳng định đến năm 2025, 100% các khu du lịch, cơ sở lưu trú không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy...

Với chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực du lịch, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch cũng đã ban hành Bộ tiêu chí hướng dẫn bảo vệ môi trường đối với các cơ sở du lịch và dịch vụ tại các khu, điểm du lịch, trong đó có những hướng dẫn về việc giảm thiểu rác thải nhựa, về việc bảo vệ môi trường, trong đó hạn chế sử dụng túi ni lông, ống hút nhựa, cốc nhựa dùng một lần, ban hành Quy tắc ứng xử bảo vệ môi trường trong hoạt động văn hoá thể thao và du lịch.

Giải pháp nào?

Nhằm giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch, góp phần đẩy mạnh hoạt động bảo vệ môi trường, hướng đến phát triển bền vững, trong thời gian tới, cần tiếp tục nâng nhận thức của người dân, khách du lịch và các doanh nghiệp kinh doanh du lịch về việc hạn chế rác thải nhựa nhằm thúc đẩy lĩnh vực du lịch phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, cần huy động sự tham gia hiệu quả hơn nữa của toàn xã hội, cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế nhằm quản lý, xử lý chất thải nhựa, biến thách thức nhựa thành cơ hội trên cơ sở phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức ứng dụng công nghệ cao...

Hiệp hội Du lịch Việt Nam cần khuyến động, động viên các doanh nghiệp thành viên hưởng ứng nhanh và mạnh mẽ chương trình giảm thiểu rác thải nhưa trong ngành Du lịch thông qua việc thu gom và xử lý rác kịp thời và hiệu quả chất thải nhựa.

Các chuyên gia cũng cho rằng, cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm nâng cao mức xử phạt vi phạm chính liên quan đến chất thải nhựa...