Giá trị cốt lõi – yếu tố quyết định sự thành công của ngành du lịch Đà Nẵng
Trong kinh doanh hiện đại, những thuật ngữ như: Giá trị cốt lõi, sứ mệnh và văn hóa đã được tích hợp vào trong ngôn ngữ kinh doanh. Thỏa mãn giá trị đời sống tinh thần và nâng cao chất lượng cuộc sống của khách hàng là nền tảng những giá trị cốt lõi đối với ngành Du lịch TP. Đà Nẵng.
Những giá trị này luôn là động lực định hướng cho toàn bộ hoạt động đổi mới, sáng tạo và phát triển sản phẩm dịch vụ - du lịch với số lượng và chất lượng dịch vụ tốt nhất luôn được Đà Nẵng thực hiện nhằm đạt mục tiêu trở thành một trong những điểm đến du lịch hấp dẫn có chất lượng và uy tín hàng đầu Việt Nam.
Giá trị cốt lõi (GTCL) là tất cả những gì không thể trả bằng tiền hay không thể thay đổi. Các giá trị cốt lõi tạo ra một nền tảng để hình thành nội quy của công ty. Hiểu theo nghĩa khác, GTCL là những quy tắc hướng dẫn thiết yếu và lâu dài, giúp định hướng những quyết định và hành động của một tổ chức, không được xây dựng nên vì mục tiêu tài chính hoặc những cơ lợi trong ngắn hạn.
Trong quy trình xây dựng GTCL, có thể tham khảo mô hình 7S được thiết kế bởi Tom Peters và Robert Waterman - Các chuyên gia tư vấn từng làm việc tại McKinsey - Công ty tư vấn của Mỹ. Bảy chữ “S” trong mô hình này đề cập đến bảy nhân tố bắt đầu bằng chữ “S” trong tiếng Anh: Strategy (chiến lược), Structure (cấu trúc), Systems (hệ thống), Style (phong cách), Staff (nhân sự), Skills (kỹ năng) và Shared values (giá trị chia sẻ). Theo mô hình này, những mối quan hệ nội bộ giữa các nhân tố sẽ được tổ chức một cách bài bản, khoa học và sẽ chèo lái doanh nghiệp (DN) đi theo cùng một hướng nhất định.
Các yếu tố làm nên giá trị cốt lõi của ngành Du lịch Đà Nẵng
Hai năm qua (2017 và 2018) được coi là thời kỳ thành công của ngành Du lịch Đà Nẵng khi Thành phố này đã tập trung đầu tư nhiều nguồn lực cho hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch nhằm thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến địa phương. Thành công của ngành Du lịch Đà Nẵng bắt nguồn từ các yếu tố sau:
Thứ nhất, thực hiện các chiến lược xây dựng hình ảnh thương hiệu điểm đến. Mục tiêu và tầm nhìn đến năm 2020 của Đà Nẵng là phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương; tăng mức đóng góp cho GDP của Thành phố; giải quyết việc làm cho lao động địa phương; khai thác có hiệu quả các yếu tố nguồn lực phục vụ cho mục đích phát triển du lịch.
Mục tiêu chiến lược thương hiệu du lịch Đà Nẵng là “Đà Nẵng thân thiện - hấp dẫn - văn minh - an toàn”. Sự thành công của một điểm đến được xác lập bằng việc tạo ra các lợi thế cạnh tranh chính là xây dựng và tạo ra một vị trí độc đáo, hấp dẫn, nghĩa là cung cấp nhiều loại dịch vụ và hàng hóa chất lượng cao so tới các điểm đến khác.
Để từng bước bắt kịp xu hướng toàn cầu, đáp ứng nhu cầu du lịch quốc tế, ngành Du lịch Đà Nẵng đã tập trung phát triển theo chiều sâu, hình thành các sản phẩm du lịch mới, có sức cạnh tranh cao, trong đó, ưu tiên phát triển theo 3 nhóm sản phẩm chính: Nhóm sản phẩm du lịch biển, nghỉ dưỡng cao cấp; Nhóm sản phẩm du lịch mua sắm, hội nghị, hội thảo; Nhóm sản phẩm du lịch văn hoá, lịch sử, sinh thái, làng quê, làng nghề, đa dạng hóa sản phẩm du lịch bổ trợ như du lịch tâm linh, du lịch văn hóa - ẩm thực, chữa bệnh - làm đẹp, du lịch thể thao giải trí biển.
Bảng 1: Số lượt du khách đến tham quan Đà Nẵng năm 2016 đến tháng 9/2018 |
||
|
Số lượt (triệu) |
Doanh thu (Tỷ đồng) |
Năm 2016 |
5,51 |
16.000 |
Năm 2017 |
6,6 |
19.403 |
Tháng 9/2018 |
6,5 |
22.571 |
Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du Lịch Đà Nẵng, trong năm 2017, tổng lượt khách tham quan, du lịch đến TP Đà Nẵng đạt khoảng 6,6 triệu lượt, tăng 19% so với năm 2016. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 2,3 triệu lượt, tăng 36,8% so với năm 2016, bằng 114,7% kế hoạch năm 2017; khách nội địa ước đạt 4,3 triệu lượt, tăng 11,3% so với năm 2016.
Chỉ tính riêng, trong 9 tháng đầu năm 2018, tổng lượt khách tham quan, du lịch đến Đà Nẵng đạt 6.519,3 nghìn lượt, tăng 27,7% so với cùng kỳ 2017, bằng 87,3% kế hoạch, trong đó khách quốc tế ước đạt 2.405,6 nghìn lượt, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2017; số lượt khách cơ sở lưu trú phục vụ ước đạt 3.447 nghìn lượt, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2017, tương ứng với số ngày khách cơ sở lưu trú phục vụ là 5.038 nghìn ngày, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2017. Tổng doanh thu du lịch từ xã hội ước đạt 22.571,6 tỷ đồng, bằng 100,3% kế hoạch, tăng 50,4% so với cùng kỳ 2017.
Thứ hai, đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ du lịch. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, chú trọng xây dựng phục vụ cho du lịch là nhiệm vụ rất quan trọng. Kinh doanh du lịch đòi hỏi người lao động không những phải có kiến thức mà cả kỹ năng, thái độ tốt trong giao tiếp phục vụ khách và điều này chỉ có thể có được qua rèn luyện tại thực tế phục vụ khách. Nguồn nhân lực du lịch của Thành phố từng bước được bổ sung và tăng cường qua các năm.
Tính đến hết năm 2016, toàn TP. Đà Nẵng có khoảng 27.000 người lao động trực tiếp làm việc trong ngành Du lịch, tăng 8,1% so với năm 2015. Năm 2017, số lượng nhân sự tham gia vào ngành này tăng 12,3% so với năm 2016.
Để nâng cao chất lượng dịch vụ và bồi dưỡng kỹ năng cho nguồn nhân lực du lịch, ngành Du lịch Đà Nẵng đã phối hợp với dự án Liên minh châu Âu (EU) xây dựng quy trình xử lý tình huống cho các khách sạn đạt tiêu chuẩn từ 1-3 sao; Tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ quản lý nhà nước, đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên, lái xe, thuyền viên, nhân viên phục vụ.
Thứ ba, xây dựng giá trị chia sẻ của các doanh nghiệp kinh doanh trong dịch vụ du lịch. Vào các mùa du lịch cao điểm trong năm, khách hàng sẽ không tránh khỏi sự khó khăn khi đặt phòng, sự đông đúc đến khó chịu, sự phục vụ thiếu chu đáo do tình trạng quá tải và hơn hết là mức giá phòng nghỉ tăng cùng với các dịch vụ không tương xứng.
Thấu hiểu tình trạng đó, các cơ sở lưu trú tại Đà Nẵng như: Furama, Sandy Beach, Mường Thanh... đã mang đến giải pháp du lịch thông minh và tiện lợi, giúp khách hàng vừa tận hưởng dịch vụ chất lượng 4-5 sao với giá rất tiết kiệm, vừa tránh khỏi các khu nhà nghỉ giá rẻ đông đúc, vừa giúp người dùng tối đa động lực du lịch, mang lại những giá trị bền vững… Đó là 2 giá trị cốt lõi đã giúp DN du lịch có được sự thành công khi tạo ra giá trị thực và sự cam kết rõ ràng.
Bảng 2: Số lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực dụ lịch tại TP. Đà Nẵng |
|
Năm |
Số lượng (người) |
2016 |
27.000 |
2017 |
30.322 |
Đến hết quý III/2018 |
35.000 |
Thứ tư, xây dựng phong cách của người lãnh đạo.Trước hết là bài học thành công về việc giải quyết các mối quan hệ giữa các đối tác có liên quan. Vai trò của chính quyền địa phương được thể hiện trên góc độ có tầm nhìn trong quy hoạch và phát triển hạ tầng đồng bộ. Tầm nhìn này đảm bảo cho sự phát triển bền vững của TP. Đà Nẵng trong mấy thập kỷ tới không phải đối diện với những thách thức về tình trạng quá tải. Chính quyền địa phương cũng đã ban hành những chính sách đúng đắn, hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư chiến lược. Đó là bài học về sự vận động cộng đồng dân cư thực hiện những chính sách của chính quyền Thành phố và tạo ra sự hưởng lợi cho người dân địa phương.
Thứ năm, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng đáp ứng nhu cầu du lịch. Trong giai đoạn từ 1997 - 2008, ngành Du lịch Đà Nẵng có những bước phát triển nhanh chóng, nhất là từ sau năm 2003, ngành Du lịch được định hướng phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Thành phố. Hệ thống cơ sở lưu trú phát triển cả về số lượng và chất lượng. Đến năm 2008, Thành phố có 138 khách sạn với 4.239 phòng nghỉ.
Trong thời kỳ này, Thành phố đã đầu tư xây dựng hạ tầng tại bán đảo Sơn Trà và Công viên biển Phạm Văn Đồng (nay là Công viên Biển Đông), xây dựng bãi tắm du lịch kiểu mẫu Mỹ Khê và T18. Thị trường khách du lịch quốc tế nổi bật với lượng khách du lịch đường bộ Thái Lan đến Đà Nẵng đạt từ 20.000 - 30.000 khách/năm.
Giai đoạn từ năm 2008 đến nay, du lịch Đà Nẵng đã phát triển thực sự khởi sắc và ấn tượng. Hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật tiếp tục được phát triển với việc hình thành hệ thống các khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp 5 sao ven biển và các khách sạn cao cấp 3-5 sao trong Thành phố và các khách sạn tiêu chuẩn 1-2 sao, đáp ứng nhu cầu từ khách du lịch nghỉ dưỡng cao cấp đến khách công vụ, khách du lịch kết hợp hội thảo, hội nghị, khách vãng lai. Các thương hiệu du lịch nổi tiếng thế giới đã có mặt tại Đà Nẵng như: Inter Continental, Novotel, Hyatt, Vinpearl, Pullman…
Đặc biệt, hệ thống giao thông không ngừng hoàn thiện: Hệ thống đường xá được quy hoạch tổng thể, đồng bộ, hoạt động ổn định, sạch sẽ, không phải bới lên đào xuống. Các tòa nhà, các trung tâm thương mại mọc lên san sát khắp nơi. Hệ thống xe bus kết nối rộng khắp các địa điểm du lịch khiến việc đi lại rất thuận tiện và dễ dàng.
Thứ sáu, sự kết hợp hài hòa các yếu tố môi trường.
Làm marketting thật tốt: Tập trung vào các hoạt động marketing thông qua việc khai thác và sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội như: Kênh Youtube, Flickr, Myspace, Facebook và Twitter quảng bá du lịch...
Ý thức của con người tiếp cận du lịch thân thiện: Người bán hàng rong, xe ôm, phụ xe bus, cảnh sát, tiếp viên... có những hành vi ứng xử phục vụ tận tình khiến du khách không thể chối từ, an tâm, hài lòng. Không phân biệt giá đối với du khách hay người bản xứ. Sự quan tâm, hỗ trợ hữu ích kịp thời từ phía Chính phủ: Miễn thị thực cho khách du lịch, cấp bảo hiểm có giá trị cùng phụ cấp và dịch vụ y tế miễn phí cho bất cứ ai bị thương do bạo động và biểu tình; hoàn thuế giá trị gia tăng cho khách du lịch...
Thứ bảy, kết hợp giữa du lịch với thương mại để tăng doanh thu du lịch. Để du lịch TP. Đà Nẵng có sự phát triển nhanh, bền vững, cần có sự phối hợp chặt chẽ, phát triển đồng bộ giữa các ngành, các cấp và quan trọng nhất là phải có sự kết hợp hài hòa trong phát triển du lịch với phát triển thương mại, dịch vụ.
Ngành Du lịch muốn phát triển bền vững, cần phải có các dịch vụ chất lượng tốt, phù hợp, làm hài lòng và thỏa mãn các nhu cầu của khách du lịch; tiếp tục phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng trong việc xây dựng các dịch vụ, hoạt động vui chơi, giải trí, chợ đêm, của hàng đặc sản, lưu niệm, khu mua sắm… cho khách du lịch; Đồng thời, cần nâng cao chất lượng phục vụ của các nhà hàng, quán ăn, khách sạn… đáp ứng tốt hơn các nhu cầu và thu hút khách du lịch.
GTCL hỗ trợ tầm nhìn, định hình văn hóa và phản ánh các giá trị của ngành Du lịch TP. Đà Nẵng. Chúng là tinh hoa của bản sắc DN, bao gồm các chiến lược, cấu trúc, hệ thống, phong cách, nhân sự, kỹ năng và giá trị chia sẻ. Nhiều DN chủ yếu tập trung vào năng lực kỹ thuật nhưng thường quên chính những năng lực tiềm ẩn đang giúp DN vận hành trơn tru – chính là GTCL. Thiết lập các GTCL mạnh mẽ sẽ tạo nên những lợi điểm cả bên trong và bên ngoài DN.
Tài liệu tham khảo:
- Số liệu thống kê của ngành Du lịch Thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2016-2018;
- https://infonet.vn/5-bai-hoc-thanh-cong-cua-du-lich-da-nang-post168320.info, truy cập ngày 21/11/2018;
- http://vovanquang.com/gia-tri-cot-loi-va-nhan-dien-thuong-hieu-du-lich-tp-hcm/, truy cập ngày 21/11/2018;
- https://lyhathu.com/12276/gia-tri-cot-loi-cua-doanh-nghiep-la-gi, truy cập ngày 21/11/2018;
- https://www.saga.vn/mo-hinh-7s-cua-mckinsey~42774, truy cập ngày 21/11/2018.