Hạ tầng đang kéo lùi du lịch
Tại Diễn đàn cấp cao Du lịch Việt Nam tổ chức cuối tuần qua, đã đưa ra những con số ấn tượng: giai đoạn 1990-2017 khách du lịch quốc tế tăng 52 lần, tăng trung bình 16%/năm; khách du lịch nội địa tăng 72 lần, tăng trung bình 22%/năm.
Đặc biệt, 3 năm gần đây khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng từ 8 triệu lượt (năm 2015) lên hơn 14 triệu lượt (11 tháng năm 2018). Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực, con số này vẫn còn thấp, đặc biệt doanh thu từ khách quốc tế còn kém xa.
Cụ thể, năm 2017, Việt Nam thu về 8,3 tỷ USD từ khách quốc tế, nhưng Singapore thu được 18,4 tỷ, Indonesia 12,6 tỷ USD và con số này ở Thái Lan 52,5 tỷ USD. Hay mỗi chuyến du lịch, khách đến Việt Nam chi tiêu trung bình 912USD, trong khi mức chi tiêu của khách tại Indonesia 1.109USD, Singapore 1.105USD, tại Thái Lan 1.565USD.
Thực tế trên cho thấy, dù du lịch Việt Nam được đánh giá có tiềm năng phát triển mạnh mẽ, song phải thẳng thắn rằng trình độ phát triển du lịch nước ta vẫn tuột hậu so với nhiều nước trong khu vực. Trong đó, việc thiếu khả năng đáp ứng nguồn nhân lực hay yếu vấn đề marketing, xúc tiến quảng bá, chính sách visa… đang là nguyên nhân kéo lùi du lịch nước nhà phát triển.
Đặc biệt, cơ sở hạ tầng thiếu và yếu là thách thức lớn đối với đề án phát triển du lịch trong tương lai. Theo đề án phát triển du lịch đến 2020 tầm nhìn đến 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2020 thu hút 17-20 triệu lượt khách du lịch quốc tế, đến năm 2025 tăng lên 30 triệu và 82 triệu, đến năm 2030 du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, Việt Nam thuộc nhóm các nước có ngành du lịch phát triển hàng đầu khu vực Đông Nam Á.
Chiến lược là vậy, còn cơ sở hạ tầng để phục vụ mục tiêu trên ra sao? Hồi tháng 5, một đoàn khách nước ngoài 4.000 người đến Việt Nam theo chương trình hội nghị kết hợp du lịch (MICE) tại Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM. Nhưng cơ sở hạ tầng ở 3 nơi này không thể đáp ứng tất cả cùng lúc.
Phía Việt Nam phải làm việc với đối tác ngắt làm 2 đoàn, lịch trình cách nhau 11 ngày. Tiệc chiêu đãi mỗi đoàn phải tổ chức 2 tầng, do mỗi tầng không đủ sức chứa tất cả. Hoặc tổng giám đốc một công ty du lịch cho biết, công ty ông không dám đưa khách đến Sapa vì quá đông, trong khi hạ tầng dịch vụ tại đây quá kém.
Trong các yếu kém trên, điểm nghẽn lớn nhất là hạ tầng sân bay đang không theo kịp nhu cầu phát triển du lịch. Hiện tại, các cảng hàng không ở Việt Nam ở trong tình trạng quá tải. Công suất phục vụ 75 triệu khách mỗi năm, nhưng thực tế năm ngoái các sân bay phục vụ 95 triệu và năm nay dự kiến 105 triệu. Riêng sân bay Tân Sơn Nhất công suất thiết kế 25 triệu hành khách đã quá tải nhiều năm nay, nhưng việc nâng cấp rất chậm chạp.
Điều đáng nói, cả nước hiện có 21 sân bay với tổng công suất phục vụ thấp hơn công suất của riêng sân bay Changi (Singapore), hay sân bay Quốc tế Kuala Lumpur (Malaysia) lẫn sân bay Suvarnabumhi (Thái Lan). Đây là hạn chế không nhỏ buộc chúng ta phải có động thái tháo gỡ kịp thời và kiên quyết nếu không muốn hạ tầng kéo lùi sự phát triển du lịch.
Bên cạnh đó là bất cập về cơ sở hạ tầng lưu trú. Hiện Hà Nội có 67 khách sạn hạng sang với hơn 10.000 phòng. Năm 2017, Hà Nội đón 4,9 triệu lượt khách quốc tế và gần 19 triệu lượt khách nội địa. Tương tự, tại TPHCM hiện có 641 khách sạn đang hoạt động, bao gồm 10 khách sạn 5 sao, 26 khách sạn 4 sao. Các khách sạn này lúc nào cũng trong tình trạng hết công suất. Trong khi đó, thị trường khách sạn tại các địa phương về du lịch như Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc cũng đang rất hạn chế, gây khó khăn cho du lịch.
Đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch phải đảm bảo mọi thứ luôn sẵn sàng và đạt chuẩn để phục vụ du khách, nhất là khách quốc tế. Vấn đề đặt ra là rà soát, xem xét lại quy hoạch phát triển sân bay. Theo đó tập trung nâng cấp, mở rộng các sân bay có quy mô vùng như Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Cam Ranh, Phú Quốc, thay vì dàn trải tỉnh nào cũng đầu tư xây dựng sân bay.
Nguồn lực đầu tư các sân bay nhỏ lẻ thay vì xây dựng hệ thống đường bộ, đường sắt cao tốc hiện đại, kết nối các cụm sân bay lớn với các điểm du lịch. Tháo gỡ điểm nghẽn trong phát triển và đầu tư, nhằm bảo cung cấp đủ dịch vụ vận chuyển một cách dễ dàng, thuận tiện, sẽ góp phần để du lịch Việt Nam vươn tầm.