Giá vàng tăng kỷ lục: Nhà đầu tư "tiến thoái lưỡng nan", các chuyên gia nói gì?
Giá vàng đang tăng liên tục với biên độ lớn, lần lượt phá vỡ các kỷ lục trước đó. Nhiều nhà đầu tư và cả người dân đứng ngồi không yên, không biết nên bán vàng chốt lời, hay đem tiền đi mua vàng chờ giá lên cao.
Mở đầu phiên giao dịch ngày 24/7, giá vàng vẫn tiếp tục chiều hướng tăng so với ngày hôm qua. Giá vàng SJC niêm yết tại DOJI ở mức 53,15 triệu đồng/lượng (mua vào) và bán ra ở mức 54,35 triệu đồng/lượng; Vàng SJC niêm yết tại Bảo Tín Minh Châu ở chiều mua vào là 53,30 triệu đồng/lượng, bán ra ở mức 54,25 triệu đồng/lượng.
Giao dịch mua – bán không tăng đột biến
Giá vàng tăng cao trong những phiên gần đây khiến nhiều người dân không khỏi nóng ruột. Tuy nhiên, trước diễn biến khó lường của thị trường, nhiều người vẫn thận trọng chưa dám tham gia thị trường.
Ghi nhận trong những ngày vừa qua khi giá vàng tăng kỷ lục tại một số cửa hàng vàng lớn ở Hà Nội, lượng khách mua – bán có tăng hơn thời điểm trước một chút nhưng không tăng đột biến.
Đại diện Bảo Tín Minh Châu cho biết, lượng khách hàng tham gia mua – bán vàng tại doanh nghiệp này tăng cao hơn so với cùng thời điểm các năm trước. Trong đó, lượng khách mua vàng chiếm khoảng 63% tổng lượng khách giao dịch. Khách mua vàng tại doanh nghiệp này chủ yếu chọn mua vàng nhẫn, miếng Vàng rồng Thăng Long thay vì mua vàng trang sức như trước đây và cũng đã có một số người đã quyết định mua vàng với số lượng lớn.
Trong khi đó, đại diện DOJI cho biết, trong những phiên giá vàng tăng cao đột biến, giao dịch tại doanh nghiệp này không có quá nhiều biến động so với trước đó. “Xu thế chung của thị trường diễn biến vẫn bình thường theo cả hai chiều mua - bán. Giao dịch mua bán tại DOJI không có quá nhiều biến động so với những ngày trước đây. Tỷ lệ giao dịch mua – bán cũng ngang bằng với mức trung bình của các ngày trước đó”, đại diện DOJI cho biết.
Theo đánh giá của TS. Cấn Văn Lực, nguyên nhân chính khiến vàng lên giá mạnh là do chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.
Theo ông, vàng biến động rất nhanh nên phải hết sức cẩn thận, nhất là đầu cơ lướt sóng. Vì rất dễ nếu hôm nay tăng cao nhưng mai lại có diễn biến khác, tích cực thì lại xuống ngay.
“Quan điểm của tôi là vàng đã lên đến mức cao tương đối, đà tăng của nó sẽ không mạnh như trước đây, trong khi đó lại rủi ro hơn vì biến động nhanh và mạnh. Nên nhà đầu tư phải hết sức thận trọng. Nguyên tắc số 1 là phải đa dạng hoá danh mục tài sản đầu tư của mình”, ông Lực cho hay.
Phải 6 tháng nữa mới thấy “ánh sáng cuối đường hầm”?
Ông Huỳnh Trung Khánh, cố vấn Hội đồng Vàng thế giới - Phó Chủ tịch Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam cho rằng giá vàng sẽ tiếp tục tăng, ít nhất đến khi dịch Covid-19 được khống chế, nhưng sẽ lên theo hình răng cưa – tức là theo quỹ đạo: lên – điều chỉnh – lên.
Phân tích về thị trường vàng trong thời gian tới, ông Khánh nói, có thể thấy vàng đã tăng mạnh trong khoảng 6 tháng vừa qua. Nguyên nhân chủ yếu là do đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng làm kinh tế toàn cầu bị suy thoái. Hiện nay dịch này vẫn còn tiếp tục, chưa biết chắc khi nào kết thúc. Người ta có đưa ra thông tin là sắp có vaccine, nhưng cũng mới là thử nghiệm thôi, nên không ai biết dịch sẽ kéo dài bao lâu, càng kéo dài ảnh hưởng kinh tế càng lớn.
Trong lúc bất ổn về kinh tế, các nhà đầu tư thế giới sẽ trú ẩn vào vàng khiến nhu cầu vàng tăng, đó là lý do vàng lên.
Bên cạnh đó, cũng do dịch bệnh, các ngân hàng Trung ương, Chính phủ... đều có chính sách nới lỏng tiền tệ, giảm lãi suất, đưa ra những gói kích thích kinh tế rất lớn lên đến hàng nghìn tỷ USD. Như vậy, lượng tiền mặt tung ra thị trường rất lớn, khiến lạm phát tăng cao. Khi lạm phát tăng thì vàng được coi là công cụ chống lạm phát, các nhà đầu tư cũng sẽ tìm đến vàng.
“Quan điểm của tôi là nhà đầu tư nên thận trọng khi đầu tư vàng vào lúc này. Đặc biệt, việc đầu tư lướt sóng chỉ dành cho các chuyên gia trong lĩnh vực đầu tư, các quỹ đầu tư… họ muốn bảo toàn vốn, đa dạng hóa danh mục đầu tư để giảm thiểu rủi ro. Còn người dân mà có khoản tiền tiết kiệm đưa ra lướt sóng vàng thời điểm này thì rất rủi ro. Còn nếu mua như một cách tiết kiệm, bảo toàn tiền hoặc mua đầu tư dài hạn thì lại là vấn đề khác”, ông Khánh nói.
Hiện nay các quỹ đầu tư đang liên tục mua vàng và mua rất nhiều. Họ mua nhiều không hẳn vì giá vàng lên mà họ thấy rủi ro trong các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản, dầu… nên họ giảm những cái đó để tăng vàng lên.
Trên bình diện quy mô toàn cầu, nếu họ chỉ tăng 1 - 2% thôi thì cũng đã tác động đến giá vàng rất nhiều. Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến giá vàng tăng mạnh thời gian qua.
Ông Khánh cho rằng, nhà đầu tư mua vào rồi cũng đến lúc phải bán ra, lúc đó giá vàng sẽ giảm. Tuy nhiên, thời điểm bán ra sẽ được các nhà đầu tư tính toán làm sao có lợi nhất, chẳng hạn khi những rủi ro về kinh tế giảm đi, tức là ít nhất khi dịch Covid-19 hết, kinh tế thế giới đi vào quỹ đạo phục hồi. Từ đây đến đó sẽ không gần, chúng tôi nghĩ ít nhất là phải 6 tháng nữa thì mới nhìn thấy “ánh sáng cuối đường hầm”.