Giấc mơ AI của Apple khó thành hiện thực vì sao?
Doanh số iPhone 16 không ấn tượng đang đe dọa tới triển vọng phổ biến Apple Intelligence của Apple.
“Chúng tôi không đi đầu về trí tuệ nhân tạo (AI)”, CEO Apple Tim Cook mới đây thừa nhận trong bài phỏng vấn với WSJ, nhưng khẳng định “chúng tôi đã làm những thứ theo cách chúng tôi nghĩ là tốt nhất cho khách hàng”.
Tuyên bố của ông Tim Cook nhằm đáp trả những nhận xét rằng Apple đang đi sau các đối thủ lớn khoảng 2 năm trong lĩnh vực AI, đồng thời phản ánh tầm nhìn về ưu tiên gia tăng trải nghiệm của người dùng thay vì ưu tiên tốc độ ra mắt.
Muốn làm được điều đó, Apple cần phải chứng minh Apple Intelligence của mình có ảnh hưởng rộng khắp trong giới công nghệ vốn đang quay cuồng xung quanh từ khóa AI. Với một công ty chuyên về bán thiết bị phần cứng như Apple, điều đó đồng nghĩa với việc bán càng nhiều iPhone mới càng tốt.
Thế nhưng, dữ liệu thị trường dường như đang đi ngược lại mong muốn đó. Các dòng sản phẩm iPhone 16 của Apple không được tiêu thụ mạnh mẽ như trước đây. Thời gian giao hàng ngắn hơn và báo cáo thu nhập từ các nhà mạng không dây cho thấy điều này.
Tương lai phổ cập AI của riêng Apple cũng bị đe dọa bởi dữ liệu từ các nhà mạng AT&T, Verizon và T-Mobile đang cho thấy tỷ lệ nâng cấp điện thoại không dây ở Mỹ trong quý III giảm 9% so với cùng kỳ năm trước. "Chúng tôi nghĩ rằng dữ liệu cho thấy một triển vọng nâng cấp chậm," Nispel viết.
Việc triển khai dần dần dịch vụ AI tạo sinh đầu tiên của Apple càng làm cho bức tranh thêm phức tạp. Là điểm nhấn công nghệ chính, nhưng những tính năng đầu tiên của Apple Intelligence chỉ mới được ra mắt vào thứ Hai tuần này, tức hơn một tháng sau khi iPhone 16 bắt đầu giao hàng. Chưa hết, Apple sẽ tiếp tục cung cấp thêm các tính năng AI vào phần mềm iOS của mình trong suốt năm tới - điều có thể đe dọa tới việc chấp nhận iPhone 16 của người dùng.
“Việc triển khai tính năng AI dần dần có thể đang cản trở chu kỳ nâng cấp rõ rệt hơn,” Krish Sankar của TD Cowen viết trong một lưu ý đến khách hàng.
Những lo ngại này đã gây áp lực lên cổ phiếu của Apple tại thị trường Mỹ. Cổ phiếu của Apple chỉ tăng chưa tới 5% kể từ sự kiện ra mắt iPhone 16 vào đầu tháng 9, thấp hơn so với các công ty công nghệ lớn khác và S&P 500 trong thời gian đó.
Mô hình kinh doanh tập trung vào việc bán thiết bị phần cứng của công ty là cách duy nhất để đưa các dịch vụ AI tạo sinh đến khách hàng, và trong số đó, điện thoại là quan trọng nhất. Những khách hàng phải sẵn sàng chi trả số tiền lớn cho các mẫu iPhone 15 và 16 mới - trung bình có giá hơn 1.000 USD/chiếc - để có thể trải nghiệm Apple Intelligence.
Ngược lại, các đối thủ công nghệ lớn của Apple có thể phân phối khả năng AI trên một nền tảng người dùng rộng lớn mà không cần phụ phí đắt đỏ như vậy. Công ty mẹ của Facebook, Meta Platforms, đã triển khai trợ lý Meta AI miễn phí ở hơn một chục quốc gia vào tháng trước—với cơ sở người dùng hoạt động hàng ngày gần 3,3 tỷ người trên toàn cầu.
Khi khả năng AI chuyển từ dịch vụ đám mây sang các thiết bị như điện thoại thông minh và máy tính cá nhân, Apple có một lợi thế tự nhiên với tư cách là nhà sản xuất sản phẩm hàng đầu thế giới. Nhưng cũng có câu hỏi liệu các điện thoại thông minh AI hiện tại có thể thực sự mang lại trải nghiệm mạnh mẽ hay không.
“Không giống như các máy chủ AI, điện thoại thông minh thiếu bộ nhớ tốc độ cao và công nghệ đóng gói tiên tiến cho phép chuyển dữ liệu nhanh giữa bộ xử lý và bộ nhớ, do đó hạn chế khả năng AI của chúng," nhà phân tích Edison Lee của Jefferies nhấn mạnh và cho biết thêm rằng việc kỳ vọng vào một chu kỳ thay thế điện thoại thông minh tăng tốc vì AI là quá sớm."