Khi người cao tuổi sử dụng mạng xã hội
Chia sẻ những hình ảnh, video thú vị về cuộc sống, kết nối gia đình, bạn bè, lưu lại những kỉ niệm cùng người thân… là những hoạt động được nhiều người cao tuổi thực hiện trên mạng xã hội (MXH) hằng ngày. Nhờ những tính năng riêng của MXH mà người cao tuổi đang tìm thấy những niềm vui mới, giúp tinh thần lạc quan, sôi nổi hơn trong nhịp sống hiện đại.
Góp nhặt những niềm vui nhỏ bé
Theo số liệu thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, tính tới tháng 6/2023, số lượng người dùng Internet tại Việt Nam chiếm khoảng 78,59% dân số cả nước.
Người dùng Việt Nam dành trung bình 7 tiếng mỗi ngày để tham gia các hoạt động liên quan đến internet. Trong đó, người cao tuổi là một trong những nhóm người sử dụng internet tích cực tại Việt Nam với dân số từ 55 tuổi trở lên, chiếm gần 20% tổng dân số sử dụng internet.
Có thể thấy, giờ đây, MXH đã không còn là sân chơi riêng cho giới trẻ mà dần trở thành không gian mới của những người cao tuổi, mang đến những trải nghiệm cuộc sống tích cực, mới mẻ hơn.
Ở tuổi ngoài 60, bà Nguyễn Hồng Thúy, phường Hồng Hải (TP Hạ Long) cũng có gần 10 năm dùng mạng xã hội facebook và zalo. Mỗi ngày sau khi hoàn tất các công việc nội trợ, chăm sóc gia đình, bà Thúy lại dành thời gian lướt MXH như một cách giúp bản thân thư giãn, nghỉ ngơi.
Bà Thúy chia sẻ: Ở tuổi của tôi việc sử dụng điện thoại thông minh, mạng xã hội không quá khó khăn. Như tôi đã sử dụng từ khi còn công tác và giờ nghỉ hưu thì mạng xã hội như một phương tiện để tôi kết nối với bạn bè. Ngoài đọc báo, tin tức trên MXH, tôi thường đăng tải hình ảnh của mình cùng gia đình vào những ngày lễ tết, khi có dịp đi chơi, du lịch.
Tôi cũng thường quay lại những clip các chị em cùng CLB dân vũ, các hoạt động văn hóa văn nghệ mình tham gia ở khu dân cư để lưu lại kỷ niệm cũng như chia sẻ lên mạng xã hội để bạn bè, người thân ở xa biết về cuộc sống của mình. Hình ảnh, clip chia sẻ được bạn bè yêu thích bằng nút like, thả tim hay bình luận khen ngợi, động viên cũng khiến tôi thấy rất vui.
Cũng nhờ mạng xã hội như facebook, zalo người cao tuổi được kết nối gần hơn với con cháu, người thân. Từ ngày biết dùng điện thoại thông minh và các trang MXH, bà Nguyễn Thị Xá (phường Bãi Cháy, TP. Hạ Long) khi thì vào youtube nghe nhạc dân ca, khi thì vào facebook đọc thông tin, học cách nấu ăn, làm bánh từ các video được chia sẻ trên mạng và mỗi tối thường vào zalo gọi video trò chuyện với vợ chồng người con gái đang sinh sống và làm việc tại TP Hà Nội.
Bà Xá cho biết: Ngoài mục đích giải trí, với những người lớn tuổi, mạng xã hội còn là sợi dây kết nối với gia đình hay bạn bè. Con cái ở xa không thể thường xuyên gặp gỡ, nhưng nhờ có MXH, gọi điện video call mọi người có thể nhìn thấy nhau mỗi ngày, trò chuyện thoải mái mà không lo mất chi phí cuộc gọi như gọi điện thoại thông thường.
Không chỉ ở thành phố, MXH còn trở thành người bạn của người cao tuổi ở vùng cao. Bà Trần Móc Lầu, dân tộc Sán Chỉ (xã Đại Dực, huyện Tiên Yên) năm nay đã 70 tuổi song bà sử dụng MXH khá thường xuyên.
Gặp bà tại Hội mùa vàng miền soóng cọ Đại Dực, chúng tôi khá bất ngờ khi ngoài dáng vẻ khỏe khoắn, nhanh nhẹn tham gia biểu diễn những làn điệu soóng cọ mượt mà, chơi đánh quay, bà còn hào hứng dùng điện thoại quay chụp ghi lại không khí ngày hội rộn ràng ở quê hương mình.
Bà Lầu phấn khởi cho biết: Tôi dùng facebook được 2 năm nay. Ban đầu cũng khá lâu để làm quen nhưng được con cháu dạy dần dần cũng biết sử dụng.
Thông thường tôi cũng chỉ xem thông tin, hình ảnh clip muốn đăng tải tôi sẽ nhờ con cháu vì mắt cũng đã kém nên tự làm cũng khó. Tôi thấy dùng facebook rất vui vì được nhìn thấy các bạn già của tôi ở Bình Liêu, Đầm Hà.
Mọi người vẫn thường chia sẻ hình ảnh về các lễ hội truyền thống ở địa phương, vì vậy, tôi cũng muốn khoe các bạn mùa lúa chín vàng, ngày hội vui tươi ở Đại Dực và xem tôi hát soóng cọ.
Mạng xã hội là ảo, nhưng niềm vui mang đến là thật. Với họ niềm vui trên mạng xã hội chính là được kết nối, chia sẻ và hơn thế nữa chính nhờ mạng xã hội đã giúp người cao tuổi tiếp cận với công nghệ hiện đại ở môi trường sống xung quanh, rút ngắn hơn khoảng cách thế hệ.
Ngoài việc đáp ứng nhu cầu giải trí, kết nối cá nhân, tham gia mạng xã hội người cao tuổi sẽ được cập nhật những thông tin về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đầy đủ hơn, nhanh hơn.
Thông qua những nhóm zalo của tổ dân, khu phố, các đoàn thể, người cao tuổi có thể nắm bắt thông tin cần thiết và trao đổi thống nhất ý kiến một cách nhanh chóng hơn.
Sử dụng mạng xã hội thông minh, chừng mực
Nhu cầu tiếp cận thông tin xã hội, trao đổi, chia sẻ, nói lên tiếng nói của mình... đều được chiếc điện thoại thông minh đáp ứng thông qua clip sự kiện, thông tin chia sẻ trên facebook, zalo cá nhân, bình luận... nên dần dần công cụ này trở thành người bạn thân thiết của người già.
Bên cạnh những mặt tích cực thì mạng xã hội cũng là "con dao hai lưỡi" tiềm ẩn những nguy cơ khó lường nhất là đối với người cao tuổi. Trên thực tế, người cao tuổi và trẻ em đều dễ lạm dụng mạng xã hội nhưng người già có nhiều thời gian rỗi hơn nên họ sử dụng mạng xã hội cũng nhiều hơn.
Tuy nhiên, sự am hiểu công nghệ ở mức độ nhất định, cũng khiến người cao tuổi dễ dàng trở thành mục tiêu hàng đầu của các đối tượng lừa đảo.
Theo các chuyên gia an ninh mạng, người cao tuổi hiện là đối tượng yếu thế khi tham gia vào không gian mạng, rất cần được tăng cường các giải pháp bảo vệ.
Trong đó, con cháu, lớp trẻ là những người có điều kiện và khả năng tiếp cận công nghệ bài bản hơn, vì thế có thể chủ động tìm hiểu thói quen sử dụng mạng xã hội của cha mẹ và cài đặt, hướng dẫn cách sử dụng thành thạo các ứng dụng đọc báo, xem phim, nghe nhạc uy tín, đảm bảo người già được tiếp nhận thông tin chính xác. Từ đó, giảm thiểu những rủi ro và giúp người cao tuổi sử dụng mạng xã hội an toàn.
Thực tế, hiện nay vẫn chưa có chương trình hay nội dung chính thức nào về “kiến thức số” hay “an toàn trực tuyến” dành riêng cho người cao tuổi.
Chính vì vậy, sự kết nối giữa các thành viên trong gia đình hỗ trợ các hoạt động trực tuyến của người cao tuổi là giải pháp hiệu quả hiện nay. Để thực hiện được trách nhiệm đó, người trẻ cũng cần phải trang bị thêm kiến thức, hiểu biết về an toàn trực tuyến để tự tin trong việc hỗ trợ ông bà, cha mẹ.
Cùng với đó, mỗi người cao tuổi cũng cần tự cân bằng quỹ thời gian phù hợp để sử dụng mạng xã hội tránh làm ảnh hưởng tới sức khỏe.
Đồng thời, đề cao cảnh giác trước những chiêu trò lừa đảo trên mạng xã hội, luôn cẩn trọng khi tiếp nhận thông tin để không ảnh hưởng đến cuộc sống đời thực và tránh những rắc rối làm tổn hại đến tình cảm, uy tín, tài sản...
Có như vậy, internet nói chung và mạng xã hội nói riêng mới mang lại những giá trị hữu ích, góp phần làm thay đổi, mang đến thêm niềm vui về tâm trí, sức khỏe cho người cao tuổi.