Giải “cơn khát” vốn tín dụng cho khu vực kinh tế tập thể
Trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều biến động, việc tháo gỡ bài toán vốn không chỉ giúp Hợp tác xã (HTX) phát triển bền vững, mà còn góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu phát triển kinh tế xanh, tạo cú hích mới cho khu vực kinh tế tập thể.
Khó tiếp cận nguồn vốn
Thông tin tại “Hội nghị Hỗ trợ hợp tác xã tiêu biểu nâng cao năng lực tiếp cận vốn vay, kết nối giao thương và chuyển đổi số” diễn ra ngày 12/4 tại TP. Hà Nội, đại diện Liên minh HTX Việt Nam cho biết, hiện chỉ có khoảng 5 – 10% trong tổng số hơn 33.000 HTX trên cả nước tiếp cận được các nguồn vốn tín dụng khác nhau. Trong khi đó, hầu hết HTX chỉ có khả năng tự lực vốn ở mức dưới 20%.

Thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ về tín dụng cho loại hình kinh tế tập thể, HTX. Thế nhưng thực tế, các ngân hàng thương mại yêu cầu rất nhiều thủ tục ngặt nghèo nên các HTX rất khó tiếp cận. Những khó khăn về nguồn vốn tín dụng khiến không ít HTX không thể thực hiện kế hoạch sản xuất, từ đó vuột mất cơ hội hợp tác với khách hàng.
Chia sẻ về những khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng, ông Tạ Việt Hùng - Giám đốc HTX đầu tư nông trại xanh và phát triển bò Ba Vì (huyện Ba Vì, TP. Hà Nội) cho biết, đơn vị đang có kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư dây chuyền chế biến nâng cao chất lượng sản phẩm. Định hướng là như vậy nhưng HTX cũng nhận thức được khó khăn khi tiếp cận các nguồn vốn, tín dụng để đầu tư sản xuất.
“Tôi có kiến nghị, đề xuất là Chính phủ làm sao ra các chính sách cho phù hợp để tháo gỡ khó khăn cho HTX. Thứ hai, các thủ tục liên quan đến vay vốn của Ngân hàng nói chung và Quỹ tín dụng nói riêng thông thoáng nhất, bỏ những thủ tục không cần thiết”, ông Tạ Việt Hùng mong muốn.
Ngoài nguồn vốn tín dụng, nhiều HTX cũng trông chờ vào nguồn Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX Việt Nam. Tuy nhiên, hoạt động của Quỹ hiện vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng. Cụ thể, trong số 100 HTX tiêu biểu được vinh danh tại Giải thưởng “Ngôi sao HTX - CoopStar Awards 2025”, chỉ có 16 HTX nhận được 31 khoản vay từ Quỹ.
Điều này phản ánh thực trạng còn hơn 80 HTX chưa tiếp cận được vốn – một phần do cơ chế cho vay trước đây của Quỹ còn bó hẹp về đối tượng, chỉ giới hạn cho vay đối với HTX, liên hiệp HTX và vay đầu tư; phần khác là do nhiều HTX chưa có đủ thông tin hoặc hiểu biết về các chính sách, thủ tục vay vốn từ Quỹ.
Nâng cao năng lực về tổ chức và tài chính
Theo ông Lê Văn Tuấn - Phó trưởng Ban Chính sách tín dụng, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank), tính tới cuối quý 1/2025, dư nợ cho vay HTX tại Agribank đạt 1.916 tỷ đồng, tăng 2,6%, tương đương 48 tỷ đồng so với cuối năm 2024. Trong số đó, HTX nông lâm thủy sản 433,6 tỷ đồng; HTX công nghiệp chế biến, chế tạo 341,8 tỷ đồng; HTX xây dựng 222,7 tỷ đồng.
Thế nhưng, thực tế cho thấy việc cấp tín dụng cho các HTX còn gặp khá nhiều khó khăn bởi đa số HTX chưa có trụ sở làm việc, không có nhà xưởng, kho chứa đủ khả năng bảo quản. Đi liền đó, các HTX cũng thường không có tài sản bảo đảm để vay vốn hoặc thế chấp bằng tài sản của xã viên nên việc xử lý tài sản bảo đảm khi cần thiết gặp nhiều khó khăn.
Ngoài ra, năng lực quản lý, điều hành, tổ chức sản xuất kinh doanh và trình độ lao động của HTX còn nhiều hạn chế. Nhiều HTX chưa đáp ứng về vốn đối ứng và hệ thống báo cáo tài chính chưa hoàn thiện, phương án vay vốn kém khả thi, chưa minh bạch về tài chính, dòng tiền, không có hóa đơn chứng từ, hạch toán, kế toán chưa đúng quy định của pháp luật…
Để tháo gỡ khó khăn giúp HTX chủ động về nguồn vốn, ông Lê Văn Tuấn khẳng định, Agribank chủ trương tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khu vực HTX như điều hành chủ động, linh hoạt các mức lãi suất của Ngân hàng Nhà nước để kiểm soát và điều tiết lãi suất thị trường phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ; thực hiện các giải pháp về hoạt động tín dụng nhằm tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng giữa tổ chức tín dụng và khách hàng; trong đó, có HTX. Đại diện Agribank cũng khuyến khích các HTX chủ động thu hút thêm thành viên, hoặc sáp nhập theo ngành nghề, địa bàn nhằm nâng cao năng lực tài chính và quy mô hoạt động.
Tương tự, bà Hoàng Thị Chương - Phó giám đốc Ban tín dụng học sinh, sinh viên và các đối tượng chính sách, Ngân hàng Chính sách xã hội chỉ ra rằng, nhu cầu vay vốn ưu đãi của các HTX là khá lớn nhưng số lượng HTX tiếp cận với các nguồn vốn tín dụng ưu đãi còn khiêm tốn bởi hầu hết HTX đều có quy mô vốn tự có nhỏ, tài sản thuộc sở hữu của HTX để đảm bảo còn thấp so với nhu cầu vay. Hơn nữa, phương án sản xuất, kinh doanh chưa mang tính khả thi nên không đáp ứng đầy đủ điều kiện vay vốn. Một số HTX chưa mở đầy đủ hệ thống sổ sách theo quy định, chưa thể hiện đủ minh bạch mọi hoạt động của HTX.
Vì vậy, bà Hoàng Thị Chương đề nghị, Liên minh HTX, Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX và các tổ chức liên quan tăng cường hỗ trợ cho HTX, liên hiệp HTX, tổ hợp tác trong việc nâng cao năng lực về tổ chức và tài chính đảm bảo các điều kiện vay vốn. Mặt khác, các HTX, tổ hợp tác, đặc biệt là các HTX quy mô nhỏ cần đảm bảo việc điều hành, quản lý tài chính an toàn, hiệu quả, minh bạch, sổ sách báo cáo tài chính đầy đủ, đúng quy định. Việc sử dụng vốn vay đảm bảo đúng mục đích, vì quyền lợi của các thành viên.
Các gói vay tại Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX Việt Nam đang có lãi suất rất hấp dẫn. Cụ thể, với khoản vay ngắn hạn lãi suất ưu đãi đối với các lĩnh vực ưu tiên chỉ từ 4%/năm và 4,6%/năm với các lĩnh vực khác. Trong khi đó với các khoản vay trung hạn lĩnh vực ưu tiên có lãi suất 4,7%/năm, còn lĩnh vực khác là 5,2%/năm. Đối với khoản vay dài hạn là 4,7%/năm và 5,2%/năm với lần lượt lĩnh vực ưu tiên và lĩnh vực khác.