Tạo thuận lợi cho hợp tác xã tiếp cận tín dụng


Những năm qua, kinh tế tập thể, nòng cốt là hợp tác xã đã có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng, song vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra, còn nảy sinh một số bất cập, hạn chế cần giải quyết. Việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng của khu vực này còn gặp nhiều khó khăn do chưa đáp ứng các điều kiện, yêu cầu vay vốn tối thiểu,...

Nông dân Hợp tác xã Đức Chính (huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương) chế biến và đóng gói cà rốt. Ảnh: An Khánh
Nông dân Hợp tác xã Đức Chính (huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương) chế biến và đóng gói cà rốt. Ảnh: An Khánh

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), đến cuối tháng 2/2024, tín dụng đối với khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã đạt 6.043 tỷ đồng, giảm 1,68% so với cuối năm 2023; trong đó, tín dụng đối với hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp đạt 2.000 tỷ đồng; cho vay không có tài sản bảo đảm đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trong nông nghiệp đạt 153 tỷ đồng.

Tỷ lệ cho vay vốn “nhỏ giọt”

Có thể nói, để hỗ trợ kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển, ngành ngân hàng đã triển khai nhiều chính sách tín dụng ưu đãi theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015, Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 7/9/2018 của Chính phủ. Bên cạnh đó, Ngân hàng Chính sách xã hội cũng đang triển khai nhiều chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước, trong đó hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được vay ưu đãi theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP ngày 26/4/2022 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

“Phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã là chủ trương lớn được Đảng và Nhà nước quan tâm, hỗ trợ. Chính vì vậy, bám sát các nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước về kinh tế tập thể, thời gian qua NHNN đã xác định khu vực kinh tế tập thể nói chung và hợp tác xã nói riêng là một trong những đối tượng ngành ngân hàng ưu tiên đầu tư tín dụng, chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp mở rộng tín dụng”, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) Phạm Thị Thanh Tùng khẳng định.

Thí dụ như đối với vấn đề lãi suất, NHNN quy định trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VNĐ đối với các lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, ứng dụng công nghệ cao) được hưởng lãi suất thấp hơn của lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thông thường (hiện nay là 5,5%/năm) đối với khách hàng có tình hình tài chính minh bạch, lành mạnh; trong đó hợp tác xã hoạt động trong các lĩnh vực ưu tiên được các tổ chức tín dụng xem xét áp dụng trần lãi suất cho vay ưu tiên này. Theo tổng hợp báo cáo, hiện nhiều ngân hàng thương mại đang áp dụng lãi suất cho vay đối với hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác thấp hơn lĩnh vực sản xuất thông thường từ 1% đến 1,5% (hiện đang áp dụng 4%/năm).

Tuy nhiên, dù là đối tượng được ưu tiên, nhưng trên thực tế, đây lại là khu vực có tỷ lệ tiếp cận vốn vay từ hệ thống ngân hàng khá nhỏ bé và có xu hướng giảm trong vài năm gần đây. Số liệu từ NHNN cho thấy, năm 2020, tổng dư nợ tín dụng đối với khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã đạt 7.446 tỷ đồng, tăng 11,12% so với cuối năm 2019; đến năm 2021, tổng dư nợ tín dụng đối với khu vực này chỉ còn 7.214 tỷ đồng, giảm 3,12% so với cuối năm 2020. Năm 2022, tổng dư nợ tín dụng là 6.316 tỷ đồng, giảm 12,45% so với cuối năm 2021 và đến năm 2023, tổng dư nợ tín dụng tiếp tục giảm xuống còn 6.146 tỷ đồng, giảm 2,69% so với cuối năm 2022.

Cần thêm lực đẩy

Nguyên nhân tín dụng đối với khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã còn thấp đã được các cấp, các ngành chỉ ra và tại Nghị quyết số 20 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng cũng đã chỉ rõ: Hợp tác xã thiếu tài sản bảo đảm, thiếu minh bạch tài chính, làm ăn kém hiệu quả, quản trị yếu. Mặt khác, do dịch bệnh và khó khăn của nền kinh tế, cùng với áp lực biến động giá cả hàng hóa, nguyên vật liệu đầu vào, nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động đầu tư, kết quả kinh doanh của hợp tác xã, dẫn đến nhu cầu vay vốn tín dụng của hợp tác xã giảm. Năng lực nội tại của hợp tác xã và hiệu quả hoạt động còn yếu, mô hình tổ chức lỏng lẻo, chưa phù hợp, trình độ cán bộ quản lý chưa tốt; vấn đề thị trường, ứng dụng khoa học-kỹ thuật, chuyển đổi số trong hoạt động của hợp tác xã còn nhiều hạn chế.

Ngoài ra, theo phản ánh của các tổ chức tín dụng, vấn đề cơ chế quản lý, pháp lý và địa vị pháp lý của tổ chức kinh tế hợp tác cũng gây khó khăn cho tổ chức tín dụng khi xác định trách nhiệm, nghĩa vụ nợ cho vay đối với loại hình kinh tế tập thể. Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam Tô Hoài Thanh cho biết, hợp tác xã hiện nay khó tiếp cận vốn do năng lực tài chính của hợp tác xã kém, trong khi để vay vốn hợp tác xã phải có nguồn vốn tự có từ 20% đến 30% vốn đầu tư dự án. Đây là yêu cầu bắt buộc khi vay vốn ngân hàng mà rất nhiều hợp tác xã không đáp ứng được. Nhiều hợp tác xã không có đầy đủ hệ thống sổ sách theo quy định, thiếu hệ thống báo cáo chuẩn về tình hình tài chính; sổ sách kế toán chưa đáp ứng yêu cầu rõ ràng, minh bạch. “Những vướng mắc đó khiến các ngân hàng khó đánh giá hiệu quả hoạt động của hợp tác xã để thẩm định và quyết định việc cho vay”, ông Thanh cho biết.

Từ phía hợp tác xã, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã đầu tư nông trại xanh và phát triển bò Ba Vì (Hà Nội) Tạ Viết Hùng chia sẻ, do tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã có quy mô nhỏ, sức cạnh tranh yếu, hạn chế về khả năng huy động nguồn lực từ thị trường để đầu tư sản xuất, kinh doanh; nhất là đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp rủi ro cao cho nên phần lớn hợp tác xã bị hạn chế trong việc tiếp cận vốn vay và cũng không có tài sản để thế chấp. Phương án kinh doanh của hợp tác xã còn thiếu tính khả thi và không đáp ứng được các điều kiện vay vốn do ngân hàng đặt ra. Do đó, ông Hùng đề xuất giải pháp: Chính phủ cần xây dựng cơ chế đặc thù để phù hợp với từng vùng miền, ngành nghề khác nhau trong cả nước; đồng thời, xem xét chỉ đạo NHNN, các bộ, ngành liên quan và các ngân hàng thương mại cắt giảm điều kiện, thủ tục không cần thiết khi hợp tác xã có nhu cầu vay vốn ưu đãi và có phương án thế chấp tài sản hình thành từ vốn vay; thời gian vay vốn dài để bảo đảm duy trì sản xuất, kinh doanh.

Đồng quan điểm, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Công Bằng Thuận An (Đắk Nông) Nguyễn Hữu Hạ cũng cho biết, hiện nay các quy định cho vay chặt chẽ của ngân hàng khiến hợp tác xã khó tiếp cận nguồn vốn. “Hợp tác xã chúng tôi có giá trị tài sản chung hơn 10 tỷ đồng nhưng không thể tiếp cận được nguồn vốn do thủ tục phức tạp, rườm rà”, ông Hạ chia sẻ. Vì vậy, ông Hạ kiến nghị các ngân hàng xem xét giảm bớt thủ tục hành chính cho vay, như định giá tài sản, vay lưu động giải ngân linh động, vay dự trữ lưu kho, ưu tiên cho vay đối với các hợp tác xã đang kinh doanh hiệu quả, hoạt động đúng bản chất hợp tác xã.

Về phía các tổ chức tín dụng, để tạo điều kiện cho ngành ngân hàng triển khai nhiệm vụ hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã bền vững, bà Phạm Thị Thanh Tùng đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần sớm trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Hợp tác xã (có hiệu lực từ ngày 1/7/2024) để triển khai đồng bộ các cơ chế hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; đồng thời, ưu tiên, bố trí và lồng ghép các nguồn vốn, nhất là nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để thực hiện các chính sách ưu đãi, hỗ trợ hợp tác xã; tăng hiệu quả hoạt động của quỹ hỗ trợ hợp tác xã tại các địa phương, hỗ trợ vốn, bảo lãnh vay vốn cho hợp tác xã,...

Để nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng, bản thân các hợp tác xã cần bảo đảm đủ các điều kiện, yêu cầu của một tổ chức hợp tác xã (về nguồn vốn, tài sản, nguồn nhân lực, phương án sản xuất, kinh doanh,...); bảo đảm hoạt động đúng bản chất của hợp tác xã; xây dựng và triển khai phương án sản xuất, kinh doanh hiệu quả, tham gia và tuân thủ các quy định của mô hình sản xuất liên kết, minh bạch tài chính, dòng tiền, trả nợ đúng hạn, làm cơ sở để các tổ chức tín dụng dễ dàng cho vay.

Theo nhandan.vn