Giải ngân vốn đầu tư công: Gỡ khó để đẩy nhanh tiến độ các dự án
Để thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép” thì việc đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công là rất quan trọng. Thực hiện tốt giải pháp này, không chỉ góp phần đảm bảo cho tăng trưởng, mà còn bù đắp vào những thiếu hụt do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 gây ra.
Tỷ lệ giải ngân đạt thấp
Theo thống kê của Sở Kế hoạch - Đầu tư Bạc Liêu, tính đến trung tuần tháng 9/2021 giải ngân được 1.004.080/3.330.348 triệu đồng, đạt tỷ lệ 30,15%. Trong đó, nguồn ngân sách địa phương giải ngân 787.138/2.223.150 triệu đồng và nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ giải ngân 216.942/1.107.198 triệu đồng. Riêng nguồn vốn kéo dài từ năm 2020 sang năm 2021, đã giải ngân 123.627/757.891 triệu đồng, đạt 16,31% kế hoạch.
Nguyên nhân tỷ lệ giải ngân đạt thấp là do nguồn vốn chưa phân bổ chi tiết cho các dự án còn khá lớn (514.952 triệu đồng) làm ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân chung. Trong khi đó, đến cuối tháng 8/2021 vốn ngân sách địa phương mới được giao chi tiết cho các dự án nên tỷ lệ giải ngân của các huyện có giảm so với tháng trước (vì mới được bổ sung vốn). Cùng với đó, tiến độ giải ngân các dự án rất chậm, đạt tỷ lệ giải ngân thấp mà nguyên nhân chính là do các nhà thầu xây dựng ngoài tỉnh đi lại hết sức khó khăn, không huy động được nhân lực trong tình hình thực hiện giãn cách xã hội…
Ngoài ra, do thời tiết diễn biến bất lợi, cộng với giá vật liệu xây dựng tăng cao liên tục, nguồn cung ứng vật tư hạn chế… nên nhiều công trình, dự án bị chậm tiến độ thi công, hoặc phải tạm ngừng thi công.
Song song đó, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về đơn giá, phương án bồi thường, khó khăn trong di dời các công trình tiện ích và qua tổng hợp, các dự án do Ban nông nghiệp và Ban giao thông làm chủ đầu tư đa phần tiến độ chậm, chủ yếu do vướng công tác GPMB…
Phấn đấu giải ngân đạt trên 90%
Với mục tiêu được Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu - Phạm Văn Thiều chỉ đạo và giao cho các chủ đầu tư phải giải ngân vốn đầu tư công năm nay đạt trên 90%, từ nay đến cuối năm, các ngành, địa phương và các chủ đầu tư phải nỗ lực phấn đấu không ngừng với một quyết tâm cao. Theo đó, sẽ tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp quan trọng như: tiếp tục cố gắng và phấn đấu nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ giao (theo Nghị quyết 63/NQ-CP ngày 29/6/2021), giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 đạt 95 - 100% và phấn đấu đến hết quý 3/2021 giải ngân tối thiểu 60% kế hoạch.
Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu yêu cầu các chủ đầu tư, địa phương báo cáo cụ thể nguyên nhân giải ngân chậm từng dự án để Tổ công tác của UBND tỉnh xem xét giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. Đồng thời, báo cáo khó khăn trong GPMB để Ban chỉ đạo công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các dự án trên địa bàn tỉnh giải quyết triệt để.
Đối với các sở, ngành cần quyết tâm vì mục tiêu chung, chia sẻ khó khăn, tập trung nguồn lực, chỉ đạo quyết liệt trong công tác thẩm định hồ sơ có liên quan để đủ điều kiện tổ chức lựa chọn nhà thầu. Trong đó, ưu tiên xử lý các hồ sơ liên quan đến công tác GPMB, thẩm định dự án, thẩm định thiết kế - dự toán như: Mở rộng nâng cấp đô thị Việt Nam - Tiểu dự án TP. Bạc Liêu; Dự án đầu tư xây dựng kè chống ngập dọc theo Quốc lộ 1A qua địa bàn tỉnh Bạc Liêu; Dự án kè chống sạt lở bờ sông trên địa bàn TX. Giá Rai…
Cùng với đó, các chủ đầu tư tập trung nguồn lực, nhân lực, chỉ đạo các đơn vị có liên quan đến đầu tư xây dựng khắc phục mọi khó khăn, sớm hoàn thiện các hồ sơ có liên quan để tổ chức lựa chọn nhà thầu thi công đối với dự án khởi công mới trong năm 2021. Đồng thời, tập trung nhân công, thiết bị, vật tư để đẩy nhanh tiến độ đối với các gói thầu đang thực hiện, khi có khối lượng cần hoàn thiện hồ sơ để thanh toán sớm cho các nhà thầu nhằm giảm áp lực về tài chính trong tình hình khó khăn hiện nay; các gói thầu đã có khối lượng cần thanh toán phải nhập dự toán ngay để đủ điều kiện thanh toán, tăng tỷ lệ giải ngân... đảm bảo giải ngân đến hết ngày 30/9/2021 đạt trên 60% theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ…