TP. Cần Thơ:
Gỡ “nút thắt” giải ngân vốn đầu tư công
Sau gần 2 tháng thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg, tình hình giải ngân vốn đầu tư công của TP. Cần Thơ gặp không ít khó khăn, tỷ lệ giải ngân các nguồn vốn đều đạt thấp so với kế hoạch. Gỡ "nút thắt" cho đầu tư công trong điều kiện đảm bảo an toàn phòng, chống dịch ở những tháng cuối năm là nhiệm vụ vô cùng cấp bách và cần có những giải pháp phù hợp.
Theo Sở Kế hoạch và Ðầu tư TP. Cần Thơ, năm 2021, tổng số các nguồn vốn đầu tư công của thành phố trên 6.896 tỉ đồng, UBND thành phố đã ban hành các quyết định phân bổ chi tiết với số vốn trên 5.982 tỉ đồng.
Trong đó, nguồn vốn ngân sách Trung ương trên 2.331 tỉ đồng, ngân sách địa phương trên 3.650,7 tỉ đồng. Tính đến ngày 31/8, nguồn vốn thuộc kế hoạch năm 2021, giá trị giải ngân vốn đạt hơn 1.217 tỉ đồng/5.982 tỉ đồng vốn đã được phân bổ; chiếm tỷ lệ 20,34% kế hoạch vốn. So với cùng kỳ năm 2020, kết quả giải ngân vốn thấp hơn 519,497 tỉ đồng về giá trị và thấp hơn 6,7% về tỷ lệ.
Trong đó, cấp thành phố giải ngân đạt tỷ lệ 18,59% kế hoạch vốn; cấp quận, huyện giải ngân đạt 23,95% kế hoạch vốn. Nhìn chung, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ kể từ giữa tháng 7 đến nay, việc huy động nhân lực và nguyên vật liệu gặp rất nhiều khó khăn. Trừ một số công trình đảm bảo điều kiện thực hiện "3 tại chỗ" và duy trì thi công thì hầu hết các hoạt động thi công xây dựng cơ bản phải dừng hoàn toàn, dẫn đến kết quả thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công chậm lại càng chậm.
Năm 2021, quận Ninh Kiều được phân bổ vốn xây dựng cơ bản trên 333 tỉ đồng. Nguồn vốn này chủ yếu tập trung phân bổ cho lĩnh vực giao thông, giáo dục, hạ tầng khu tái định cư… Ông Huỳnh Trung Trứ, Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều, cho biết, đến cuối tháng 8, tỷ lệ giải ngân vốn xây dựng cơ bản đạt trên 35%.
Trong giai đoạn thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg, hầu hết các công trình xây dựng cơ bản trên địa bàn quận đều tạm ngưng hoạt động để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch. Hiện quận đang xây dựng phương án đề xuất cho các nhóm doanh nghiệp liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản phục vụ thi công các công trình của quận và thành phố được hoạt động trở lại theo phương án "3 tại chỗ" hoặc theo phương án "1 cung đường, 2 điểm đến".
Ðồng thời, quận đang xem xét cho phép một số công ty, doanh nghiệp kinh doanh, cung ứng vật liệu xây dựng, trang thiết bị được hoạt động trở lại để phục vụ cho các công trình. Yêu cầu trước hết là phải vừa thực hiện kiểm soát dịch bệnh, vừa triển khai khởi động thi công công trình. Các đơn vị chủ đầu tư thi công các công trình này phải quản lý công nhân chặt chẽ, đăng ký để được bố trí tiêm vaccine, xét nghiệm định kỳ, tổ chức nơi ăn nghỉ, đảm bảo điều kiện sức khỏe và an toàn phòng chống dịch để hoạt động trở lại.
Ðể đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công đòi hỏi phải có kế hoạch, phương án cụ thể ở từng địa bàn quận, huyện. Ông Trần Thanh Bình - Chủ tịch UBND quận Bình Thủy, cho biết: Năm 2021, quận Bình Thủy bố trí kế hoạch vốn đầu tư cho 26 công trình, trước mắt khởi công 10 công trình, các công trình còn lại quận sẽ tập trung khởi công trong những tháng tiếp theo của năm. Theo ông Bình, do tuân thủ các quy định về giãn cách nên ngày 8/9, HÐND quận đã tổ chức kỳ họp HÐND theo hình thức trực tuyến.
Ngay sau kỳ họp này, Kế hoạch đầu tư công trung hạn được phê duyệt để làm cơ sở cho các đơn vị được giao làm chủ đầu tư nhanh chóng triển khai các dự án khởi công mới, thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng cuối năm. Trước tình hình thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg, các công trình xây dựng cơ bản trên địa bàn quận khi triển khai thi công phải đảm bảo an toàn phòng, chống dịch theo phương châm "vừa cách ly, vừa thi công". Ðơn cử như dự án khu tái định cư Bình Thủy (Khu I) là công trình cấp bách, trọng điểm đang tổ chức triển khai thi công theo "3 tại chỗ" để kịp bàn giao đủ số lượng nền tái định cư cho các dự án của thành phố.
Theo ông Lê Thanh Tâm - Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư Cần Thơ, các sở, ban, ngành, quận, huyện cần khẩn trương rà soát và có báo cáo cụ thể về dự kiến kết quả giải ngân đến cuối năm 2021, kể cả kế hoạch vốn năm 2021 và các nguồn vốn kéo dài. Trong đó cần làm rõ, đánh giá chính xác những khó khăn, đề xuất giải pháp tháo gỡ, đánh giá khả năng giải ngân, đề xuất điều chỉnh, bổ sung (nếu có), gửi về Sở Kế hoạch và Ðầu tư để tổng hợp báo cáo UBND thành phố Cần Thơ.
Sở Kế hoạch và Ðầu tư cũng đề xuất Trung tâm phát triển quỹ đất thành phố, Ban Quản lý dự án và phát triển quỹ đất quận, huyện khẩn trương đẩy nhanh thực hiện các thủ tục kiểm đếm, kê biên áp giá, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư các dự án. Một phần tạo điều kiện để người dân sớm được nhận tiền đền bù ổn định đời sống sau thời gian giãn cách. Ðây là cơ hội cũng là thách thức cần sớm triển khai.
Ðồng thời, các đơn vị cần tập trung hỗ trợ nhà thầu triển khai thi công; đẩy nhanh thủ tục chuẩn bị đầu tư, thủ tục đấu thầu, đặc biệt là quá trình rà soát, điều chỉnh dự toán do áp dụng định mức mới, sớm tổ chức đấu thầu trong tháng 9/2021, khởi công công trình trong tháng 10 đối với các dự án khởi công mới.
Sở cũng đề nghị Sở Y tế Cần Thơ quan tâm phối hợp với các quận, huyện hỗ trợ nhà thầu thi công trong việc hướng dẫn các quy định về đảm bảo công tác phòng, chống dịch, có kế hoạch tiêm vaccine cho lực lượng lao động trong trường hợp chưa được tiêm ở địa phương do chưa thuộc các đối tượng ưu tiên.