Giải ngân vốn đầu tư công tại Hà Nội đạt thấp

Theo Nguyên Trang/nhandan.vn

Hết sáu tháng đầu năm 2022, thành phố Hà Nội mới giải ngân vốn đầu tư công đạt 21,1% kế hoạch. Tỷ lệ này tuy cao hơn năm 2021 nhưng vẫn còn thấp so với bình quân chung của cả nước, đòi hỏi cần có những giải pháp quyết liệt hơn.

Tiến độ thi công đoạn ngầm (dài 4km) đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn-Ga Hà Nội mới đạt 33%, tiến độ toàn dự án mới đạt 74,7%.
Tiến độ thi công đoạn ngầm (dài 4km) đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn-Ga Hà Nội mới đạt 33%, tiến độ toàn dự án mới đạt 74,7%.

Ngay từ đầu năm 2022, TP. Hà Nội đã triển khai nhiều kế hoạch, giải pháp nhằm đẩy mạnh giải ngân kế hoạch đầu tư công, xác định đây là nhiệm vụ quan trọng để phục hồi kinh tế sau COVID-19. Tuy nhiên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, Đỗ Anh Tuấn cho biết, đến ngày 30/6/2022, thành phố mới giải ngân được 10.777 tỷ đồng, đạt 21,1% kế hoạch.

Theo đánh giá của Ban Kinh tế-Ngân sách, Hội đồng nhân dân TP. Hà Nội, tỷ lệ giải ngân vốn các dự án đầu tư công còn thấp, nhiều đơn vị, lĩnh vực chưa giải ngân hoặc giải ngân dưới 10%. Công tác triển khai thủ tục đầu tư các dự án rất chậm. Còn nhiều dự án chuyển tiếp (khởi công những năm trước), trong đó nhiều dự án thuộc danh mục công trình trọng điểm giai đoạn 2016-2020, 2021-2025, nhưng cũng ở trong tình trạng triển khai chậm, giải ngân thấp. Đơn cử như Dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn-Ga Hà Nội có chiều dài 12,5km với tổng mức đầu tư 32.900 tỷ đồng. Đến thời điểm hiện tại, tiến độ thi công đoạn ngầm (dài 4km) mới đạt 33%, tiến độ toàn dự án mới đạt 74,7% và vẫn đang gặp nhiều vướng mắc trong triển khai thi công đoạn đi ngầm. 

Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách Hồ Vân Nga nhấn mạnh: “Hiện nay, số vốn chưa phân bổ chi tiết còn lớn, lên tới hơn 3.200 tỷ đồng. Đồng thời, nguồn vốn bổ sung từ tăng thu và kết dư ngân sách năm 2021 của thành phố cũng chưa được xem xét đề xuất phương án sử dụng. Việc chậm phân bổ và sử dụng các nguồn vốn này là chưa quán triệt theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ trong triển khai Chương trình hành động thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội năm 2022-2023”.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, tỷ lệ giải ngân và thực hiện vốn đầu tư công sáu tháng đầu năm còn thấp, trong khi hoạt động xây dựng bị ảnh hưởng bởi giá nhiên liệu, nguyên vật liệu tăng cao. Trong quá trình triển khai thực hiện dự án, một số dự án phát sinh một số hạng mục, chi phí, dẫn đến phải điều chỉnh dự án, một số trường hợp vượt tổng mức đầu tư phải điều chỉnh chủ trương đầu tư, cho nên ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và kết quả giải ngân của dự án. Vẫn còn một số vướng mắc liên quan đến phê duyệt chỉ giới đường đỏ; phê duyệt, điều chỉnh giá đất bồi thường giải phóng mặt bằng; phê duyệt chủ trương đầu tư; thẩm định phê duyệt dự án lĩnh vực giao thông…

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền cho rằng, tỷ lệ giải ngân thấp có những nguyên nhân khách quan do dịch bệnh, giá vật tư nguyên liệu đầu vào…, nhưng rõ ràng, công tác tham mưu chỉ đạo, điều hành trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các đơn vị cần xem lại. Thời gian tới cần tính toán toàn bộ các vấn đề liên quan phê duyệt kế hoạch đấu thầu, dự án nào không hoàn thành theo tiến độ thì phải xem xét lại trách nhiệm, đơn vị nào không thực hiện thanh toán theo mốc thời gian yêu cầu thì cần xem lại trách nhiệm chủ đầu tư… Đơn vị nào thực hiện vốn ngân sách của thành phố chậm thì cần xem xét năm sau không giao cho đơn vị đó nữa.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, Đỗ Anh Tuấn nhấn mạnh, thành phố xác định việc thực hiện và thúc đẩy giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2022 là nhiệm vụ quan trọng để thúc đẩy, phục hồi phát triển kinh tế - xã hội sau những tác động của dịch COVID-19. Do đó, thời gian tới, mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi chủ đầu tư phải nhận thức về yêu cầu, nhiệm vụ, trách nhiệm trong việc triển khai thực hiện các quy định, các chỉ đạo về đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân, nâng cao hiệu quả sử dụng kế hoạch vốn đầu tư công. Thực hiện báo cáo công khai kết quả giải ngân hằng tháng, hằng quý trên Cổng Thông tin điện tử thành phố và tại cuộc họp giao ban hằng tháng của Ủy ban nhân dân thành phố để theo dõi, giám sát. Sở Nội vụ sẽ chủ trì kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu và tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố xử lý nghiêm các đơn vị giải ngân chậm do nguyên nhân chủ quan, chưa nỗ lực cố gắng. Bên cạnh đó, phải nâng cao trách nhiệm, quyết tâm của các chủ đầu tư, nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư dự án, chủ động dự báo các khó khăn, vướng mắc khi lập, thẩm định và phê duyệt dự án…

Tại kỳ họp thứ bảy vừa qua, Hội đồng nhân dân TP. Hà Nội khóa 16 đã đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố cần rà soát quy trình chỉ đạo điều hành, quy trình vận hành và giải ngân vốn đầu tư công, không dừng lại ở mức đôn đốc nhắc nhở, bởi nguyên nhân chậm không phải chỉ do một đơn vị, một chủ đầu tư, mà còn do cả quá trình tổ chức thực hiện dự án từ thủ tục tới thi công.

Thành phố cần có biện pháp tăng cường công tác thanh tra công vụ nhằm đẩy nhanh tiến độ giải quyết thủ tục, phát hiện, làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm những hạn chế, tồn tại trong quá trình thụ lý hồ sơ và tổ chức thực hiện, nhất là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Qua đó, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công, nhất là các công trình, dự án trọng điểm, đã xác định mục tiêu hoàn thành trong giai đoạn 2022-2025.