Giải ngân vốn đầu tư đã khởi sắc

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

Với tỷ lệ giải ngân trong tháng 7 và tháng 8 vừa qua vượt lên bằng 50% của cả 6 tháng trước đó, có thể thấy Nghị quyết 60/NQ- CP (NQ60) của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2016 (ban hành ngày 8/7/2016).

Tính đến hết tháng 8, có 7 địa phương tỷ lệ giải ngân đạt từ 70% kế hoạch vốn năm 2016 trở lên.
Tính đến hết tháng 8, có 7 địa phương tỷ lệ giải ngân đạt từ 70% kế hoạch vốn năm 2016 trở lên.

Chính là “đòn bẩy” cho công tác này. Tỷ lệ giải ngân tăng cũng thể hiện sự nghiêm túc của một số bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện các giải pháp theo NQ60.      

Các bộ, ngành, địa phương cùng vào cuộc

Theo tổng hợp, tính đến hết tháng 8/2016, đã có một số bộ, ngành có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư đạt từ 60% kế hoạch vốn năm 2016 trở lên, như: Hội Nông dân Việt Nam (60,8%); Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (64,8%); Bộ Nội vụ (64,9%); Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao (66,6%); Ủy ban Dân tộc (68,3%); Hội Cựu chiến binh Việt Nam (89,7%).

Có 7 địa phương tỷ lệ giải ngân đạt từ 70% kế hoạch vốn năm 2016 trở lên là: Nam Định (97,7%); Thái Bình (82,6%); Cần Thơ (75%); Thanh Hóa (74,9%); Bắc Giang (73,2%); Quảng Ninh (72,9%) và Hải Dương (70,2%).

Theo đánh giá từ Kho bạc Nhà nước (KBNN), nhìn chung các bộ ngành, địa phương này đã rất tích cực và quyết liệt triển khai NQ60 của Chính phủ. Điều này được thể hiện qua việc, ngay sau khi NQ60 được ban hành, các bộ, ngành, địa phương đã ban hành các văn bản đôn đốc và hướng dẫn cụ thể cho các chủ đầu tư, ban quản lý dự án trực thuộc.

Chỉ đạo các đơn vị được giao nhiệm vụ chủ đầu tư dự án tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc để đẩy nhanh việc triển khai thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn năm 2016. Đồng thời đảm bảo tiến độ thi công công trình, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ thanh toán ngay với KBNN khi có khối lượng nghiệm thu.

Đối với dự án sắp hoàn thành, các bộ, ngành, địa phương đã đẩy nhanh tiến độ, hoàn thiện các thủ tục pháp lý, nghiệm thu khối lượng hoàn thành để đủ điều kiện thanh toán cho nhà thầu. Với các dự án khởi công xây mới, cũng đã khẩn trương hoàn thiện hồ sơ thiết kế, phê duyệt và tổ chức lựa chọn nhà thầu để sớm triển khai thi công.

Đặc biệt, theo KBNN, các bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân cao đã chủ động rà soát khối lượng thực hiện năm 2016, đề xuất trả vốn, tăng vốn trước 30/8/2016 để cấp có thẩm quyền điều chuyển kế hoạch vốn, đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn đầu tư.

Quyết liệt trong những tháng còn lại

Mặc dù tình hình giải ngân đã có dấu hiệu khởi sắc, nhưng theo đánh giá của KBNN, đến nay vẫn còn có một số bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp. Cụ thể như: Bộ Y tế (28%); Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (24,1%); tỉnh Khánh Hòa (30,6%); tỉnh Hưng Yên (31,7%)….

Đã có nhiều nguyên nhân được đưa ra để lý giải cho việc giải ngân thấp. Đơn cử như tại Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, đang vướng ở các dự án đầu tư xây dựng các Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại nước ngoài. Do tính chất đặc thù của các dự án này phụ thuộc vào các thủ tục đầu tư xây dựng của nước sở tại nên việc triển khai rất mất thời gian.

Công tác lựa chọn nhà thầu cũng gặp nhiều khó khăn khi nhà thầu phải đáp ứng được các yêu cầu của cả Việt Nam và nước sở tại. Theo như Bộ này cho biết, kế hoạch vốn năm 2016 cho các dự án trên ở nước ngoài là hơn 152 tỷ đồng (gồm cả vốn năm 2016 và vốn năm 2015 được kéo dài sang năm 2016) chưa giải ngân.

Hay như Bộ Y tế lại vướng ở việc phê duyệt dự án. Theo hướng dẫn xây dựng kế hoạch đầu tư năm 2016 cho phép khởi công mới, một số dự án có quyết định phê duyệt vào thời điểm sau 31/10/2015 (được phê duyệt dự án từ 30/11/2015 và 31/3/2016). Sau khi giao vốn, một số dự án mới triển khai thủ tục thiết kế kỹ thuật, dự toán và các thủ tục này thông thường kéo dài từ 9 đến 10 tháng.

Thiết kế được phê duyệt, các đơn vị mới tổ chức lựa chọn nhà thầu và triển khai thi công xây lắp, nên việc giải ngân các dự án này còn chậm, chủ yếu mới giải ngân chi phí tư vấn, thiết kế, giải phóng mặt bằng…

Để thúc đẩy giải ngân trong những tháng còn lại, giải pháp được KBNN đưa ra là các bộ, ngành, địa phương cần chỉ đạo các chủ đầu tư khẩn trương xử lý dứt điểm đối với những dự án có vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng để sớm bàn giao cho nhà thầu thi công xây dựng. Đồng thời, có biện pháp tháo gỡ khó khăn và chỉ đạo chủ đầu tư đẩy nhanh việc hoàn thiện hồ sơ gửi KBNN làm cơ sở kiểm soát, thanh toán, không để dồn việc thanh toán vào cuối năm.