Giải pháp chuyển đổi số trong các doanh nghiệp ở Thái Nguyên

Nguyễn Thị Thanh Thủy, Đỗ Văn Toàn

Chuyển đổi số là xu thế phát triển tất yếu, mang tính đột phá của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, có tác động mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Trong thời gian qua, tỉnh Thái Nguyên đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong công tác chuyển đổi số. Bài viết này tập trung phân tích thực trạng chuyển đổi số trong các doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên và chỉ ra một số khó khăn, thách thức trong quá trình triển khai hoạt động này. Trên cơ sở đó, bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả chuyển đổi số cho các doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên trong thời gian tới.

Đặt vấn đề

Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 31/12/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên về Chương trình chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 đặt ra mục tiêu: "Đổi mới căn bản, toàn diện công tác quản lý, điều hành của Nhà nước tiến tới xây dựng chính quyền số; phát triển kinh tế số, xã hội số và thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh theo hướng ứng dụng công nghệ số, hình thành các doanh nghiệp (DN) công nghệ số có sức cạnh tranh trên thị trường; phấn đấu đưa Thái Nguyên trở thành trung tâm chuyển đổi số của khu vực trung du miền núi phía Bắc, đến năm 2025 thuộc nhóm 15 tỉnh/thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025, tạo tiền đề đến năm 2030 thuộc nhóm 10 tỉnh/thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số."

Với việc triển khai quyết liệt Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” và Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 31/12/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên, đến nay, nền kinh tế số nói chung và chuyển đổi số nói riêng của tỉnh Thái Nguyên đã đạt được những kết quả rất tích cực.

Theo đó, 2022 là năm thứ hai liên tiếp Thái Nguyên xếp thứ 8/63 tỉnh/thành phố trong cả nước về Chỉ số chuyển đổi số (DTI) và trong 3 trụ cột của chuyển đổi số, Thái Nguyên đứng thứ 7/63 tỉnh/thành phố về chính quyền số, 15/63 về kinh tế số và 9/63 về xã hội số. Năm 2023, Thái Nguyên nằm trong top 5 tỉnh, thành phố có quy mô kinh tế số công nghệ thông tin và dịch vụ viễn thông lớn nhất cả nước. Đến nay, vị trí của kinh tế số trong nền kinh tế tỉnh Thái Nguyên ngày càng vững chắc, trở thành động lực mạnh mẽ cho tăng trưởng ổn định và bền vững.

Thực trạng chuyển đổi số trong các doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên

Tính đến cuối năm 2023, toàn tỉnh Thái Nguyên có trên 5.000 DN số, trong đó có 324 DN công nghệ số cung cấp nền tảng, dịch vụ, giải pháp chuyển đổi số, tư vấn giải pháp chuyển đổi số và cung cấp dịch vụ giải pháp công nghệ thông tin.

Năm 2023, tổng doanh thu kinh tế số trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đạt khoảng 815 nghìn tỷ đồng, trong đó, doanh thu sản xuất các sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học đạt khoảng 780 nghìn tỷ đồng, còn lại là sản xuất thiết bị điện. Đến nay, toàn tỉnh Thái Nguyên có hơn 2.700 sản phẩm cập nhật trên sàn giao dịch thương mại điện tử của Tỉnh; đưa 72 sản phẩm nông nghiệp lên 2 sàn thương mại điện tử Postmart và Vỏ sò... Với những bước đột phá trong chuyển đổi số như vậy, năm 2023, Thái Nguyên đứng thứ hai cả nước về tỷ trọng Kinh tế số trong tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP), đạt mức 42,92%, nằm trong top 5 tỉnh, thành phố có quy mô kinh tế số công nghệ thông tin và dịch vụ viễn thông lớn nhất cả nước.

Trong thời gian qua, tỉnh Thái Nguyên đã tập trung đẩy mạnh phát triển DN công nghệ số, phát triển nội dung số, công nghiệp sáng tạo, thương mại điện tử và sản xuất thông minh. Nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội địa phương mạnh mẽ trong giai đoạn mới, việc hỗ trợ DN, hộ kinh doanh phát triển kinh tế số và xã hội số đã được Tỉnh chú trọng quan tâm. Hiện nay, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thái Nguyên đang triển khai hỗ trợ tư vấn chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ và các giải pháp trên nền tảng số cho các DN nhỏ và vừa; Triển khai hỗ trợ hơn 4.100 lượt cài đặt/bản quyền phần mềm quản trị DN, hóa đơn điện tử, quản lý nhà hàng, kế toán dịch vụ, chữ ký số... Tổ chức 10 khóa đào tạo trực tiếp và trực tuyến hỗ trợ DN, hộ kinh doanh chuyển đổi số tiến tới phát triển kinh tế số.

Một trong những đơn vị điển hình áp dụng công nghệ số vào triển khai các bước hoạt động nghiệp vụ là Cục Thuế tỉnh Thái Nguyên. Đơn vị đã tập trung triển khai hàng loạt giải pháp số hóa công tác quản lý thuế như áp dụng hệ thống hóa đơn điện tử trên toàn Tỉnh; triển khai ứng dụng eTax Mobile dành cho người nộp thuế là cá nhân; vận hành Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở thường trú ở Việt Nam... Qua đó đã mang lại tiện ích tối đa, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nộp thuế và giúp ngành Thuế hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách. Đến nay, 100% DN trên địa bàn Tỉnh đã thực hiện khai thuế điện tử; 98% số DN đăng ký tài khoản nộp thuế điện tử; tỷ lệ hoàn thuế giá trị gia tăng qua hình thức điện tử đạt 100%...

Hiện nay, tỉnh Thái Nguyên có 03 DN viễn thông (Viettel Thái Nguyên, VNPT Thái Nguyên, Mobifone Thái Nguyên) triển khai dịch vụ Mobile Money và có gần 435.000 khách hàng với trên 9.300 điểm chấp nhận thanh toán. Sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Thái Nguyên có hơn 2700 sản phẩm được cập nhật trên sàn tại địa chỉ www.thainguyentrade.vn; hiện tại sàn có 221 đơn vị tự đưa được sản phẩm lên sàn trực tiếp, Sàn đã được tích hợp trên phần mềm C-Thainguyen của Tỉnh, có 189.903 hộ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Tỉnh được tạo tài khoản, đã đưa lên 2 sàn thương mại điện tử (Postmart, Vỏ sò) với 1.852 sản phẩm nông nghiệp; tổng số giao dịch trên 2 sàn đạt 1.545 giao dịch, đã có 129 sản phẩm được gắn nhãn thương hiệu OCOP trên sàn; phong trào livestream bán hàng nông sản đạt hiệu quả và ngày càng được nhân rộng, góp phần xúc tiến, quảng bá sản phẩm nông sản địa phương..

Trong thời gian qua, mô hình Chợ 4.0 – Chợ thanh toán không dùng tiền mặt đã phát huy hiệu quả tích cực, giúp người dân trải nghiệm và tiếp cận với các phương thức thanh toán hiện đại không dùng tiền mặt, kích thích hoạt động mua sắm, góp phần xây dựng xã hội số, kinh tế số. Với sự nỗ lực của chính quyền địa phương và sự hỗ trợ tích cực của ngành Ngân hàng, đến nay toàn tỉnh Thái Nguyên đã triển khai 107 Chợ 4.0, đạt 100%, được tiểu thương và người dân hưởng ứng tích cực. Ngoài ra, 100% cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trường đại học, cao đẳng; 100% cơ sở khám, chữa bệnh, các bệnh viện, trung tâm y tế cấp huyện thực hiện thanh toán học phí, viện phí không dùng tiền mặt...

Khó khăn đối với doanh nghiệp

Mặc dù, thành công trong công tác chuyển đổi số, song vẫn còn một số DN vướng phải những khó khăn nhất định khi thực hiện công tác này như:

- Thiếu vốn đầu tư: Rào cản lớn nhất mà DN gặp phải khi áp dụng công nghệ số là chi phí cao. Đầu tư cho chuyển đổi số là đầu tư để thay đổi, từ nhận thức, chiến lược, nhân lực, kết cấu hạ tầng tới giải pháp công nghệ, vì vậy, đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn. Tuy vậy, việc phải đầu tư lớn về tài chính và nhân lực, trong khi chưa hoàn toàn chắc chắn về hiệu quả, cũng như đối mặt với nguy cơ thất bại, đã tạo rào cản lớn với các DN.

- Thiếu nhân lực đủ trình độ, đáp ứng yêu cầu ứng dụng công nghệ số: Để áp dụng được các công cụ kỹ thuật số vào trong quy trình sản xuất, kinh doanh, không chỉ đòi hỏi lao động trong DN phải biết cách sử dụng hệ thống máy móc, thiết bị, phần mềm hiện đại, mà còn phải bảo đảm khả năng sửa chữa khi có lỗi phát sinh và tiến hành các hoạt động bảo trì, bảo dưỡng thường xuyên.

- Rủi ro về vấn đề bảo mật thông tin, dữ liệu: Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin tạo ra động lực để phát triển kinh tế - xã hội, nhưng cũng làm nảy sinh những nguy cơ về lỗ hổng bảo mật. Trong khi đó, đa phần DN Việt Nam chưa nhận thức hết được tầm quan trọng trong việc đầu tư áp dụng các giải pháp hỗ trợ để bảo mật thông tin.

- Hạn chế trong nhận thức của lãnh đạo, nhà quản lý cũng như người lao động: Chuyển đổi số phải bắt đầu từ sự thay đổi tư duy người lãnh đạo, từ chiến lược, tư duy kinh doanh truyền thống sang chiến lược, tư duy kinh doanh công nghệ số hiệu quả. Chuyển đổi số sẽ tác động tới toàn bộ tổ chức và hoạt động của DN, gây nên nhiều áp lực cho các nhà quản trị và người lao động. Tâm lý ngại thay đổi, ngại từ bỏ những tập quán kinh doanh truyền thống được duy trì nhiều năm khiến DN khó khăn khi tiến hành chuyển đổi số.

Ngoài ra, những vấn đề về cơ chế, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của địa phương về Chính phủ điện tử, các giao dịch, thủ tục hành chính trên nền tảng số vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Đây cũng là các thách thức, hạn chế cho DN khi xác định chiến lược, xây dựng kế hoạch chuyển đổi số.

Giải pháp đề xuất

Thời gian qua, tỉnh Thái Nguyên đã nỗ lực thực hiện rất nhiều giải pháp để thúc đẩy DN chuyển đổi số. Tuy nhiên, để hoàn thành các mục tiêu đã đề ra, thời gian tới, chính quyền và nhân dân tỉnh Thái Nguyên cần thực hiện thêm một số giải pháp:

Một là, xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ DN chuyển đổi số về tài chính và nhân lực, khuyến khích các DN ứng dụng công nghệ số, đặc biệt là Công nghệ chuỗi khối, Trí tuệ nhân tạo, Dữ liệu lớn... DN cần ứng dụng công nghệ số để từng bước kết nối các hệ thống hiện có thành một hệ thống thông tin xuyên suốt và xây dựng cơ sở dữ liệu chung trong toàn DN; đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D) để tạo ra các thay đổi trong sản phẩm, dịch vụ và không ngừng nâng cấp các hệ thống hiện tại; ứng dụng công nghệ số mới để bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng cho dữ liệu.

Hai là, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhân lực có đủ kiến thức và kỹ năng đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số. Việc chuyển đổi số đòi hỏi đội ngũ lãnh đạo và người lao động của DN phải thích ứng và vận hành theo mô hình mới, có được các kỹ năng, kiến thức chuyên môn sẽ đem lại hiệu quả khi thực hiện chuyển đổi số. Do đó, DN cần đào tạo và trang bị cho người lao động các kỹ năng cần thiết, năng lực sáng tạo và khả năng thích ứng nhanh với môi trường công nghệ thay đổi liên tục.

Ba là, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy các DN trên địa bàn Tỉnh triển khai nền tảng thanh toán trực tuyến, di động phục vụ người dân.

Bốn là, cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính công, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo môi trường thuận lợi cho các DN số khởi nghiệp, khuyến khích các DN nhỏ và vừa chuyển đổi số.

Năm là, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ số trong quản lý chất lượng nông sản, đưa các sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh của Tỉnh lên sàn giao dịch thương mại điện tử.

Kết luận

Lợi ích của chuyển đổi số đối với DN là không thể phủ nhận. Thái Nguyên đã và đang tận dụng tốt cơ hội từ chuyển đổi số để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Rất nhiều DN của tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện thành công chuyển đổi số. Tuy nhiên, để đạt được những mục tiêu đã đặt ra trong giai đoạn tới, Thái Nguyên cần nỗ lực hơn nữa, khắc phục khó khăn, thực hiện thêm nhiều giải pháp hiệu quả để hoàn thành mục tiêu đến năm 2030, Thái Nguyên thuộc nhóm 10 tỉnh/thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số.

Tài liệu tham khảo:

  1. Thủ tướng Chính phủ (2020), Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020: Phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030".
  2. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên (2020), Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 31/12/2020 về Chương trình chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.
  3. UBND tỉnh Thái Nguyên (2021), Kế hoạch số 80/KH-UBND ngày 20/4/2021 về thực hiện Chương trình Chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
  4. UBND tỉnh Thái Nguyên (2023), Kế hoạch số 222/KH-UBND ngày 29/12/2023 về chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên năm 2024.
  5. Trần Thị Hạnh Nguyên, Nguyễn Triệu Phương Nam, Nguyễn Thị Thu Hằng, Vương Hồng Nhiên (2021), Doanh nghiệp chuyển đổi số tại Việt Nam: Thực trạng và giải pháp, Tạp chí Kinh tế và Dự báo.
  6. Nguyễn Đình Quyết (2021), Chuyển đổi số trong doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay: Những khó khăn cần tháo gỡ, Tạp chí Cộng sản.
 
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 3/2024