Giải pháp đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư vào giáo dục nghề nghiệp
Thực hiện chủ trương của Đảng và các chính sách của Nhà nước về đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục nghề nghiệp, trong những năm qua, công tác huy động vốn đầu tư vào giáo dục nghề nghiệp đã đạt được những kết quả nhất định.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, việc thu hút vốn đầu tư vào lĩnh vực này còn gặp không ít khó khăn, thách thức, do chi phí đầu tư lớn, tỷ suất lợi nhuận thấp. Để thu hút các nhà đầu tư “rót” vốn tham gia phát triển lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, ngoài việc ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích khu vực tư nhân trong nước và ngoài nước đầu tư phát triển giáo dục nghề nghiệp, cần triển khai các giải pháp đồng bộ khác…
Tình hình thu hút vốn đầu tư vào giáo dục nghề nghiệp
Việc thực hiện chủ trương xã hội hóa và tăng cường thu hút các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước cho giáo dục nói chung và giáo dục nghề nghiệp (GDNN) nói riêng thời gian qua đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Thống kê cho thấy, đến nay, ở các địa phương đều có loại hình giáo dục đào tạo ngoài công lập với 2.955 cơ sở (chiếm 6,68% trong tổng số 44.228 cơ sở giáo dục đào tạo của cả nước). Đến hết năm 2018, cả nước có 1.948 cơ sở GDNN (gồm: 397 trường cao đẳng, 519 trường trung cấp, 1.032 trung tâm GDNN), trong đó có 677 cơ sở GDNN tư thục và cơ sở GDNN có vốn đầu tư nước ngoài (chiếm 34,7%).
Tuy nhiên, việc thu hút vốn đầu tư vào lĩnh vực GDNN thời gian qua còn ở mức hạn chế. Về trang thiết bị đào tạo, mới chỉ tập trung đầu tư tại 30% số trường ở các ngành, nghề trọng điểm, còn phần lớn các ngành, nghề còn lại đều thiếu về số lượng, lạc hậu về công nghệ và chưa được đầu tư, quan tâm đúng mức. Các chuyên gia cho rằng, phần lớn các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước nhận thấy rằng, đầu tư vào giáo dục tại Việt Nam là một thị trường hấp dẫn với gần 100 triệu dân, trên 60% ở độ tuổi dưới 35 và dân số ở độ tuổi đi học nhiều.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư đã tìm hiểu và chọn lựa thế mạnh để thực hiện đầu tư chủ yếu vào nhóm từ mẫu giáo đến lớp 12 và tiếng Anh... Trong khi đó, số lượng nhà đầu tư tham gia đầu tư vào lĩnh vực GDNN còn hạn chế so với các loại hình khác, do vốn đầu tư thành lập cơ sở GDNN (không bao gồm giá trị về đất đai) thường rất lớn, đặc biệt là một số ngành, nghề kỹ thuật (như cắt gọt kim loại, cơ khí, chế tạo máy...).
Bên cạnh đó, việc thu hút các nguồn lực của xã hội vào các cơ sở GDNN công lập tiến triển chậm. Mặc dù đã có nhiều chủ trương, chính sách theo hướng tăng cường tự chủ và trách nhiệm giải trình (nhất là về tài chính) của các cơ sở công lập; tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục thông qua các chính sách ưu đãi về thuế, đất đai, tín dụng nhưng việc thực hiện cơ chế tự chủ mới bước đầu triển khai ở lĩnh vực giáo dục đại học, lĩnh vực GDNN còn chưa triển khai hoặc mới tiến hành triển khai; hoạt động đầu tư, hợp tác của khối tư nhân với các cơ GDNN công lập thông qua các hình thức liên kết, hợp tác kinh doanh, đối tác công - tư còn đơn lẻ, chưa tạo sự đột phá trong toàn hệ thống.
Thêm vào đó, đầu tư vào GDNN có tỷ suất lợi nhuận thấp, do hiện nay việc tăng thu từ người học để bù đắp chi phí đào tạo theo lộ trình điều chỉnh giá, phí quy định tại Nghị định số 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ cho các đối tượng của GDNN còn gặp không ít khó khăn, bởi vì người học chủ yếu là nhóm đối tượng yếu thế, người nghèo…
Về vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước, theo quy định tại Nghị định số 32/2017/NĐ-CP ngày 31/3/2017 thì chỉ các dự án đầu tư thực hiện tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn; các dự án đầu tư ra nước ngoài theo quy định của Chính phủ (không phân biệt lĩnh vực đầu tư) mới được vay tín dụng đầu tư của Nhà nước. Với danh mục dự án nói trên thì rất ít các cơ sở GDNN có thể tiếp cận nguồn vốn này, đặc biệt là các cơ sở GDNN có thể tự chủ được phần đa nằm ở những thành phố lớn, có điều kiện kinh tế phát triển.
Giải pháp đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư vào giáo dục nghề nghiệp
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, đặc biệt ở khâu triển khai, thực thi các chủ trương, chính sách, nhằm tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong công tác huy động các nguồn lực của xã hội cho GDNN, cần triển khai đồng bộ các giải pháp sau:
Thực tế cho thấy, hiện nay, phòng học và xưởng thực hành của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ yếu là sửa chữa, cải tạo lại. Về trang thiết bị đào tạo mới chỉ tập trung đầu tư tại 30% số trường ở các ngành, nghề trọng điểm, còn phần lớn các ngành, nghề còn lại đều thiếu về số lượng, lạc hậu về công nghệ và chưa được đầu tư, quan tâm đúng mức.
Một là, rà soát, sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện các văn bản, chính sách liên quan đến xã hội hóa GDNN, tạo hành lang pháp lý đầy đủ, thuận lợi để khuyến khích khu vực tư nhân trong nước và ngoài nước đầu tư phát triển GDNN; đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân đối với xã hội hóa GDNN …
Hai là, khuyến khích các cơ sở GDNN công lập hợp tác, liên doanh, liên kết với các cơ sở ngoài công lập; chuyển đổi một số đơn vị sự nghiệp công lập sang ngoài công lập ở những nơi có điều kiện phù hợp. Công khai các quy hoạch dự án trọng điểm đầu tư phát triển GDNN kêu gọi khu vực tư nhân đầu tư.
Ba là, xã hội hóa GDNN cần được coi là một chỉ tiêu trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Phát triển mạnh các cơ sở GDNN tại doanh nghiệp để đào tạo nghề cho doanh nghiệp và cho xã hội. Tăng cường vai trò đại diện của doanh nghiệp (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các hội nghề nghiệp...) trong quá trình xây dựng chính sách, chiến lược, kế hoạch và triển khai hoạt động GDNN.
Bốn là, cần tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực đào tạo nghề, nhất là quá trình chuyển giao công nghệ, cải thiện các yếu tố về mặt pháp lý... Đồng thời, tranh thủ các ưu thế về công nghệ, kinh nghiệm đào tạo nhân lực có chất lượng cao của các tổ chức nước ngoài.
Tài liệu tham khảo:
1. Luật Giáo dục nghề nghiệp số 74/2014/QH13 ngày 27/11/2014;
2. Chính phủ (2014), Nghị định số 59/2014/NĐ-CP ngày 16/6/2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường;
3. Thủ tướng Chính phủ (2011), Quyết định số 579/QĐ-TTg ngày 19/4/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011 - 2020;
4. Nguyễn Văn Lâm, Giải pháp huy động nguồn lực xã hội hóa vào phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp;
5. Thanh Hà (2020), Huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho giáo dục nghề nghiệp.